Sâu đầu đen có dấu hiệu gia tăng trở lại
Từ đầu năm đến nay, sâu đầu đen hại dừa có dấu hiệu gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo Sở NN-PTNT tỉnh này, trong 3 tháng đầu năm 2024, diện tích dừa nhiễm mới sâu đầu đen là 122,45ha. Người dân đã kịp thời báo chính quyền địa phương và đã được hỗ trợ xử lý.
Bà Đặng Thị Châu ở ấp Tân Thành Hạ, xã Tân Trung (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) có 8.000m2 trồng chuyên canh cây dừa. Mấy tháng trước, gia đình phát hiện vườn dừa nhiễm sâu đầu đen mức độ nặng với trên 100 cây nhiễm. Nhờ thông báo với chính quyền địa phương, vườn dừa của gia đình bà đã được hỗ trợ thả ong ký sinh ngăn chặn sâu phát tán ra xung quanh. Đến nay, vườn dừa này đã có dấu hiệu phục hồi.
Theo bà Dương Thị Mỹ Trang, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mỏ Cày Nam, diện tích dừa của toàn huyện là 16.820ha, trong đó có trên 5.300ha được chứng nhận hữu cơ. Hơn một năm nay, địa phương khống chế sâu đầu đen chủ yếu bằng biện pháp sinh học, sử dụng ong ký sinh và đạt được hiệu quả rất tích cực. Tuy nhiên, những tháng đầu năm do nắng nóng, nhiệt độ môi trường không ổn định gây bất lợi cho ong ký sinh khi thả ra môi trường tự nhiên, do đó tình hình sâu đầu đen tái diễn tại một số vườn.
Hiện diện tích dừa bị nhiễm mới trên địa bàn huyện là gần 34ha, trong đó xã Thành Thới A 4,8ha, Phước Hiệp 0,7ha, Minh Đức 14ha, Bình Khánh 7ha, Hương Mỹ 5ha, Cẩm Sơn 1,65ha, Định Thủy 0,64ha. Lũy kế, tổng diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen đến nay trên địa bàn huyện là gần 618ha của 1.799 hộ tại 14 xã và thị trấn. Trong đó, diện tích dừa đã phục hồi sau khi áp dụng các biện pháp phòng trừ là trên 509ha. Còn lại trên 108ha đang được triển khai phòng trừ, trong đó nhiễm nhẹ gần 83ha, nhiễm trung bình trên 25ha.
Về biện pháp phòng trừ đối với diện tích nhiễm mới, ngành nông nghiệp huyện Mỏ Cày Nam đã vận động phun xịt 100% diện tích nhiễm tại các xã Thành Thới A, Phước Hiệp, Minh Đức, Hương Mỹ và Cẩm Sơn. Riêng xã Bình Khánh đang vận động phun xịt và xã An Thạnh tiếp tục phun xịt 5,5/12,2ha.
“Huyện đang có phòng nhân nuôi ong ký sinh tại Trạm Trồng trọt và BVTV khu vực Cù lao Minh, trong đó một phòng nuôi ký chủ, một phòng nuôi ong. Cứ mỗi đợt ong nở, đơn vị thông báo cho các xã đến nhận để phóng thích vào các vườn dừa có sâu đang gây hại. Xã ưu tiên thả ong ký sinh vào các vườn dừa hữu cơ để quản lý sâu đầu đen theo biện pháp sinh học. Song song đó thực hiện biện pháp hóa học ở những vườn dừa chưa thả ong, sau đó sẽ tiếp tục thả ong để khống chế sâu hại tái phát”, bà Dương Thị Mỹ Trang nói.
Cũng theo Phòng NN-PTNT huyện Mỏ Cày Nam, trong quý 1, huyện đã nhân nuôi và phóng thích 10 triệu con Trichospillus. Tính đến nay, toàn huyện đã phóng thích trên 162 triệu ong ký sinh (gồm hơn 1,5 triệu con Hebetor, hơn 152 triệu con Trichospillus và trên 8,6 triệu con ong mắt đỏ).
Tăng cường biện pháp quản lý
Theo UBND tỉnh Bến Tre, thời gian qua, công tác nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, sâu đầu đen cơ bản đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, một số địa phương có số lượng ong ký sinh nhân nuôi và phóng thích còn ít so với yêu cầu, chưa quan tâm đúng mức về công tác nhân nuôi ong ký sinh để quản lý sâu đầu đen trên địa bàn.
Trước tình hình đó, ngày 26/3, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã có công văn đề nghị các ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan quan tâm thực hiện một số biện pháp để tăng cường quản lý sâu đầu đen.
Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục hướng dẫn biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa đến các địa phương. Tổ chức tuyên truyền tác hại của sâu đầu đen hại dừa, thực hiện tốt điều tra phát hiện thống kê mức độ, diện tích nhiễm, hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ bằng biện pháp quản lý tổng hợp nhằm hạn chế thiệt hại và lây lan. Đồng thời tiếp tục phối hợp UBND các huyện khẩn trương triển khai kế hoạch duy trì nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa năm 2024.
Riêng Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM khẩn trương xúc tiến đề tài cấp nhà nước để sớm triển khai thực hiện nhằm hoàn thiện giải pháp quản lý và phòng trừ sâu đầu đen theo hướng sinh học, an toàn và bền vững.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng NN-PTNT, phòng kinh tế thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành nông nghiệp tăng cường công tác điều tra, phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với Sở NN-PTNT triển khai công tác nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh theo kế hoạch của Sở NN-PTNT, kiện toàn Tổ nhân nuôi ong ký sinh, lưu ý việc bố trí nhân sự cho công tác nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh trên địa bàn bảo đảm số lượng, đạt hiệu quả.
Trong đó, các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm tiếp tục thực hiện công tác nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh như thời gian qua. Các huyện Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri khẩn trương đầu tư thêm 1 phòng nhân nuôi ký chủ đạt yêu cầu theo kế hoạch.
Đối với huyện Chợ Lách và TP Bến Tre, bố trí nhân sự để hỗ trợ công tác nhân nuôi tại điểm nhân nuôi huyện Mỏ Cày Bắc và điểm nhân nuôi của Chi cục Trồng trọt và BVTV để duy trì lượng ong ký sinh phóng thích trên địa bàn.
Riêng huyện Châu Thành thời gian qua việc nhân nuôi, phóng thích ong ký sinh chưa đạt yêu cầu, cần tập trung bố trí nhân sự và cơ sở vật chất đầy đủ nhằm bảo đảm cho công tác nhân nuôi ong ký sinh đạt hiệu quả trong năm 2024.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, tính đến tháng 2/2024, tổng diện tích dừa toàn tỉnh là trên 79.000ha. Diện tích dừa còn bị nhiễm sâu đầu đen là trên 231ha, trong đó nhiễm nhẹ trên 201ha (tỷ lệ hại từ 10 đến 20%); nhiễm trung bình gần 27ha (tỷ lệ hại trên 20 đến 40%); nhiễm nặng trên 3ha (tỷ lệ hại trên 40%). 2 tháng đầu năm năm 2024, toàn tỉnh đã phóng thích thêm gần 24 triệu con ong ký sinh.