Theo thông tin từ nông dân trồng dừa tại các tỉnh ĐBSCL, thời điểm này do đang mùa khô kết hợp với gió mùa Đông Bắc là điều kiện thuận lợi để sâu đầu đen sinh sản, nhân mật số và phát tán rất nhanh.
Cụ thể, tại tỉnh Trà Vinh, sâu đầu đen đang có chiều hướng lây lan nhanh, cách thức lây lan đa dạng, khó kiểm soát, các điểm lây nhiễm đang có chiều hướng lan rộng, nếu không phòng trị kịp thời sẽ bùng phát thành dịch gây thiệt hại lớn cho người trồng dừa.
Qua kết quả điều tra sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh có 34,5ha (tương đương 7.626 cây dừa) bị sâu đầu đen gây hại, xuất hiện ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành, và TP Trà Vinh.
Ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh dự báo trong năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 100ha dừa bị nhiễm sâu đầu đen với mức độ gây hại từ trung bình - nặng.
Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với các địa phương tổ chức 53 cuộc tập huấn triển khai biện pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa tại các huyện có trồng dừa cho khoảng 1.897 nông dân tham dự. Đồng thời tổ chức 100 lớp tập huấn cho khoảng 4 ngàn lượt nông dân tham dự về nội dung "Hướng dẫn số 96/HD-SNN ngày 24/5/2021 của Sở NN-PTNT về phòng trừ sâu đầu đen hại dừa".
Sở NN-PTNT Trà Vinh cũng chỉ đạo phun thuốc dập dịch những vườn dừa bị nhiễm từ mức độ nhẹ - nặng. Dự kiến diện tích phun thuốc 100ha, với tổng kinh phí khoảng trên 700 triệu đồng, bao gồm kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật, tiền công phun, tiền công cắt tỉa, tiêu hủy cây bị hại nặng và bảo hộ lao động.
Trà Vinh hiện xếp thứ hai về diện tích trồng dừa trong khu vực ĐBSCL (chỉ sau Bến Tre) với khoảng 26.000ha.