| Hotline: 0983.970.780

Phòng trừ sâu đầu đen phá rụi dừa

Thứ Sáu 21/07/2023 , 08:44 (GMT+7)

Bình Thuận Nhiều diện tích dừa tại xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết (Bình Thuận) bị sâu đầu đen tấn công khiến lá bị cháy, chết đọt.

Nhiều diện tích dừa tại xã Thiện Nghiệp đang thời kỳ cho trái bị sâu đầu đen gây hại. Điển hình như hơn 40 cây dừa xiêm của gia đình ông Lê Văn Lợi đã bị sâu ăn lá, làm chết cây. Ông Lợi cho biết, sâu này có chiều dài khoảng 1,5 - 2cm, đầu cứng, màu nâu và trắng ngà. Chúng nằm trong tổ, tổ sâu nấp vào sống lá dừa rồi ăn lá dần khiến cây bị suy kiệt và chết. Hơn nữa khi gây hại trên lá, sâu làm kén và cuốn lá lại nên bà con rất khó phát hiện để phòng trừ.

Nhiều diện tích dừa ở xã Thiện Nghiệp bị sâu đầu đen gây hại gây cháy lá. Ảnh: AH.

Nhiều diện tích dừa ở xã Thiện Nghiệp bị sâu đầu đen gây hại gây cháy lá. Ảnh: AH.

Theo báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Phan Thiết, tính đến ngày 12/7 đã ghi nhận gần 11ha dừa ở xã Thiện Nghiệp bị sâu đầu đen gây hại, tập trung tại các thôn Thiện Trung và Thiện Bình.

Ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cho biết, sâu đầu đen hại dừa có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, phát hiện gây hại dừa đầu tiên tại Bến Tre vào tháng 7/2020.

Sâu thuộc bộ cánh vảy, họ ngài đêm, là loài sâu hại ngoại lai nguy hiểm trên cây dừa có nguồn gốc tại Sri Lanka và Ấn Độ. Khi bị sâu đầu đen gây hại, sẽ khiến tàu dừa cháy khô từ những lá già bên dưới, sau đó dần lên các lá bên trên và các tàu lá non trên ngọn. Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá chét, thải phân và nhả tơ kết thành tổ để trú ẩn. Khi bị động, chúng sẽ nấp vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất, sâu non tấn công cả vỏ trái.

“Khi cây dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng, toàn bộ tàu lá trên cây bị cháy khô, cây suy kiệt dần, giảm năng suất hoàn toàn và có thể chết cây”, ông Đỗ Văn Bảo chia sẻ.

Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá chét, thải phân và nhả tơ kết thành tổ để trú ẩn. Ảnh: KS.

Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá chét, thải phân và nhả tơ kết thành tổ để trú ẩn. Ảnh: KS.

Để phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, nông dân cần thực hiện các biện pháp như: Cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét của cây dừa bị sâu gây hại, đồng thời tiến hành tiêu hủy bằng cách đốt hoặc ngâm trong nước nhằm làm giảm mật số sâu hại.

Đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả, an toàn với môi trường và cần thực hiện ngay khi phát hiện sâu đầu đen gây hại từ những lá già bên dưới.

Bên cạnh đó, nông dân cần bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón cho cây dừa, cũng như hạn chế vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ (cau, chuối…) và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế lây lan.

Đối với biện pháp sinh học, nông dân sử dụng thuốc trừ sâu sinh học hoạt chất Bacillus thuringiensis (Bt). Cùng với đó, phóng thích bọ đuôi kìm Chelisoches variegatus với số lượng 10 - 20 con/cây và bảo tồn các loài thiên địch có sẵn trong tự nhiên như kiến vàng, bọ xít bắt mồi, ong ký sinh để bảo vệ vườn dừa.

Sâu non tấn công cả vỏ trái. Ảnh: KS.

Sâu non tấn công cả vỏ trái. Ảnh: KS.

Về biện pháp hóa học, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cho biết, hiện chưa có thuốc BVTV đăng ký phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Tuy nhiên theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, tạm thời sử dụng các hoạt chất Abamectin, Azadirachtin, Emamectin benzoate, Spinosad để phòng trừ sâu đầu đen.

Tuy nhiên, lưu ý nếu vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng, nông dân cần cắt tỉa, tiêu hủy tàu lá trước khi phun thuốc BVTV nhằm giảm mật số sâu hại, cũng như tăng khả năng tiếp xúc sâu non và hiệu quả của thuốc. Đối với vườn dừa kết hợp chăn nuôi, nên dùng 1 trong 2 hoạt chất thuốc được ghi nhận ít gây hại cho tôm, cá và vật nuôi như Spinetoram và Flubendiamide.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận lưu ý cách phun bình máy khoảng 25 lít cho 5 cây dừa, phun ướt đẫm đều hai mặt lá. Phun 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày và nên luân phiên các hoạt chất thuốc. Khi sử dụng thuốc BVTV phải theo nguyên tắc "4 đúng" và không sử dụng nước có độ mặn trên 0,5‰ để pha thuốc, cũng như không phun ngừa khi chưa phát hiện triệu chứng gây hại.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.