| Hotline: 0983.970.780

Siêu dự án 15 ngàn tỷ, nằm 'đắp chiếu' tròn một nhiệm kỳ

Thứ Tư 19/08/2020 , 09:06 (GMT+7)

Thái Nguyên khởi công siêu dự án Khu Du lịch tâm linh hồ Núi Cốc, có tổng vốn đầu tư 15 nghìn tỷ đồng, để rồi tạm dừng suốt nhiều năm…

Khu đất quy hoạch xây Chùa Tháp Phật Giáo bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: TL.

Khu đất quy hoạch xây Chùa Tháp Phật Giáo bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: TL.

Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỉnh Thái Nguyên đã khởi công siêu dự án Khu Du lịch tâm linh hồ Núi Cốc, có tổng vốn đầu tư 15 nghìn tỷ đồng, nhằm đưa địa phương này trở thành đầu tàu về kinh tế, văn hóa, du lịch tâm linh của khu vực Việt Bắc. Thế nhưng, điểm nhấn của Dự án Chùa Tháp Phật Giáo nghìn tỷ mới chỉ khởi động, để rồi tạm dừng suốt nhiều năm…

Siêu dự án Du lịch tâm linh hồ Núi Cốc

Ngày 17/02/2016, siêu dự án Khu Du lịch tâm linh hồ Núi Cốc, tại khu vực Đền Gàn, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ đã được khởi công, dưới sự góp mặt của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao từ Trung ương, cùng sự chứng kiến của hàng vạn người dân trong vùng Việt Bắc.

Quy mô của dự án trải rộng trên 10 xã, thị trấn của 3 huyện, thị: thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ. Diện tích sử dụng đất khoảng 18.940ha, trong đó hồ Núi Cốc là 2.500ha.

Điểm nhấn chính là Dự án Chùa Tháp Phật Giáo cao 150m, trên nền rộng 10 nghìn m2, được xem là lớn nhất thế giới, cùng công trình giải trí như sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền, khu làng văn hóa các dân tộc… Tổng mức đầu tư dự kiến 15 nghìn tỷ đồng.

Để thực hiện siêu dự án này, tỉnh Thái Nguyên đã phân chia đầu việc cho các ngành cùng vào cuộc một cách tổng lực như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ chì phần việc nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng hạ tầng khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa.

Còn nhà đầu tư theo hình thức PPP gồm: Các dự án thuộc tuyến đường Bắc Sơn kéo dài, được giao cho Doanh nghiệp Xuân Trường làm Chủ đầu tư. Dự án đường nối ĐT.261 đến khu vực Đền Gàn và Dự án tuyến đường ven hồ Núi Cốc do Sở Giao thông - Vận tải chủ trì nghiên cứu.

Hai dự án lớn ngoài ngân sách gồm: Dự án Chùa Tháp Phật Giáo lớn nhất thế giới; Cổng số 1 vào khu du lịch hồ Núi Cốc do Doanh nghiệp Xuân Trường chịu trách nhiệm thực hiện.

Giai đoạn chuẩn bị Dự án với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cộng thêm hoạt động tung hô của truyền thông nên câu chuyện chùa Tháp Phật Giáo tại khu vực Đền Gàn đã nhanh chóng thành món ăn tinh thần tại các quán nước vỉa hè, cho tới chốn nghị trường của tỉnh.

Đền Gàn là một phần trong quần thể siêu Dự án khu du lịch tâm linh của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: TL.

Đền Gàn là một phần trong quần thể siêu Dự án khu du lịch tâm linh của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: TL.

Theo dự kiến ban đầu, phần thô của chùa Tháp phật sẽ được làm xong trong năm 2019, để đón khách vãn cảnh, bái phật và sẽ hoàn thành khu chùa Tháp trong vòng 10 năm (giai đoạn 2016 đến 2026). Tuy nhiên, doanh nghiệp đã phải xin tạm dừng để tính toán lại việc đầu tư.

Sau 2 năm khởi động dự án, đến tháng 1/2018, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có văn bản 246-KL/TU về việc… thực hiện dự án hạ tầng khu tâm linh hồ Núi Cốc. Theo đó, Tỉnh ủy cho phép Doanh nghiệp Xuân Trường được tạm dừng thực hiện dự án Khu Du lịch tâm linh hồ Núi Cốc sang giai đoạn sau năm 2020.

Tính đến giữa tháng 8/2020, duy nhất Dự án đầu tư theo hình thức PPP là tuyến đường Bắc Sơn kéo dài, đã triển khai thi công được khoảng 50% giá trị hợp đồng, còn lại các dự án khác đều vẫn đang tạm dừng.

Giấc mơ có thành hiện thực?

Việc xây dựng siêu Dự án Khu Du lịch tâm linh hồ Núi Cốc thì ngoài nguyên nhân khó khăn về tài chính để làm Tháp Phật Giáo cao nhất thế giới thì sự khó khăn về mặt khoa học và tính khả thi của các dự án thành phần, mới là vấn đề cốt lõi như: Để nâng cao trình trên mực nước dâng bình thường của hồ Núi Cốc, ngoài việc điều tiết trong mùa mưa lũ, tỉnh Thái Nguyên phải có phương án xây dựng thêm 3 hồ gồm: Hồ Nghinh Tường (huyện Võ Nhai), hồ Kẹm (huyện Đại Từ) hồ Khuôn Tát (huyện Định Hóa), cùng với đó cần xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước từ sông Cầu và tháo nước cho hồ Núi Cốc, sẽ có số tiền phát sinh thêm nhiều nghìn tỷ đồng.

Nếu chuyển hồ Núi Cốc thành hồ trữ nước ở mức cao thường xuyên để phục vụ du lịch, cần phải được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, đặc biệt là sức chịu tải của thân đập chắn nước này, vốn đã rất ổn định trên 40 năm qua, nếu buộc phải dâng thêm cao trình nước liên tục, thì liệu có an toàn?

Cầu vượt tuyến Bắc Sơn - Hồ Núi Cốc mới xong phần mố cầu. Ảnh: TL.

Cầu vượt tuyến Bắc Sơn - Hồ Núi Cốc mới xong phần mố cầu. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, câu chuyện dự án chồng dự án tại khu du lịch hồ Núi Cốc mới là bài toán nan giải. Thời điểm năm 2012, khi công bố quy hoạch khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã cấp phép cho hàng chục dự án đầu tư vào khu vực này, nhiều dự án vẫn đang triển khai dang dở, nếu có muốn “xóa” các dự án đã phê duyệt trước đây, cũng sẽ rất khó thực hiện.

Còn điểm nhấn tại Khu Du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc, chính là việc doanh nghiệp quyết tâm “biến” Di tích lịch sử cấp tỉnh Đền Gàn, thành địa điểm tâm linh lớn nhất trong khu vực với một Chùa Tháp Phật Giáo hiện đại, chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000m2, cùng 12 nghìn bức tranh đá tại Indonesia và Ấn Độ sẽ được doanh nghiệp đưa về Tháp lắp đặt… cũng sẽ tốn kém hàng nghìn tỷ đồng nhưng quan trọng nhất, vẫn là sức hấp dẫn về điểm tâm linh này thì liệu có được như mong muốn của nhà đầu tư?

Mô hình Chùa Tháp Phật Giáo hoành tráng tại nghị trường. Ảnh: TL.

Mô hình Chùa Tháp Phật Giáo hoành tráng tại nghị trường. Ảnh: TL.

Cho đến hôm nay bức tranh về một siêu dự án khu du lịch tâm linh với ngôi Chùa Tháp Phật Giáo lớn nhất thế giới vẫn trên bàn giấy lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, hiện chưa biết đến khi nào mới tiếp tục được thực hiện.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất