Đây là con đèo đứng đầu danh sách “tứ đại đèo” Tây Bắc, để đến Sin Suối Hồ nằm trên độ cao 1.400m, một điểm du lịch cộng đồng, mới được Sở Văn hóa - Thể thao- Du lịch Lai Châu công nhận…
Mặt trời lặn trên đèo Ô Quy Hồ |
Bản Sin Suối Hồ nằm chênh vênh trên sườn núi, trong âm âm mây mù và sương khói. Bản có 126 hộ, 667 khẩu, toàn là dân tộc Mông, nhưng lại có có những nét “dị biệt” chẳng giống ai. Điều "dị biệt" của ngôi bản này thì nhiều, nhưng chỉ kể mấy điều “dị biệt” ấn tượng nhất mà tôi đã thấy. Đó là bản người Mông mà có đến 90% không biết uống rượu. Trưởng bản Vàng A Chỉnh cười bảo: Ngày xưa bản mình nhiều người nghiện rượu lắm, bây giờ mọi người đã bỏ rượu cả rồi, khách đến chỉ uống vài chén cho vui thôi. Dân bản thấy ai uống rượu say lè nhè thì họ tránh xa, coi không phải là dân trong bản. Vì thế, bây giờ chẳng mấy ai uống rượu và nghiện rượu như những năm trước đây…
Điều “dị biệt” thứ hai là dân ở Sin Suối Hồ 90% không hút thuốc lá, thuốc lào, vì thế tôi phải dắt theo chiếc điếu ục, nhỡ lên đó không có điếu, lúc lên cơn “ghiền” thì có lên…trời tìm cũng chẳng có. Bởi thế, Đỗ Thị Tấc bảo: Ông phải mang điếu đi nhé, trên Sin Suối Hồ không có điếu đâu…
Điều “dị biệt” thứ ba, bản có trên trăm hộ, gần 700 con người, nhưng không hề có trộm cắp, đánh cãi chửi nhau bao giờ. Xe máy dựng ở ngoài đường cả ngày không khóa cũng chẳng mất.
Tác giả trong khu rừng của bản Sin Suối Hồ. |
Đi bộ trên con đường trong bản và dọc đường lên thác Trái Tim, một điểm ấn tượng nhất của Sin Suối Hồ, tôi ngỡ như lạc vào một công viên hoa dã quỳ và những chậu địa lan xếp thành hàng, thành lối hai bên đường hoa nở rực rỡ. Vàng Văn Chỉnh cho biết: Hồi trước, đi trồng thảo quả ở trên rừng già, thấy nhiều cây địa lan mọc hoang, nở hoa đẹp nên đánh vài cụm về trồng chậu chơi. Năm 2013 khách du lịch đến bản hỏi mua, em bán được vài triệu đồng mỗi chậu. Thế là phổ biến cho cả bản trồng địa lan rải khắp từ nhà ra ngõ, trong bản chỗ nào cũng gặp hoa địa lan…Tất cả 126 hộ trong bản đều trồng địa lan, nhà trồng ít nhất gần chục chậu, nhà trồng nhiều nhất 500-600 chậu…
Chỉnh nói thêm: Nhà em trồng hơn 300 chậu thôi, chậu nào có hoa em bán, mỗi chậu từ 3 đến 5 triệu đồng, có khi hơn. Người ta mua mang đi Sa Pa, Lào Cai và cả Hà Nội…Trong bản có hơn 50% số hộ trồng thảo quả, nhà ít nhất một năm thu được trên dưới 1 tạ, nhiều cả tấn. Giá thảo quả tương đối ổn định, thường từ 120-130 nghìn/kg. Nhà em năm 2018 thu được có 2,22 tấn, bán được hơn 250 triệu. Chỉ tính riêng thảo quả, ngôi bản nhỏ này mỗi năm thu tiền tỷ bác ạ…
Trưởng bản Vàng A Chỉnh năm nay tròn 45 tuổi, anh thực sự là “trụ cột” của bản. Ngay trước ngõ nhà Chỉnh có một cái chợ làng. Nếu là chợ khu vực, chợ xã, chợ phường thì đâu chả có, nhưng chợ “bản” thì chắc cả tỉnh Lai Châu chỉ có ở đây. Cái chợ rộng 900 m2, Chỉnh ghé tai tôi nói nhỏ: Em hiến đất cho bản làm cái chợ này, để bà con làm rau làm bánh bán, mỗi tuần một phiên, nhưng cái chính là để ông già, bà già và lũ trẻ con được đi chợ. Ngày chợ phiên các bản quanh đây cũng mang đủ loại hàng hóa tới bán, rồi thương lái từ thành phố Lai Châu cũng chở hàng tạp hóa lên bán,. Ngày chợ bác lên đây vui lắm nhé…Được biết, chợ đối với người Mông xưa nay luôn là nét văn hóa truyền thống. Từ trẻ con đến người già đều rất cần chợ, người ta đến chơ không chỉ để bán, mua, mà để gặp nhau, để giãi bày, tâm sự…
Trẻ em bản Sin Suối Hồ rất thân thiện với môi trường thiên nhiên |
Đường lên thác Trái Tim phải đi xuyên qua một khu rừng nguyên sinh, dọc theo con suối Vàng. Gọi là suối Vàng, bởi Sin Suối Hồ có gốc tiếng Quan Hỏa mà chữ sin tức kim nghĩa là vàng. Cái suối này nghe nói, có rất nhiều vàng, nhưng xưa nay dân bản không ai đào, đãi gì ở đây, nó được bảo vệ nguyên vẹn, sơ khai.
Từ trung tâm bản lên thác dài độ 1.500 m, nhưng phải luồn rừng, leo dốc. Tháng 7/2015, Trưởng bản đã huy động tất cả các hộ tập trung xuống suối bê từng hòn đá cuội lên xếp thành con đường độc đáo, nên đi lại thật tuyệt vời, vừa đi vừa thưởng thức, nhấm nháp cái hoang sơ nơi rừng già “cung cấm” của thiên nhiên. Chỉnh bảo: Dân bản làm con đường này hết đúng 7 ngày, làm xong xã mới biết…
Lối lên thác Trái Tim |
Cô giáo Nguyễn Thanh Thanh, dạy nhạc họa Trường THPT cơ sở Sin Suối Hồ và thầy Vũ Văn Dương, hiệu trưởng trường Nậm Tăm, là học viên lớp tập huấn của Hội Văn học- Nghệ thuật Lai Châu dẫn tôi lên thăm thác Trái Tim. Con đường xuyên qua cánh rừng già, với rất nhiều dây leo và phong lan rừng. Tháng ba hoa phong lan bắt đầu nở đủ các màu. Nhưng điều kỳ lạ không một ai cắt những giò lan đó. Chúng tôi tưởng như lạc vào xứ sở thần tiên, miền cổ tích của tuổi thơ tràn ngập hương thơm và tiếng chim hót vang rừng. Dòng suối dưới chân như chảy từ miền nhớ qua những tảng đá rêu xanh rì, nước trong vắt sạch đến nỗi người đi đường có thế vốc nước lên uống được. Cô giáo Thanh thỉnh thoảng lại hét lên: Ô đẹp quá, chạy như đứa trẻ nhỏ, khiến ông lão bảy mươi là tôi như trở lại tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng.
Lán chợ, khi không phải ngày phiên |
Ấn tượng nhất vẫn là cái cổng bản. Bàn chân tôi đã đi qua nhiều bản làng, nhưng chưa từng thấy một cái cổng bản nào như vậy, một tấm tôn hơi cong, nẹp bằng tre, sơn màu lá cây, với dòng chữ như viết bằng phấn bảng ở lớp tiểu học, rất khiêm nhường: “Điểm du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ”. Bên trái là hình vẽ hai trái tim, bên phải là một từ tiếng Anh “Love”. Một chữ “Yêu”, chỉ một chữ yêu thôi, không cần đến những ngôn từ to tát, bóng bẩy đại thể như “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa” Hay “Gia đình văn hóa”…này nọ được gắn biển quảng cáo rầm rộ ở nhiều nơi.
Vàng A Chỉnh cho biết, hiện nay ở Suối Hồ có khá nhiều du khách từ mọi miền đất nước tìm đến hằng ngày. Nhiều người nước ngoài như Úc, Hoa Kỳ…tới đây, nhiều người nghỉ qua đêm để tìm hiểu phong tục tập quán của người Mông nơi này.
Nguồn nước ở suối trong rừng được giữ gìn sẽ để lọc sử dụng cho sinh hoạt |
Thác Trái Tim |
Cổng bản |