| Hotline: 0983.970.780

Sinh kế từ rong biển: 'Mỏ vàng' chưa được khai thác

Thứ Ba 06/12/2022 , 06:05 (GMT+7)

Nhu cầu rong biển và tiềm năng phát triển của nó là rất lớn, thế nhưng thời gian qua, loài thủy sản có giá trị cao này còn 'ngủ vùi', chưa được đánh thức…

Tiềm năng còn “say giấc”

Bài liên quan

Ở Nhơn Hải, làng chài ven biển thuộc thành phố Quy Nhơn (Bình Định) có “cánh rừng” rong mơ. Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7 hàng năm là đến mùa sinh sản của các loài cá rạn, rừng rong mơ trở thành “nhà hộ sinh” để lũ cá tụ tập về đây sinh sản. Vào thời điểm này, vùng biển Nhơn Hải phong phú các loài cá như cá giò, cá dìa, cá mó, cá hồng, nhưng nhiều nhất là cá giò. Rong mơ chính là thức ăn khoái khẩu của  cá giò nên chúng phát triển rất nhanh, khi ớn chúng đi từng đàn đến bạt nước.

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải, cho biết, trước khi thành lập Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải để bảo vệ san hô, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7, người dân địa phương đổ xô ra biển khai thác rong, khi ấy rong đã già. Hiện nay, rong rau câu chân vịt được tư thương mua với giá 1,3 triệu đồng/kg khô, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, năm nào thu nhiều nhất cũng chỉ được khoảng 100kg khô. Hiện nay chúng tôi không cho bà con khai thác rong nữa là để bảo vệ san hô.

Theo Tổng cục Thủy sản, rong biển là nhóm thực vật bậc thấp sống trong thủy vực nước mặn và lợ tại các vùng ven biển, cửa sông và ven các đảo xa bờ. Rong biển và san hô là 2 hệ sinh thái quan trọng trong sinh thái biển, rong được ví như những cánh rừng sinh thái để các loài sinh vật biển cư trú và sinh trưởng. Rong biển dẫn đầu trong chuỗi thức ăn ở biển, giúp điều hòa môi trường và hệ sinh thái biển như giảm thiểu phú dưỡng; thu giữ, hấp thụ các bon; cải thiện axit hóa đại dương và bảo vệ bờ biển.

rong-bien-2

Khai thác rong biển.

“Bên cạnh việc sử dụng làm thực phẩm và thức ăn bổ sung cho con người, rong biển còn được dùng trong nhiều lĩnh vực như phụ gia thực phẩm, thức ăn gia súc, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, phân bón sinh học, chất kích thích sinh học, bao bì sinh học và nhiên liệu sinh học”, ông Trần Đình Luân chia sẻ.

Việt Nam có chiều dài bờ biển hơn 3.200km với nhiều đảo lớn, đảo nhỏ trải dài trên nhiều vĩ độ. Bên cạnh đó, sự đa dạng về khí hậu, dòng chảy bề mặt, nhiệt lượng mưa và độ mặn của các vùng ven biển rất thuận lợi cho rong biển phát triển. Các loài rong biển của Việt Nam còn chứa các hoạt tính sinh học cao, rất có giá trị.

Tính đến năm 2013, Việt Nam đã ghi nhận được 827 loài rong thuộc 4 ngành là rong lam 88 loài, rong đỏ 412 loài, rong nâu 147 loài và rong lục 180 loài. Vùng Trung bộ có tính đa dạng loài rong biển cao nhất nước, riêng Quảng Ngãi có 190 loài, Bình Định có 78 loài, Khánh Hòa có 516 loài, Ninh Thuận có 121 loài, Bình Thuận có 210 loài và Phú Yên có 169 loài.

Trong số đó, Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên biển. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, diện tích trồng rong biển tiềm năng ở Việt Nam là 900.000ha. Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ mới trồng được 10.150ha, do đó còn nhiều dư địa để phát triển.

“Tiềm năng lớn là vậy, nhưng trong thời gian qua, việc trồng và chế biến rong biển ở nước ta chưa được xem trọng, ít được ứng dụng vào đời sống nên việc phát triển ngành rong chậm phát triển hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực. Hiện các loài rong đang được nuôi trồng ở Việt Nam có giá trị kinh tế cao là nhóm rong sụn, rong câu và rong nho. Năm 2013 Việt Nam xuất khẩu được 2.843 tấn rong biển, thu về 4,47 triệu USD. Hầu hết sản lượng rong của Việt Nam được sử dụng làm nguyên liệu chiết xuất agar, phần lớn lượng agar này được xuất khẩu sang các nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Đã đến lúc chúng ta phải “đánh thức” tiềm năng của ngành rong biển”, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh.

Đẩy nhanh khai thác “mỏ vàng”

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), quy mô thị trường rong biển thương mại toàn cầu được định giá 16,6 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,8% từ năm 2021 đến năm 2028. Nhu cầu thị trường được dự đoán sẽ được thúc đẩy bởi sự phát triển công nghệ trong nuôi trồng rong biển, cùng với mức đầu tư ngày càng tăng vào các phân khúc ứng dụng, bao gồm thức ăn chăn nuôi và nông nghiệp.

Rong biển tự nhiên ngày càng cạn kiệt do người dân khai thác tùy tiện. Ảnh: V.Đ.T

Rong biển tự nhiên ngày càng cạn kiệt do người dân khai thác tùy tiện. Ảnh: V.Đ.T.

Dự báo đến năm 2050, nhu cầu lương thực của con người sẽ tăng 70% so hiện nay, tương đuơng 5,4 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, năng lực của ngành nông nghiệp không thể đảm đương nhu cầu tăng về lương thực nói trên do thiếu đất, thiếu nước tưới và biến đổi khí hậu uy hiếp. Đó là động lực thúc đẩy phát triển ngành rong biển, bởi 70% diện tích bề mặt trái đất là đại duơng, nên việc mở rộng diện tích trồng rong biển thuận lợi hơn so với các loại cây trồng cạn khác, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho dân số thế giới ngày càng tăng.

Do đó, nghề trồng rong biển hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm phát triển dựa vào thiên nhiên. Với hàng trăm loài rong biển, Việt Nam có lợi thế không nhỏ đối với thị trường này. Riêng loài rong sụn đã được Việt Nam trồng từ thập niên 90 của thế kỷ 20. Loài rong này được du nhập từ Philippines, hiện đang được trồng tại các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định với các phương thức trồng trên bè trong khu vực biển hở dọc bờ biển miền Trung, ở đầm phá nông và vịnh bán hở có đáy cát và bùn hoặc trồng trong ao.

Ngoài ra, rong sụn còn được trồng ở vùng nước cạn và cả vùng nước sâu từ 2 - 3m trở lên, trồng luân canh trong ao đầm nuôi tôm sú ven biển và trồng trong lồng lưới treo dàn phao nổi vùng ven biển hở. Rong sụn cho năng suất đạt 20 - 30 tấn/ha/năm, giá bán khoảng 0,1 USD/kg, lợi nhuận ròng khoảng 48 triệu/ha/năm, đây là nguồn sinh kế đầy hứa hẹn với người dân ven biển.

Trước thực tế trên, trong thời gian tới Việt Nam sẽ phát triển mạnh ngành rong, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt sản lượng 180.000 tấn; trong đó, có 170.000 tấn thu hoạch gần bờ và 10.000 tấn thu hoạch xa bờ. Đến năm 2030, sản lượng rong biển ở Việt Nam sẽ đạt đến 500.000 tấn; trong đó, có 400.000 tấn thu hoạch gần bờ và 100.000 tấn thu hoạch xa bờ.

Để đạt mục tiêu trên, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành rong biển; ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật, quy trình sản xuất cụ thể để làm cơ sở quản lý. Triển khai các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành rong biển. Tạo điều kiện hết mức để doanh nghiệp, người trồng rong tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt là Bộ NN-PTNT xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư nuôi trồng và xây dựng nhà máy chế biến rong biển cùng các sản phẩm từ rong biển. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng rong biển xa bờ, chế biến rong biển trên cơ sở gắn kết với nhu cầu thị trường và quy hoạch của những đối tượng nuôi khác. Ưu tiên công nghệ cao tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ rong và đa dạng hóa sản phẩm theo nhiều hình thức. Đặc biệt là đầu tư công nghệ bảo quản, tách chiết nhằm nâng cao giá trị của rong biển.

Tổng cục Thủy sản sẽ nghiên cứu xu hướng tiêu thụ và thị trường rong biển bằng đánh giá nhu cầu rong biển trong nước và trên thế giới với nhiều lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp dệt, in hoa, dược liệu, mỹ phẩm, năng lượng sinh học… để giúp doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.