| Hotline: 0983.970.780

Sinh kế từ rong biển: Đối tượng nuôi đầy tiềm năng, thị trường rộng lớn

Thứ Bảy 03/12/2022 , 07:47 (GMT+7)

Phần lớn các ý kiến góp ý cho ngành hàng đầy tiềm năng, có giá trị kinh tế cao và nhu cầu tiêu thụ lớn đều chung quan điểm rằng những năm qua việc nuôi trồng rong biển còn khá manh mún.

Nhiều địa phương, ngành nghề góp sức

Chiều 2/12, Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức Hội nghị “Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành rong biển” với sự tham gia của hàng trăm đại diện cho các đơn vị liên quan, doanh nghiệp và ngành chức năng các tỉnh ven biển trên cả nước, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Theo Tổng cục Thủy sản, từ năm 2013, xác định vai trò và tiềm năng của rong biển, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt chỉ đạo phát triển ngành rong biển tại Chiến lược phát triển ngành thủy sản và các chương trình, đề án trong giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Bộ NN-PTNT, các viện, trường liên quan cùng các địa phương ven biển đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, xây dựng nhiều mô hình phát triển rong biển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng  Đức Tiến chủ trì hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng  Đức Tiến chủ trì hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Từ năm 2013, Bộ NN-PTNT đã triển khai 8 nhiệm vụ khoa học công nghệ để nghiên cứu phát triển rong biển. Trong đó, có 1 nhiệm vụ thuộc Chương trình Công nghệ sinh học thủy sản, 1 đề tài trọng điểm cấp Bộ, 2 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, 1 dự án khuyến nông Trung ương và 2 đề tài tiềm năng cấp Bộ, tất cả tập trung nghiên cứu, phát triển và thúc đẩy nuôi trồng rong biển tại các tỉnh ven biển.

Các đề tài, dự án tập trung điều tra, đánh giá các đối tượng có tiềm năng phát triển, lưu giữ và nhân giống rong biển; hoàn thiện quy trình trồng rong, xây dựng mô hình trồng rong ghép với nuôi tôm sú, trồng phục hồi rong và chế biến rong biển.

Đặc biệt, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Bộ KH-CN triển khai lưu giữ nguồn gen và nghiên cứu chọn tạo giống rong biển, phục vụ phát triển khoa học công nghệ về giống giai đoạn 2021 - 2025 thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng  Đức Tiến chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng  Đức Tiến chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Trung tâm khuyến nông các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình triển khai mô hình nuôi kết hợp tôm sú, ốc hương, hải sâm với rong biển, đạt được một số hiệu quả, giúp các hộ dân tham gia mô hình thu lợi nhuận.

Một số địa phương cũng đã thực hiện nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học về rong biển. Ví như giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa thực hiện nhiệm vụ của đề án khung bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, tập trung công tác bảo tồn, lưu giữ, định hướng khai thác, phát triển những loài rong biển có giá trị. Khánh Hòa cũng đang phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) xây dựng dự án chuỗi rong biển bền vững, dự án GEF tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026.

Tỉnh Bình Thuận đang xây dựng Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045, trong đó ưu tiên phát triển một số mô hình trồng rong biển với quy mô lớn tại những khu vực biển thích hợp.

Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên thực hiện chương trình nuôi cấy mô rong sụn, hiện đã ương được khoảng 500.000 mô giống và nuôi thử nghiệm thương phẩm rong sụn ngoài vùng biển hở tại Trạm Giống thủy sản và thu hoạch được khoảng 20 tấn rong tươi.

“Theo nhiều nghiên cứu, diện tích có tiềm năng cho trồng rong ở Việt Nam vào khoảng 900.000ha, có thể tạo sản lượng 600.000 - 700.000 tấn khô/năm”, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho hay.

Tiềm năng phát triển rong biển ở Việt Nam rất lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Tiềm năng phát triển rong biển ở Việt Nam rất lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Giá trị cao mà không phải “cho ăn”

Theo ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong chiến lược thủy sản của Việt Nam là giảm khai thác, đặc biệt là khai thác gần bờ, chuyển sang phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản với rất nhiều đối tượng như cá, tôm…, rong biển cũng là đối tượng có nhu cầu rất lớn, không chỉ trong nước mà cả thị trường xuất khẩu.

Đó chính là tiềm năng để ngành thủy sản phát triển mạnh nuôi trồng rong biển. Riêng khu vực miền Trung có bờ biển dài, có tiềm năng về mặt nước và điều kiện tự nhiên rất phù hợp để phát triển các đối tượng rong biển như rong sụn, rong nho… những sản phẩm hiện đang có nhu cầu rất cao.

“Về phát triển rong biển của Việt Nam hiện nay mới chỉ là kết quả ban đầu. Để ngành rong biển phát triển ổn định trong thời gian tới, ngay từ bây giờ cần phải nghiên cứu, chọn tạo để có được những giống rong chất lượng, phục vụ cho những mục đích khác nhau như lĩnh vực thực phẩm hoặc cho lĩnh vực dược phẩm. Tiếp đến là công nghệ trồng để có thể đạt sản lượng cao nhất, rút ngắn thời gian trồng, đặc biệt là đạt chất lượng xuất khẩu”, ông Trần Đình Luân chia sẻ.

Cũng theo ông Luân, về chế biến cũng cần thoát khỏi sự đơn điệu như bấy lâu nay. Với nhu cầu hiện nay, việc đầu tư cho nghiên cứu, chế biến cần đi vào chiều sâu, nhất là sản phẩm phục vụ cho lĩnh vực dược, lĩnh vực y tế. Các nhà khoa học cùng các doanh nghiệp cần chung tay nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm giá trị của ngành rong Việt Nam.

Hàng trăm đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Hàng trăm đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Với gần 150 đại biểu tham gia hội nghị, nhiều ý kiến hào hứng đóng góp về những giải pháp phát triển ngành rong biển. Đối với chuỗi rong biển, để tổ chức sản xuất, ngoài các nhà khoa học và doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải đồng hành để định hướng nghiên cứu, tổ chức các vùng nuôi trồng phù hợp, khai thác được tiềm năng của từng địa phương, từng vùng nước. Vấn đề tổ chức thu mua sơ chế cần phải truy xuất được nguồn gốc, từ đó mới mong có được sản phẩm có giá trị, đáp ứng được nhu cầu chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường cao cấp.

Băn khoăn lớn nhất của nhiều đại biểu tham gia hội nghị là về giống, tiếp đến là vấn đề chuyển giao công nghệ cho người nuôi trồng rong biển. Công nghệ nuôi trồng là mấu chốt cho sự thành bại của ngành rong biển.

“Trong chuỗi phát triển rong biển, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước rất quan trọng, đây là những người vừa điều hành, vừa đồng hành cùng với người dân, với các nhà khoa học và doanh nghiệp để tìm ra cách tổ chức sản xuất một cách bài bản. Vấn đề đầu tiên là cần phải thay đổi nhận thức về rong biển. Đừng xem rong biển là sản phẩm có giá trị thấp, mà phải nhìn về những thị trường rong biển có giá trị rất cao, để dẫn đến ý thức tổ chức trồng rong biển. Trong bối cảnh hiện nay nguồn nguyên liệu để làm thức ăn cho nuôi cá, nuôi tôm gặp nhiều khó khăn thì trồng rong sẽ tạo sinh kế rất lớn”, ông Trần Đình Luân chia sẻ.

Ông Ngô Đăng Nghĩa (Đại học Nha Trang) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Ngô Đăng Nghĩa (Đại học Nha Trang) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, khi chúng ta đã có giống chất lượng, có vùng trồng, có quy trình sản xuất hoàn thiện, có nhà máy chế biến chúng ta có quyền nghĩ đến xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ rong biển.

“Trong nuôi trồng thủy sản hiện nay, nuôi trồng rong biển không phải cho ăn, nên không lo thức ăn thủy sản giá cao hay thấp, chỉ cần đầu tư khâu giống là có sinh kế ổn định lâu dài”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

“Chúng tôi giao Tổng cục Thủy sản từ nay đến hết tháng 1/2023 phải trình Bộ NN-PTNT chương trình cụ thể về phát triển rong biển. Phải xác định rong biển là đối tượng rất tiềm năng để có giải pháp phát triển tương xứng. Khi đã phát triển hàng hóa thì các doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở vật chất nhà máy chế biến, mở rộng đối tượng. Ngành chức năng phải nắm bắt được không gian phát triển trên cơ sở đề án, huy động mọi nguồn lực từ các nhà khoa học, khuyến nông, thị trường. Các địa phương thì cần tạo môi trường thuận lợi, đặc biệt là quy hoạch tỉnh. Trong khi tiềm năng phát triển về rong biển của nước ta là vô cùng mà sao vẫn phải đi nhập rong biển từ nước ngoài, do đó để đẩy mạnh phát triển rong biển phải cần đến công tác truyền thông để người dân thấy được nhu cầu về rong biển là rất cao, có như thế mới đẩy mạnh phát triển được rong biển trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.