| Hotline: 0983.970.780

Sinh sản thành công cá tra nghệ

Thứ Năm 05/01/2012 , 10:28 (GMT+7)

Hình dạng miệng, cấu tạo răng, ruột, dạ dày... cho thấy cá tra nghệ thích nghi tốt ở tầng giữa và tầng đáy, có tập tính ăn tạp thiên về động vật...

Cá tra nghệ 6 ngày tuổi
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học do ThS Vương Học Vinh (Trưởng bộ môn Thủy sản – Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên – Đại học An Giang) và nhóm cộng sự thực hiện.

Bước đầu cho thấy rất lạc quan, khả năng mở ra triển vọng mới đối với loài cá da trơn này. Theo hệ thống phân loại cá ở ĐBSCL, trong họ Schilbeidae (cá tra) với 11 loài được xác định, giống cá tra Pangasius có 9 loài với 5 loài có giá trị kinh tế. Năm 2000, hai nhà khoa học Pouyaud và Teugel xác định thêm 3 loài mới, thuộc họ Pangasius, trong đó có loài Pangasius kunyit. Như vậy, cá tra nghệ (Pangasius kunyit) là loài mới và chưa được nghiên cứu trong hệ thống phân loại này.

Ở An Giang, cá bông lau nghệ là loài đặc sản, thịt ngon, giá cao và năm 2001, đối tượng này đã được sinh sản nhân tạo thành công. Song, những nghiên cứu về đặc điểm sinh học (hình thái, dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản) của nó còn hạn chế. Vì thế, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng hoàn chỉnh quy trình sinh sản nhân tạo và sản xuất giống cá tra nghệ (Pangasius kunyit)” được thực hiện, sẽ góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc đa dạng hóa các loài nuôi và gia tăng sản lượng thủy sản.

Từ tháng 9 năm 2010 đến tháng 7 năm 2011, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát một số hình thái của cá tra nghệ (Pangasius kunyit): 2 đặc điểm bên ngoài có thể phân biệt với cá da trơn khác là trên hai nắp mang cá có vết hình rẻ quạt và vi lưng cá có tia vi cứng luôn dựng thẳng đứng, không nằm sát xuống mặt lưng ngay cả khi dùng tay áp sát vào. Còn bên trong, hình dạng miệng, cấu tạo răng, ruột, dạ dày... cho thấy cá tra nghệ thích nghi tốt ở tầng giữa và tầng đáy, có tập tính ăn tạp thiên về động vật. Qua nghiên cứu sự biến đổi hình thể của bong bóng khí, bước đầu có thể kết luận cá tra nghệ là một loài cá rộng muối. Mặc dù, da và vi cá có màu vàng, nhưng thịt cá lại trắng.

Ở quy trình sinh sản nhân tạo, thực hiện 4 đợt trên 40 con cá bố mẹ: khối lượng cá tham gia sinh sản (kg) 2,52 ± 0,56; hệ số thành thục cá cái (%) 8,39 ± 3,686; tỉ lệ thụ tinh (%) 89,64 ± 17,75; tỉ lệ nở (%) 68,10 ± 20,13. Nghiên cứu ương cá bột lên giống, tỉ lệ sống cá ở 30 ngày tuổi (%), ương trong bồn composit là 54,7 ± 21,9. Trong nội dung này, đề tài thực hiện một chuyên đề “Ảnh hưởng của các loại thức ăn khác nhau lên tốc độ tăng trưởng và tỉ lệ sống cá tra nghệ ương từ bột đến 30 ngày tuổi”, kết quả ở 4 nghiệm thức, tỉ lệ sống trung bình thấp nhất 30,2% (cho ăn bột đậu nành, lòng đỏ trứng vịt) và cao nhất 85,5% (cho ăn moina).

Với thử nghiệm khả năng thích nghi nồng độ muối ở 0‰, 3‰, 6‰, 9‰ và 12‰ của cá tra nghệ giống. Đề tài đã hoàn thành nghiên cứu ở giai đoạn 1 (ương cá bột từ 1 đến 30 ngày tuổi): thí nghiệm được bố trí trong bồn composite có dung tích 0,5m3, mật độ 300 cá bột/bồn (số lần lập lại r = 3; số nghiệm thức t = 3 (0‰, 3‰, 6‰). Giai đoạn 2 (ương cá bột từ 30 đến 60 ngày tuổi): thí nghiệm được bố trí trong bồn composite có dung tích 0,5 m3, mật độ 100 cá hương/bồn (số lần lập lại r = 3; số nghiệm thức t = 5 (0‰, 3‰, 6‰, 9‰ và 12‰). Tỉ lệ sống cá giống đến 30 ngày tuổi (0‰ - 6‰ là 29,56 ± 8,6 - 69,94 ± 7,55) và 60 ngày tuổi (0‰ - 12‰ là 60,33 ± 20,71 - 94,33 ± 4,93). Thử nghiệm này, đề tài còn nghiên cứu thêm phần nâng dần độ mặn trong quá trình ương nuôi (2 ngày nâng 1‰), cho thấy cá tra nghệ thích nghi (cá ăn thức ăn và phát triển bình thường) đến độ mặn 27‰.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng hoàn chỉnh quy trình sinh sản nhân tạo và sản xuất giống cá tra nghệ (Pangasius kunyit)” do ThS Vương Học Vinh và nhóm cộng sự đang tiếp tục thực hiện tăng trưởng khối lượng cá trong nghiên cứu, tổng hợp số liệu và phân tích thống kê. Bố trí thử nghiệm thêm về tỉ lệ sống và tăng trưởng cá giai đoạn từ 60 ngày đến 90 ngày tuổi ở 4 nghiệm thức có độ mặn 0‰, 12‰, 20‰, 27‰; đồng thời, khẳng định khả năng phát triển trong điều kiện nước lợ và mặn của cá tra nghệ nước ngọt.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất