| Hotline: 0983.970.780

Số phận éo le của cậu trò nghèo ham học

Thứ Ba 24/09/2024 , 05:30 (GMT+7)

Mẹ mất sớm, bố bị ung thư giai đoạn cuối là sự trớ trêu của Thủ. Nhưng nghịch cảnh lại là 'động lực' giúp em gắng học, hy vọng một tương lai tươi sáng hơn.

“Tháng 25 bữa cá…”

Nằm lọt thỏm bên cạnh những ngôi nhà khang trang, phía sau trường Trung học Phổ thông Giao Thủy B (Nam Định) là căn nhà cấp 4 ba gian xập xệ của 2 bố con Bùi Nguyên Thủ, 15 tuổi ở xã Giao Yến, huyện Giao Thủy. Căn nhà tróc lở, nhuốm màu thời gian là “tổ ấm” của người cha mắc căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đã ở tuổi bát thập và người con năm nay mới lên lớp 10.

Hai bố con có một căn bếp nhỏ, vừa là nơi nấu nướng vừa là kho đồ cũ. Ngoài ra hai bố con còn có một nơi tắm “lộ thiên” bên cạnh cái giếng cũ đối diện nhà hàng xóm. “Mùa hè thì không tắm muộn, tắt nắng là hai bố con em tắm. Mùa đông thì đun nước để tắm. Hơi ngại một chút ạ…”, Thủ ngượng ngùng nói.

Tường nhà tróc lở, cửa gỗ bạc phếch, vài ô kính đã nứt vỡ thông thống. Ít ai có thể tưởng tượng được căn nhà này từng ba lần bị bão đánh sập. “Mùa đông thì hơi lạnh chút còn mùa hè có gió nên mấy cái quạt nhỏ là đủ, lắm khi còn phải đắp chăn…”, ông Viển (Bùi Văn Viển, 80 tuổi, bố của Thủ) cười ha hả khi nhắc đến căn nhà của mình.

Chiếc xe đạp cũ là phương tiện đi học của Thủ. Ảnh: Minh Toàn.

Chiếc xe đạp cũ là phương tiện đi học của Thủ. Ảnh: Minh Toàn.

Hầu hết đồ vật trong nhà đều có tuổi đời từ 15-20 năm. Tờ lịch bạc trắng được ông Viển tận dụng để chép lịch. Tủ bích-phê cũ đã không còn màu sơn là nơi lưu giữ những kỷ vật của cả hai bố con. Với Thủ đó là những tờ giấy khen, hồ sơ nhập học… Với ông Viển, đó là nơi chất chứa những kỷ niệm về người vợ quá cố, những kỷ niệm thời kháng chiến. Đồ vật giá trị nhất trong nhà ông Viển là chiếc tivi đã cũ và chiếc tủ lạnh mini trị giá hơn 2 triệu đồng.

“Sửa thì cũng muốn sửa nhưng phải có tiền đã”, ông Viển nói giọng trầm xuống khi nhắc đến việc sửa chữa ngôi nhà. Bởi lẽ, tiền thuốc men và sinh hoạt mỗi tháng hai bố con đều phải nợ lại hàng xóm.

Mỗi tháng ông Viển phải chi 2.850.000 đồng cho tiền thuốc, khoảng 1.500.000 đồng cho tiền sinh hoạt hàng tháng. Thế nhưng "nguồn sống" duy nhất của hai bố con chỉ là 700.000 đồng tiền trợ cấp khuyết tật. Ông Viển tính: “Bây giờ nợ gần 300 triệu rồi, vì từ năm 2020 là tôi đã không lao động được nữa. May còn miếng đất, cắt dần bán cho người ta. Người ta cũng thích miếng đất này nên mới cho nợ lại…”.

Miếng đất và căn nhà nhỏ này là tài sản duy nhất của hai bố con ông Viển. Ảnh: Minh Toàn.

Miếng đất và căn nhà nhỏ này là tài sản duy nhất của hai bố con ông Viển. Ảnh: Minh Toàn.

Với mức thu nhập hiện tại, hai bố con Thủ chỉ có thể dè dặt mà tiết kiệm từng bữa ăn, từng chút điện. Bữa ăn thường ngày của hai bố con chỉ có cá và rau. Một phần vì căn bệnh của ông Viển cần phải kiêng khem nhiều thứ, và phần lớn là vì “cá ở đây rẻ, rau cũng chỉ vài nghìn một mớ”.

Một tháng hai bố con ông ăn khoảng 20-25 bữa cá. Những ngày còn lại thì chỉ có rau hoặc một vài bữa cá biệt thì có thịt. “Con nó thèm quá, thì cũng phải mua cho nó ăn. Mỗi lần 5-6 lạng, ăn 3-4 ngày. Mua về luộc lên, để nguội, sau đó cuộn nilon thật kỹ, đút vào hộp sắt, cho vào tủ lạnh là để được lâu. Ăn thì bỏ ra thái rồi lại cất vào…”, ông Viển chia sẻ cách bảo quản thịt của hai bố con.

“Bán hết đất cũng phải học…”

Trong những năm theo học trường Trung học cơ sở Giao Yến, Thủ đã được hỗ trợ miễn giảm học phí từ nhà trường. Em có thành tích học tập ấn tượng, khi nhiều năm liền là học sinh giỏi. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua Thủ đạt 9,25 điểm môn Toán và tổng 40,8/50 điểm. Kết quả này phần lớn đều do em tự học. Năm lớp 9, Thủ được thầy Nguyễn Ngọc Tuyên (giáo viên Toán), người vừa là thầy vừa là hàng xóm dạy thêm miễn phí.

Thầy Tuyên nhận định: “Thủ ngoan, tiếp thu nhanh, đặc biệt là các môn Toán, Lý, Hóa. Nhà trường cũng tạo điều kiện hết sức để em có thể đi học. Bản thân tôi vừa là thầy, vừa là hàng xóm, chứng kiến những khó khăn của em từ những ngày đầu. Tôi cũng xót lắm, nhưng chỉ giúp được trong điều kiện của bản thân…”.

Giấy khen của Thủ được bảo quản cẩn thận bên trong chiếc tủ bích-phê đã cũ. Ảnh: Minh Toàn.

Giấy khen của Thủ được bảo quản cẩn thận bên trong chiếc tủ bích-phê đã cũ. Ảnh: Minh Toàn.

Góc học tập của Thủ luôn ngăn nắp, gọn gàng dù sách vở có mới hay cũ. Sách vở của chàng thiếu niên này thường được các bạn trong lớp hỗ trợ mua hoặc được các thầy cô giáo hỗ trợ. Sách cũ, không dùng, Thủ thường bán lại rồi gửi tiền cho bố trang trải cuộc sống. Tuy chỉ được từ 17-20 nghìn đồng, nhưng ông Viển cũng cảm nhận được tình cảm của con trai mình. Ngoài sách vở, quần áo đi học, Thủ cũng được các bạn hỗ trợ, bởi ông Viển chỉ đủ sức sắm cho con 2 bộ quần áo khi vào năm học mới.

Dù hoàn cảnh éo le nhưng Thủ chưa từng tự ti về hoàn cảnh của bản thân. Điều duy nhất khiến em cảm thấy tủi thân là khi chứng kiến các bạn cùng lớp được mẹ quan tâm, chăm sóc – điều mà em đã thiếu hụt ngay từ khi lên 6. Thế nhưng đó lại là động lực để giúp Thủ cố gắng vươn lên trong học tập.

Thủ là động lực sống của bố và bố cũng là điểm tựa tinh thần của bố. Ảnh: Minh Toàn.

Thủ là động lực sống của bố và bố cũng là điểm tựa tinh thần của bố. Ảnh: Minh Toàn.

Bố là động lực, là điểm tựa tinh thần để Thủ cố gắng. Thế nhưng bố cũng chính là nỗi sợ của Thủ: “Em sợ một ngày nào đó sẽ không còn bố, em không biết dựa vào ai nữa. Em sợ sẽ không được đi học nữa…”.

Không chỉ Thủ mà ông Viển cũng tiếc nuối cho chính bản thân mình. “Ở tuổi này rồi, tôi chỉ tiếc là tôi đã mắc bệnh trọng. Nếu không tôi cũng cố lo cho con tôi ăn học đến nơi đến chốn… Bây giờ tôi cũng chỉ mong cố sống được thêm vài năm nữa để cho nó học xong cấp 3 là tôi an tâm rồi”, ông Thủ rơm rớm nước mắt nói.

Thương bố, Thủ luôn muốn tìm một công việc làm thêm ở quê để giúp bố trang trải tiền thuốc và sinh hoạt phí. Thế nhưng, do chưa đủ tuổi và ở nông thôn nên công việc mà Thủ có thể làm hầu như là không có. Em chỉ đành thương bố qua những hành động nho nhỏ thường ngày. Hàng ngày đi học về Thủ thường quét dọn nhà cửa, nấu cơm giúp bố. Tối đến, Thủ chỉ học đến 9h là tắt điện để bố được ngủ vì "bố em yếu rồi”.

Thủ lo: 'Bố em ngày một yếu nên em không biết mình có thể tiếp tục theo học được đến bao giờ nữa…'. Ảnh: Minh Toàn.

Thủ lo: “Bố em ngày một yếu nên em không biết mình có thể tiếp tục theo học được đến bao giờ nữa…”. Ảnh: Minh Toàn.

Tuy khó khăn, hai bố con phải dựa vào nhau để sống nhưng ông Viển vẫn luôn muốn con được học tập đàng hoàng, “bằng bạn bằng bè”. Ông nói: “Tôi có miếng đất, làm của để dành cho Thủ. Lúc nào mà tôi yếu quá thì tôi bán, gửi vào ngân hàng để nó rút dần mà đi học…”.  

Tôi mạnh dạn hỏi Thủ: “Nếu không phải lo cơm áo, gạo tiền thì ước mơ của em là gì?”. Thủ ngẩn người hồi lâu rồi đáp: “Em muốn học điện tử. 10 năm sau em muốn trở thành người thành đạt để về quê giúp những người như gia đình em hiện tại…”.

Ham học là vậy nhưng Thủ sẵn sàng đánh đổi tất cả để đổi lấy sức khỏe cho bố. “Chỉ cần bố khỏe, thế nào em cũng đổi”. Hiện Thủ đã là học sinh THPT, việc được tiếp tục theo học và nhận trợ cấp của hộ cận nghèo, giúp mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho Thủ. Thế nhưng bệnh tình của bố lại trở thành những trăn trở của cậu thiếu niên này dù cho bố đã nhiều lần động viên: “Có bán hết đất, hết nhà cũng phải đi học…”.

Xem thêm
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát

Trong điều kiện còn nhiều hạn chế, bất cập, vượt qua những khó khăn, thách thức lớn trong phòng chống thiên tai, bão lũ, chúng ta càng nhận thấy rõ những yếu tố mang tính nền tảng, là cội nguồn sức mạnh của đất nước được phát huy mạnh mẽ...

Bộ NN-PTNT và Bộ VHTT-DL bắt tay phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Hà Nội Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vừa ký kết Chương trình Phối hợp Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững...

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Bình Định với nỗi lo 10 hồ chứa nước mất an toàn

Dù Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong công tác sửa chữa, nâng cấp hồ đập, thế nhưng hiện vẫn còn nhiều công trình nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.