Cần chủ động phòng chống các bệnh thường gặp trên cây lúa. |
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng, cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn là 3.081,2ha (tăng 702,2ha so với trước Tết Nguyên đán).
Trong đó 2.165ha bị ảnh hưởng dưới 30%, 689,4ha bị ảnh hưởng từ 30 - 70% và 226,8ha bị ảnh hưởng trên 70% tập trung tại các huyện Long Phú, Trần Đề, Kế Sách, Châu Thành và TP Sóc Trăng. Diện tích thiệt hại chủ yếu là do thiếu nước ngọt tưới.
Đối với cây ăn trái, rau màu và một số loại cây trồng khác theo ghi nhận vẫn chưa có bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn.
Đến thời điểm này, tổng diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh trên trà lúa ĐX trong dịp Tết Nguyên đán là 7.163ha, trong đó: Rầy nâu nhiễm 315ha (giảm 153ha so với trước tết) với mật số 750 - 1.500 con/m2; sâu cuốn lá: nhiễm 1.036ha (tăng 462ha so với trước tết) với mật số 10 - 30 con/m2 trên trà lúa đẻ nhánh - đòng.
Tiếp đến là bệnh đạo ôn lá với 1.789ha bị nhiễm (giảm 2.235ha so với trước tết); bệnh cháy bìa lá có 1.014ha bị nhiễm (giảm 299ha so với trước tết) với tỷ lệ bệnh 10 - 20% lá, bệnh phân bố tại hầu hết các huyện và bệnh lem lép hạt nhiễm 1.796ha (tăng 247ha so với trước tết) với tỷ lệ 5 - 10% hạt bệnh.
Tại Bạc Liêu, tình hình dịch hại phát sinh gây hại chỉ ở mức độ nhẹ - trung bình trong thời gian trước, trong và sau tết.
Cụ thể, lúa lấp vụ HT bệnh khô vằn diện tích nhiễm 2.800ha, cần trừ 1.000ha; cháy bìa lá diện tích nhiễm 800ha, cần trừ 300ha; lem lép hạt diện tích nhiễm 1.500ha, cần trừ 1.500ha.
Lúa vụ mùa (lúa trên đất tôm): Bệnh đạo ôn cổ bông nhiễm 200ha; lem lép hạt nhiễm 200ha. Vụ ĐX, rầy nâu có 4.550ha diện tích bị nhiễm; đạo ôn lá nhiễm là 2.950ha.
Ngoài ra còn có chuột, sâu cuốn lá nhỏ, ngộ độc phèn, bọ trĩ, lem lép hạt... xuất hiện và gây hại ở mức độ thấp - trung bình.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bạc Liêu, từ nay đến 7/2, trên lúa vụ mùa và lấp vụ HT (Tài nguyên) 2019 - 2020 giai đoạn trổ - chín có các đối tượng bệnh thường gặp như đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, lem lép hạt, khô vằn... sẽ phát sinh gây hại ở mức độ nhẹ - trung bình.
Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết, khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt dự kiến khoảng 5.400ha, gồm diện tích tập trung ở phía tây trục kênh Vĩnh Phong và diện tích ven theo các cống thuộc tiểu vùng giữ ngọt (phần diện tích khoảng 500m dọc theo các cống Quốc lộ 1A và dọc theo các cống phân ranh mặn, ngọt). Thời gian thiếu nước ngọt sẽ bắt đầu từ đầu tháng 3/2020.