| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng: Giải pháp khẩn cấp trước nạn sạt lở đê biển và bờ sông

Thứ Sáu 19/08/2022 , 14:18 (GMT+7)

Sóc Trăng Ở Sóc Trăng người dân sống ven sông, ghềnh bãi nơm nớp lo âu khi đang vào mùa mưa bão. Nạn sạt lở đê biển, bờ sông diễn biến phức tạp, báo động nghiêm trọng.

Sạt lở xảy ra ở nhiều đoạn đê biển và rừng phòng hộ thuộc địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Sạt lở xảy ra ở nhiều đoạn đê biển và rừng phòng hộ thuộc địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Tỉnh Sóc Trăng ở cuối dòng sông Hậu, hiện nay đang vào mùa nước đổ và triều cường. Trong những ngày gần đây mưa dông liên tiếp gây sóng to, gió lớn gây sạt lở, vỡ nhiều đoạn thân đê trên địa bàn tỉnh ven biển này.

Tỉnh Sóc Trăng có 72 km bờ biển với 93km đê biển nằm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (22km), huyện Trần Đề (15km) và Thị xã Vĩnh Châu (56km). Người dân ở ven biển Sóc Trăng còn nhớ vào tháng 10/1992 một đợt triều cường, “sóng thần” lớn chưa từng thấy tràn vào vùng ven biển, gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân ở các huyện Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu. Sau lần thiên tai khốc liệt đó, được sự hỗ trợ từ Trung ương, tháng 6/1993 tỉnh Sóc Trăng bắt đầu xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, một công trình trọng yếu còn tồn tại cho đến nay.

Tuy nhiên, Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết mấy năm gần đây do ảnh hưởng khí hậu và dòng chảy, tình hình sạt lở đê biển, bờ biển xảy ra chủ yếu trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Có đoạn bờ biển, sóng biển làm thiệt hại nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển. Thậm chí có đoạn đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, khoảng 10 – 30m và cá biệt có đoạn đê biển không còn rừng phòng hộ để ngăn, chắn sóng nên sóng biển vỗ ập trực tiếp vào thân đê, uy hiếp hệ thống đê biển.

Đáng lo ngại khu vực K39 – K45 thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) có tuyến đê dài trên 7km báo động hư hỏng nặng, nguy cơ vỡ đê là rất cao. Còn dọc theo tuyến đê biển từ ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4, chiều dài 6km bị sóng biển tác động trực tiếp làm dãy rừng phòng hộ bị thiệt hại nghiêm trọng, có đoạn không còn để chắn sóng.

Sạt lở ven sông ở Kênh 1 thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Sạt lở ven sông ở Kênh 1 thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Trong khi đó gần đây tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh khá gay gắt, nhất là địa bàn huyện Cù Lao Dung. Trong đó khu vực bờ sông Định An đoạn qua xã An Thạnh 3 có chiều dài trên 3.000m và xói lở bờ sông Trần Đề đoạn qua ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1 có chiều dài trên 500m buộc phải di dời 24 hộ dân đến nơi an toàn. Hệ thống đê tả, hữu có chiều dài trên 20km thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông bên bờ sông Định An (giáp tỉnh Trà Vinh), hầu hết các bờ bao bảo vệ đang bị xâm thực nghiêm trọng.

Ở huyện Kế Sách, sạt lở thường xuyên xảy ra trên các cồn thuộc sông Hậu như Phong Nẫm, An Tấn, An Công, Mỹ Phước… Một số vụ sạt lở cục bộ xảy ra tập trung tại khu vực thị trấn Đại Ngãi, Long Đức, Song Phụng (Long Phú), khu vực kênh Thạnh Mỹ (đoạn qua xã Hòa Tú 1) huyện Mỹ Xuyên. Vào ngày 18/6 vừa qua xảy ra sạt lở nghiêm trọng trên tuyến huyện lộ 6 thuộc địa bàn xã An Mỹ, huyện Kế Sách làm gián đoạn giao thông.

Hiện nay, Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng theo dõi, nhận định tình hình sạt lở khu vực nội đồng còn diễn ra rất phức tạp, nhiều nhất trên địa bàn các cồn trên sông Hậu và hệ thống sông cung cấp nước cho vùng sản xuất thuộc huyện Long Phú, Kế Sách và tuyến đê sông huyện Cù Lao Dung…

Trước tình hình đó, ngày 26/4 vừa qua UBND tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung. Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình, củng cố và nâng cấp, khắc phục sạt lở tuyến đê biển. Triển khai dự án “Nâng cấp đê biển từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu”.

Bên cạnh đó, năm 2022 tỉnh Sóc Trăng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình, xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL (theo QĐ số 1702/QĐ – XD ngày 12/5/2022 của Bộ NN-PTNT). Giải pháp cho vấn nạn sạt lở nội đồng, được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, tỉnh đã triển khai công trình chống sạt lở trên địa bàn các huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung.

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng cho biết, đối với giải pháp phi công trình, tỉnh đang triển khai các biện pháp bảo vệ hành lang đê biển thông qua việc trồng cây gây rừng phòng hộ, tạo hành lang chắn sóng bảo vệ chân đê.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.