| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng: Nhiều lợi thế phát triển đàn bò

Thứ Năm 17/09/2020 , 09:00 (GMT+7)

Nghề chăn nuôi bò đã góp phần giúp đời sống nhiều hộ dân tỉnh Sóc Trăng cải thiện đáng kể, nhiều hộ nuôi bò đã có thu nhập khấm khá hơn trước.

Những năm gần đây nghề nuôi bò đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người chăn nuôi. Ảnh: Trong Linh.

Những năm gần đây nghề nuôi bò đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người chăn nuôi. Ảnh: Trong Linh.

Nuôi bò đang là lối thoát

Chăn nuôi bò được xem là nghề truyền thống gắn với vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tuy nhiên, những năm gần đây nghề nuôi bò đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân và gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Tỉnh Sóc Trăng có tổng diện tích trồng cỏ dao động trong khoảng 2.300 ha (đạt 400 m2/con), đã đáp ứng được 50% nhu cầu thức ăn cho đàn bò.

Ngoài ra, người dân còn tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp. Cụ thể là nguồn rơm lên tới 2,2 triệu tấn/năm, thân bắp, đọt mía, hèm rượu, hèm bia, rỉ mật đường để làm thức ăn cho bò. Ngoài ra còn hỗ trợ hạt giống cỏ sả Hamil để trồng 140 ha trên đất trồng cây kém hiệu quả.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, cho biết: Sóc Trăng đã có dự án phát triển chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Ngành nông nghiệp xác định con bò là vật nuôi phát triển lâu dài trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi thời kỳ mới của kinh tế thị trường.

Tỉnh đã xây dựng kế hoạch và giải pháp đồng bộ về cơ chế, kỹ thuật, quản lý, thị trường để phát triển đàn bò. Cụ thể, để có được hiệu quả kinh tế cao, tỉnh đã áp dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực gieo tinh nhân tạo bò, sử dụng tinh bò nhập ngoại, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thịt bò đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 có tổng đàn bò trên 200.000 con. Ảnh: Trọng Linh.

Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 có tổng đàn bò trên 200.000 con. Ảnh: Trọng Linh.

Là một trong những nông dân tiên phong trong phong trào chăn nuôi bò ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, anh Liêu Anh Tuấn cho biết hiện nay, gia đình anh đang nuôi 18 con bò sữa và 3 con bê, trong đó có 10 con bò đã được lấy sữa. Để có nguồn thức ăn cho đàn bò, anh đã đầu tư 2 ha đất để trồng cỏ Mulato 1, còn gọi là cỏ Ghi Nê.

Theo anh Tuấn, trung bình mỗi con bò cho từ 13 đến 15 lít sữa/ngày. Hiện nay, mỗi lít sữa bò có giá 14.000 đồng, trong đó chi phí đầu tư 8.000 đồng/lít sữa. Được biết, trung bình một chu kỳ lấy sữa mỗi con bò là 10 tháng, tính ra mỗi ngày với 10 con bò sữa của anh Tuấn cũng cho nguồn thu nhập đáng kể.

Anh Lý Thành Thương cùng ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cho biết, trước đây gia đình anh là một trong những hộ nghèo của xã đã được địa phương hỗ trợ vốn để nuôi bò. Sau 5 năm phát triển đàn bò, gia đình đã thoát nghèo. Hiện nay, anh Thương đang nuôi 5 con bò sữa và 3 con bê, trừ các khoản chi phí mỗi ngày cho thu nhập 300.000 đồng.

Nhìn lại dự án “Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025” bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tốt. Tỉnh Sóc Trăng đã duy trì được 23 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi bò, mở nhiều lớp đào tạo nâng cao nguồn lực về gieo tinh nhân tạo bò cho khoảng 110 kỹ thuật viên.

Ngoài ra, Sóc Trăng còn tổ chức tốt các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho bà con, như công tác giống, chuồng trại, chăm sóc và nuôi dưỡng, chế biến dự trữ phế phụ phẩm, thú y và môi trường.

Sóc Trăng là tỉnh triển khai nhiều mô hình chăn nuôi bò như hiệu quả. Ảnh: Trọng Linh.

Sóc Trăng là tỉnh triển khai nhiều mô hình chăn nuôi bò như hiệu quả. Ảnh: Trọng Linh.

Hiệu quả kinh tế bền vững hơn

Ông Trương Văn Đúng, Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Phát triển chăn nuôi bò là dự án dài hơi cần phải có thời gian. Để có được 1 con bê phải mất từ 12 đến 15 tháng. Đến nay, hiệu quả bền vững về kinh tế trong mô hình phát triển chăn nuôi bò đã nhìn thấy rõ.

Tuy nhiên, hiện tổng đàn bò của tỉnh Sóc Trăng còn thấp so với kế hoạch đề ra. Đàn bò toàn tỉnh mới đạt 54.100 con, bình quân từ 5- 6 con/hộ, diện tích đồng cỏ đạt 3.000 ha. Theo ông Đúng, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch vào năm 2025, đàn bò trên địa bàn tỉnh đạt 200.000 con thì còn nhiều việc phải làm.

Hiện tại, Ban Quản lý dự án và phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng đã thông qua chương trình cải tạo chất đàn bò thịt. Cụ thể, dự án đã hỗ trợ tinh bò Red Sind, Red Brahman, Red Angus, Charolaise, Droughmaster, BBB cho bà con.

Mục đích là để phối giống nhằm cải tạo chất lượng đàn bò nền địa phương thông qua phương pháp gieo tinh nhân tạo, đó là sử dụng tinh bò giống Red Brahman, Red Sindhi để phối với các giống bò lai địa phương, mục tiêu là nâng tỉ lệ đàn bò được Zebu hóa tại địa phương.

Đối với sử dụng tinh bò thịt cao sản gồm các giống Red Angus, Charolaise, Droughmaster, BBB. Đến nay, tỉ lệ máu lai bò nền địa phương đạt tỉ lệ máu lai Zêbu trên 50% (chiếm 75% tổng đàn) và 25% bò lai hướng thịt cao sản.

Đồng thời, Ban quản lý dự án đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi bò hiệu quả. Đó là mô hình nuôi bò Brahman thuần chuyển giao bê cái 6 tháng tuổi; mô hình chăn nuôi bò thịt xã Hồ Đắc Kiện với 5 con/hộ chuyển giao bê cái 6 tháng tuổi; mô hình chăn nuôi bò thịt vùng đồng bào dân tộc khó khăn phường 2, thị xã Vĩnh Châu với 2 con/hộ chuyển giao bê cái 6 tháng tuổi…

Các dự án này được ngân sách hỗ trợ 100% vốn và kỹ thuật. Đặc biệt, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng 5 mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng VietGAP (ngân sách hỗ trợ 30% kinh phí), thuê đơn vị tư vấn đánh giá chứng nhận được 3 mô hình tại các huyện Thạnh Trị, Long Phú và TX Ngã Năm.

Đồng thời, xây dựng mô hình vỗ béo bò trước khi giết mổ, gồm hỗ trợ vật tư (thức ăn tinh, thuốc thú y) vỗ béo cho 500 con bò thịt, tăng trọng bình quân từ 0,8 -1,2 kg/ngày.

Để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi bò, Ban quản lý dự án đã xây dựng 200 mô hình ủ phân compost nhằm tận dụng phân hữu cơ bón cho cây trồng, đồng thời hạn chế khí phát thải gây ô nhiễm môi trường. Phối hợp với dự án Hỗ trợ Nông nghiệp carbon thấp (LCASP) xây dựng 500 hầm ủ biogas xử lý phân bò, tăng cường thông tin tuyên truyền xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Phát triển chăn nuôi bò là dự án dài hơi cần phải có thời gian. Trọng Linh.

Phát triển chăn nuôi bò là dự án dài hơi cần phải có thời gian. Trọng Linh.

Tái cấu trúc ngành chăn nuôi

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, để đưa nghề chăn nuôi bò của Sóc Trăng phát triển hiệu quả bền vững, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai dự án chăn nuôi bò thịt.

Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp chính là kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hộ chăn nuôi đầu tư tăng đàn bò, các địa phương xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tăng đàn hàng năm và đề ra các giải pháp thực hiện.

Đồng thời, chú trọng quy hoạch đất trồng cỏ hoặc chuyển đổi đất sản xuất hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn cho bò. Tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình dự trữ, chế biến phụ phế phẩm công, nông nghiệp làm thức ăn cho bò như rơm, bắp, bã bia, rỉ mật đường.

Hằng năm, tỉnh chỉ đạo rà soát lại các mô hình chăn nuôi bò có hiệu quả kinh tế cao để tiếp tục chỉ đạo đầu tư nhân rộng thông qua hệ thống chuyên môn của các ngành từ cấp huyện đến xã để hướng dẫn, chuyển giao tới người dân, tập trung triển khai tại các hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác.

Ông Lương Minh Quyết khẳng định, chăn nuôi bò là dự án có tác động tích cực đến mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, với tổng nguồn vốn đầu tư là 1.102 tỷ đồng. Việc triển khai dự án sẽ làm tăng giá trị sử dụng đất, giúp cho nông dân đa dạng nguồn thu và lợi nhuận tăng lên.

Nhờ chuyển đổi tích cực cơ cấu giống vật nuôi đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Với sự hỗ trợ tích cực từ dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, đây là cơ hội tái cấu trúc ngành chăn nuôi, tránh phụ thuộc vào con heo như trước đây.

Xem thêm
Tăng tốc tiêm vacxin phòng bệnh đàn vật nuôi để đạt 'tỷ lệ vàng' trên 80%

BÌNH ĐỊNH Trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, Bình Định tăng tốc tiêm vacxin phòng bệnh bảo vệ đàn vật nuôi, nhằm bảo đảm cung ứng thịt gia súc, gia cầm dịp Tết.

Khuyến nông cộng đồng kết nối phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

HẬU GIANG Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt, đồng thời là cánh tay đặc lực kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất