| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng phấn đấu có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ Tư 24/03/2021 , 09:00 (GMT+7)

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn kiểu mẫu…

Kết quả đáng ghi nhận

Sau nhiều năm tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), bằng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, phong trào xây dựng NTM ở tỉnh Sóc Trăng đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. 

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng xem thông tin trên Báo NNVN. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng xem thông tin trên Báo NNVN. Ảnh: Trọng Linh.

Năm 2020 được xem là một năm thành công của chính quyền và dân nhân của tỉnh Sóc Trăng trong phong trào xây dựng NTM, trên từng lĩnh vực. Trong đó về giao thông: Các địa phương đã triển khai xây dựng 237 công trình đường dài hơn 320km và triển khai xây dựng 39 cây cầu, với tổng kinh phí gần 465 tỷ đồng, nâng tỷ lệ xã có đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn đạt 100%.

Về thủy lợi: Trong năm đã lồng ghép các nguồn vốn sửa chữa 50 cống, 10 nhà quản lý cống, 22 công trình bồi trúc, nạo vét, gia cố bờ bao, kênh, hê ̣thống thủy lợi với tổng kinh phí gần 87 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, sữa chữa cống, nạo vét kênh trục tạo nguồn với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng. Nâng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động là 254.100 ha đạt  95%  và 100% xã có hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh.

Về điện: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo và phát triển 15 công trình lưới điện với tổng mức đầu tư trên 128 tỷ đồng. Đến nay, có 100% khóm, ấp có lưới điện 4 quốc gia về tới trung tâm, nâng tổng số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn gần 98%.

Nông dân tỉnh Sóc Trăng chuyển đổi tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: CTV.

Nông dân tỉnh Sóc Trăng chuyển đổi tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: CTV.

Về trường học: Tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp, đã công nhận thêm 9 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học, nâng tổng số đến nay có trên 70% trường học các cấp đạt chuẩn về cơ sở vật chất và 100% trường học các cấp có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sau thời gian thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thật sự được đổi mới, văn minh, cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch… được đầu tư mới và nâng cấp phục vụ nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trong đó, thu nhập và điều kiện sống của nông dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, ngoài ra nhiều nơi hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, môi trường và điều kiện sinh thái nông thôn cải thiện theo hướng tích cực.

Ông Trần Văn Hải, nông dân xã Mỹ Quới, TX Ngã Năm, chia sẻ: “Những năm gần đây, kinh tế nông dân của xã ngày càng phát triển, nông dân trồng lúa nhờ áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ mà thu về năng suất cao, có mùa vụ cá biệt đạt 8 tấn/ha, lợi nhuận hơn 7 triệu đồng/công. Ngoài ra, nhờ thường xuyên nạo vết kênh thủy lợi nội đồng, nông dân rất thuận lợi trong sản xuất đỡ tốn chi phí vận chuyển lúa như trước đây, góp phần giảm chi phí, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Tuyến đường nông thôn mới tại TX Ngã Năm. Ảnh: Trọng Linh.

Tuyến đường nông thôn mới tại TX Ngã Năm. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Hải, bên cạnh hiệu quả phục vụ sản xuất, thì vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được chính quyền địa phường quan tâm, thường xuyên mở các buổi khám chữa bệnh miễn phí cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có công, có thể nói nhờ xây dựng NTM mà người dân được thụ thưởng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu

Trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, thời gian qua, các xã đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp nông dân đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa. Cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, nhiều nông dân đã vươn lên phát triển.

Về Chương trình OCOP, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận được 99 sản phẩm (đạt vượt 282%), trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao, 75 sản phẩm đạt 3 sao của 53 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thống nhất trình trung ương công nhận 8 sản phẩm đạt 5 sao.

Anh Huỳnh Việt Trung, ở ấp Long Hòa, xã Tân Long (TX. Ngã Năm), bởi sau nhiều năm làm thuê, anh Trung về quê lập nghiệp và gặt hái được những thành công đáng kể. Anh Trung, chia sẻ: “Lúc mới lập nghiệp, tôi canh tác lúa trên vùng đất nhiễm phèn nên cây trồng khó phát triển. Sau thời gian cải tạo đất và chuyển đổi cây trồng hợp lý, hiện nay 3ha đất trồng ổi theo hướng sạch của gia đình đã có thu nhập cao. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng và địa phương, tôi đã đăng ký nhãn hiệu cho trái ổi nhằm tạo sự an tâm cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm”.

Theo tính toán của anh Trung, nếu mỗi ngày thu hoạch khoảng 450kg trái ổi với giá dao động từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, trừ chi phí ra mỗi tháng có thể có lãi khoảng 100 triệu đồng.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, cho rằng: Phát triển sản xuất phải gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các chỉ tiêu chủ yếu của Ngành nông nghiệp như: sản lượng lúa, tỷ lệ lúa đặc sản, sản lượng thủy sản, các mục tiêu về phát triển cây ăn trái, xây dựng nông thôn mới đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 99 sản phẩm công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP. Ảnh: Trọng Linh.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 99 sản phẩm công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP. Ảnh: Trọng Linh.

Trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Sóc Trăng ước đạt 6,75%; trong đó, khu vực I tăng trên 4% (tỷ trọng khu vực I chiếm 43,38%), khu vực II tăng trên 16%, và khu vực III tăng trên 5%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản 185 triệu đồng. Nổi bật nhất vẫn là cây lúa, sản xuất lúa đặc sản đạt 52% diện tích.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng có 50/80 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 62,5%. Các xã còn lại đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên, trong đó có 3 xã được công nhận xã NTM nâng cao. Ngoài ra, huyện Mỹ Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới và TX Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Có thể nhận thấy Chương trình đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được hoàn thiện, đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư, tạo cảnh quan nông thôn xanh-sạch-đẹp và từng bước làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người dân. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn, đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh phấn đấu thực hiện có 72 xã đạt chuẩn NTM, 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có tổng diện tích trồng lúa theo hướng 5 VietGAP trên 330 ha, diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ 963 ha. Có 107 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm từ đầu vụ/tổng diện tích gần 37.000 ha tăng gần 20.000 ha so với cùng kỳ.

Sản xuất rau màu theo hướng an toàn tiếp tục tăng, hiện có 129 nhà lưới, nhà màng, áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm với diện tích là 8,4 ha, tăng 19 nhà lưới so với năm 2019. Có 6 cửa hàng bán rau an toàn, sản xuất đạt tiêu chuẩnVietGAP trên rau đạt 35,15 ha. Cây ăn trái phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, trong năm đã xây dựng 14 vùng trồng được cấp 44 mã code với diện tích: 420 ha/420 hộ. Xây dựng được 4 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây vú sữa, xoài, bưởi, nhãn. Sản xuất VietGAP được duy trì với diện tích gần 435 ha. Đặc biệt đã liên kết tiêu thụ được trên 711 tấn cây ăn trái.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.