| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng: Hơn 51.000 ha tôm nước lợ sẽ được thả nuôi vào năm 2021

Thứ Hai 08/03/2021 , 09:37 (GMT+7)

Theo kế hoạch, trong năm 2021, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu thả nuôi tôm nước lợ trên 51.000 ha, với tổng sản lượng dự kiến đạt trên 172.000 tấn.

 

Năm 2021, tỉnh Sóc Trăng lên kế hoạch sẽ thả nuôi 51.000 ha tôm nước lợ. Ảnh: Trọng Linh.

Năm 2021, tỉnh Sóc Trăng lên kế hoạch sẽ thả nuôi 51.000 ha tôm nước lợ. Ảnh: Trọng Linh.

Sản lượng đạt 172.000 tấn

Năm 2020, vụ tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng được đánh giá là khá thành công, vì người nuôi tôm có lãi nhiều, tỷ lệ tôm bị thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết không nhiều. Vì thế ngành nông nghiệp và người dân nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng tiếp tục kỳ vọng vào vụ tôm nước lợ 2021 thành công cả về năng suất và giá cả.

Theo đánh giá, hiện nay tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, người nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng cũng đã bắt đầu thả nuôi được trên 2.300 ha, nhiều hộ dân khác thì đang trong giai đoạn cải tạo ao nuôi, chờ thả.

Theo kế hoạch, năm 2021 diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng là 75.000 ha, trong đó thả nuôi tôm nước lợ trên 51.000 ha (tôm sú là trên 16.000 ha và tôm thẻ chân trắng là trên 35.000 ha). Sản lượng nuôi trồng đạt 250.600 tấn, trong đó, tôm nước lợ đạt trên 172.000 tấn (tôm sú là 24.000 tấn và tôm thẻ chân trắng trên 148.000 tấn).

Trao đổi với PV NNVN ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Năm 2020 là một năm đầy thách thức cho nghề nuôi trồng thủy sản của cả nước nước chung, cũng như tỉnh Sóc Trăng nói riêng, một phần, là do tác động của dịch bện Covid-19. Thứ hai, là giá tôm nguyên liệu giảm liên tục đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người dân. Thứ ba, là thời tiết diễn biến bất thường làm cho tôm nuôi bị thiệt hại.

Năm 2020, sản lượng tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng đạt gần 190.000 tấn. Ảnh: Trọng Linh. 

Năm 2020, sản lượng tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng đạt gần 190.000 tấn. Ảnh: Trọng Linh. 

Tuy nhiên, nhờ chủ động và có kế hoạch ứng phó từ trước cùng với sự nổ lực của các ngành trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý và đặc biệt là sự sáng tạo của người dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, cho nên kết thúc năm 2020 ngành thủy sản của tỉnh đạt nhiều thắng lợi.

Theo đó, năm 2020 vụ tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi trên 51.400 ha, trong đó, tôm thẻ chân trắng là trên 37.000 ha (chiếm trên 72% diện tích thả nuôi) và tôm sú là trên 14.000 ha. Sản lượng tôm nuôi năm 2020 đạt gần 188.000 tấn, vượt trên 12,5% kế hoạch và cao hơn gần 25% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý là diện tích tôm nuôi theo hướng thâm canh và bán thâm canh tăng lên, năng suất trung bình năm 2020 ở mức trung bình cao hơn so với cùng kỳ các năm trước bởi người nuôi đã căn cứ lịch thời vụ để bố trí sản xuất hợp lý, chú trọng vấn đề chọn con giống, cải tạo ao nuôi kỹ lưỡng trước khi thả nuôi. Đồng thời, còn áp dụng các mô hình nuôi tôm lót bạt, nuôi tôm 2-3 giai đoạn…do đó, sản lượng tôm nuôi năm 2020 vừa qua vượt kế hoạch đề ra.

Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo người dân nuôi tôm thả nuôi đúng theo lịch thời vụ. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo người dân nuôi tôm thả nuôi đúng theo lịch thời vụ. Ảnh: Trọng Linh.

Khuyến cáo thả nuôi theo lịch thời vụ

Bên cạnh những thắng lợi, thì ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đang quyết tâm thực hiện các biện pháp, kế hoạch cho năm tiếp theo, nhằm khắc phục tình trạng tôm bị thiệt hại còn nhiều (năm 2020 tôm bị thiệt hại 8,5%) và xảy ra ở tất cả các thời điểm trong năm, rải rác ở tất cả các mô hình. Đặc biệt, thiệt hại nhiều vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết bất lợi, mưa nhiều vào các thời điểm cuối tháng 4 và đầu tháng 7.

Đặc biệt là trong năm 2020, thiệt hại nhiều nhất rơi vào tháng 10 do tình hình mưa bão kéo dài, gây ảnh hưởng đến môi trường và sự phát triển của tôm nuôi. Đáng chú ý là các bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh phân trắng và bệnh vi bào tử trùng có xu hướng tăng mạnh hơn so với năm 2019.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Từ những dự báo về tình hình thời tiết, đánh giá lịch mùa vụ và kết quả tình hình sản xuất năm 2020 và thực hiện theo khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ năm 2021 của Tổng cục Thủy sản. Nhất là được sự thống nhất của các địa phương nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh đã thông báo và khuyến cáo nông dân tuân thủ theo khung lịch thời vụ của ngành chức năng để tiếp tục đạt được vụ tôm nước lợ 2021 tiếp tục thành công.

Theo đó, khung lịch thời vụ thả tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu từ ngày 20/1-30/9/2021. Trong đó, đối với tôm thẻ chân trắng thì theo đúng khung lịch từ 20/2-30/9/2021; tôm sú là từ 15/3-30/8/2021. Đối với mô hình tôm-lúa phải bố trí thả nuôi, thu hoạch trước tháng 9 để chuẩn bị cho việc trồng lúa.

Còn đối với các vùng, cơ sở nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ, không đáp ứng đủ điều kiện nuôi, cụ thể là không chủ động được nguồn nước, nhằm để hạn chế được dịch bệnh và yếu tố môi trường bất lợi thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian thời tiết khắc nghiệt được dự báo là nắng nóng và tháng 4 và mưa dầm vào các tháng 6 và 7.

Đối với các mô hình có khả năng đáp ứng các điều kiện nuôi, mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, mô hình nuôi hai giai đoạn và nhiều giai đoạn có thể bố trí rải vụ quanh năm, nhưng cần chủ động dự trữ nguồn nước, nuôi nước, có giải pháp phòng bệnh và ứng phó với thời tiết bất lợi.

Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến tình hình nuôi, môi trường, thời tiết và cảnh báo dịch bệnh đến người nuôi. Trong những trường hợp cần thiết, có thể sẽ điều chỉnh lại lịch thả nuôi cho phù hợp với điều kiện sản xuất, nhằm để giúp cho người nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng an tâm sản xuất, hướng đến một vụ nuôi tôm nước lợ 2021 thành công.

Tỉnh Sóc Trăng đang tăng cường cũng cố và thành lập các HTX, THT để tập trung những hộ nuôi nhỏ lẻ với nhau, trong đó, có sự tham gia của các tác nhân (nhà cung ứng vật tư đầu vào, nhà thu mua và nông dân), tiếp tục phát huy vai trò của HTX, THT trong việc tổ chức lại sản xuất, đồng thời chú trong công tác tập huấn nâng cao năng lực cho HTX, THT.

Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ, phát huy vai trò của cơ quan quản lý trong việc gắn kết người sản xuất với các doanh nghiệp.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm