Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nói trong niềm vui: “Những ngày qua, ngư dân bãi ngang, đội tàu đánh bắt gần bờ đã trúng trúng đậm vụ cá cơm. Nhiều ngư dân đã liên tục ra khơi, khi về bờ đều có sản lượng lớn, thu về cả trăm triệu đồng”.
Theo nhiều ngư dân, vụ cá cơm thường vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm. Cá cơm thường có ở vùng lộng, cách bờ vào khoảng 6 - 10 hải lý. Năm nay, sản lượng cá cơm tăng gấp đôi, gấp ba vụ cá năm ngoài.
Vừa cho tàu cập bến tại khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch), ngư dân Nguyễn Văn Tân giục người thân đợi sẵn để vận chuyển cá lên. Mấy người nhảy vội xuống dùng các dụng cụ có thể xúc được cá như vợt, rổ, rá… xúc cá cơm trong khoang đổ vào các giỏ nhựa để sẵn rồi đưa lên bờ.
Vài giờ sau, mọi người mới chuyển hết số cá từ khoang lên bờ rồi cân đo để bốc lên ô tô chở về các cơ sở chế biến. Anh Tân phấn khởi: "Chuyến biển này tàu của tôi cũng được gần chục tấn cá, thu về gần 150 triệu đồng”.
Tàu của ngư dân Nguyễn Văn Bật (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) cũng vừa cập bến. Ông Bật cho hay, vụ cá cơm năm nay đến sớm hơn thường lệ và cá đi theo luồng cũng dày đặc hơn. Cứ mỗi lần kéo lưới là đã có vài tấn cá đổ vào khoang thuyền.
Tàu cá của ông Bật cũng đã có 4 chuyến biển, chuyến nào cá cơm cũng đầy khoang. “Trung bình thu nhập của anh em trên tàu cũng trên dưới 2 triệu đồng mỗi chuyến biển. Thu nhập vậy là khá cao rồi. Hi vọng vụ cá kéo dài ngày hơn năm trước để ngư dân chúng tôi có thêm lộc biển đầu năm”, ông Bật bộc bạch thêm.
Không chỉ có tàu thuyền ngư dân Quảng Bình, các tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa... cũng đều bội thu cá cơm và cập bến bán cho các đại lý, cơ sở chế biến thủy hải sản, các xưởng chế biến nước mắm tại tỉnh Quảng Bình.
Ông Võ Đình Đồng (chủ tàu cá KH - 925.92 của tỉnh Khánh Hòa) cho biết, hay tin vùng biển lộng ở Quảng Bình đang được vụ cá cơm nên đến để khai thác. Đã 3 ngày nay tàu ông đánh bắt cách cảng Gianh khoảng 10 hải lý.
“Qua một đêm đánh bắt, tàu có sản lượng trung bình 15 tấn, thu về khoảng hơn 200 triệu đồng. Tàu tôi có 10 lao động, sau khi trừ chi phí mỗi người có thu nhập gần 2 triệu đồng/chuyến biển”, ông Đồng vui vẻ cho hay.
Cá cơm các tàu đánh bắt đưa về bờ đều được các chủ cơ sở thu mua hết, chủ yếu để chế biến nước mắm cốt và phơi làm khô cá cơm. Đây cũng là những đặc sản biển đặc trưng của vùng biển Quảng Bình. Khoảng 3kg cá cơm tươi phơi sẽ được 1kg cá khô và được bán với giá trên 100 ngàn đồng/kg.
Điều đáng mừng hơn là tàu nào vào bờ cũng đã có các thương lái đến mua tươi ngay tại bến với giá theo thị trường từng ngày. Theo ngư dân Võ Đình Đồng, bất cứ tàu của ngư dân Quảng Bình hay tỉnh khác thì việc thu mua, giá cả đều sòng phẳng như nhau.
“Ngư dân chúng tôi rất phấn khởi vì có thu nhập cao và không lo khâu tiêu thụ. Về bến bán cá xong chúng tôi cũng có thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe để gần cuối giờ chiều lại lên tàu ra khơi đánh bắt”, ông Đồng cho biết.
Tại khu hậu cần nghề cá, hiện Công ty Thủy sản Việt Trung đang thu mua cá cơm cho toàn bộ tàu về cập bến tại đây. Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Công ty Thủy sản Việt Trung cho biết, trong 5 ngày trở lại đây, trung bình mỗi ngày các cơ sở của Công ty thu mua từ 50 - 70 tấn cá cơm, ngày nhiều nhất lên đến gần 100 tấn.
“Các tàu thuyền đánh bắt cá cơm bao nhiêu đều được chúng tôi chủ động thu mua hết, giá cả khá cao nên ngư dân rất phấn khởi. Mong bà con có thêm nhiều chuyến biển thắng lợi hơn nữa”, ông Long chia sẻ.
Ngư dân trúng mùa cũng là niềm vui cho những người làm dịch vụ bốc vác, xếp hàng trên bến. Anh Lê Văn Bốn, một thanh niên bốc dỡ cá từ tàu lên ô tô cho hay: “Mấy hôm nay, đội bốc xếp của chúng em cũng có việc cả ngày. Thu nhập cũng cao hơn ngày thường. Mấy hôm nay có thù lao hơn 500 ngàn đồng mỗi ngày”.
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển, bám ngư trường và tăng sản lượng đánh bắt, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng kiểm ngư hướng dẫn tàu cá vào đúng bến theo quy định.
“Chúng tôi cũng nhắc nhở các doanh nghiệp, đơn vị quản lý bến tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá cập bến và không được để xảy ra việc ép giá, nâng giá dịch vụ”, ông Linh nhấn mạnh.