| Hotline: 0983.970.780

Sớm đưa chăn nuôi hươu thành ngành hàng chuyên nghiệp

Thứ Tư 26/04/2023 , 12:28 (GMT+7)

Ngoài chăn nuôi hươu khai thác nhung thô, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đang xây dựng thành chuỗi ngành hàng với đa dạng sản phẩm từ bột nhung, rượu nhung đến thịt hươu, cao hươu...

Với tổng đàn hơn 45.000 con, Hương Sơn đang hướng tới đầu tư chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với chế biến sâu sản phẩm từ nhung hươu. Ảnh: Thanh Nga.

Với tổng đàn hơn 45.000 con, Hương Sơn đang hướng tới đầu tư chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với chế biến sâu sản phẩm từ nhung hươu. Ảnh: Thanh Nga.

Chuyển dịch chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Sau nhiều thập kỷ thăng trầm, đến thời điểm này phải khẳng định hươu sao không chỉ là vật nuôi chủ lực của huyện Hương Sơn mà còn của tỉnh Hà Tĩnh.

Giá trị kinh tế mà đối tượng này mang lại cho người dân địa phương là cực kỳ lớn, với con số thống kê tổng sản lượng nhung bình quân toàn huyện 5 năm gần nhất đạt từ 15 đến 18 tấn/năm (trung bình tăng 15%/năm), tổng doanh thu từ chăn nuôi hươu đạt từ 250 đến 270 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn phấn khởi chia sẻ, khoảng 3 - 4 năm gần đây, ngoài gia tăng tổng đàn hươu lên đạt khoảng 45.000 con đầu năm 2023, giá trị gia tăng mà hươu sao mang lại cũng thể hiện rất rõ nét.

Hàng năm, giá lộc nhung không biến động nhiều nên giá trị gia tăng nằm ở biến động tổng đàn cộng với giá cả con giống và các sản phẩm phụ từ hươu. Nếu 5 năm trước bà con bán hươu cái với giá từ 5 - 8 triệu đồng/con nay hầu hết tăng lên 15 - 17 triệu đồng/con.

Hươu đực giống tốt trước có giá 15 - 17 triệu/con, nay tăng lên 30 - 40 triệu đồng/con, thậm chí có những con giá trị đến 400 triệu đồng. Ngoài ra, người dân còn thu một lượng tiền lớn từ việc bán sản phẩm phụ như: thịt, xương, da, đế hươu…

Việc chăn nuôi hươu trên đệm lót sinh học đã tiết kiệm thời gian vệ sinh chuồng trại, hạn chế mùi hôi và hạn chế dịch bệnh trên vật nuôi, nhất là các bệnh về đường ruột. Ảnh: Thanh Nga.

Việc chăn nuôi hươu trên đệm lót sinh học đã tiết kiệm thời gian vệ sinh chuồng trại, hạn chế mùi hôi và hạn chế dịch bệnh trên vật nuôi, nhất là các bệnh về đường ruột. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện nhiều vùng sinh thái trong tỉnh và ngoại tỉnh đã đến Hương Sơn học tập kinh nghiệm và mua giống về chăn nuôi thành công, đây là tín hiệu đáng mừng để chúng tôi phát triển đàn hươu quy mô lớn hơn trong tương lai. 

Cũng theo ông Nguyễn Kiều Hưng, kháng thể trong con hươu rất lớn nhưng để hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm nhung, huyện khuyến khích người dân thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí.

Địa chỉ đầu tiên chăn nuôi hươu trên đệm lót sinh học là Trại hươu giống hạt nhân 38, ở thôn 8, xã Sơn Giang. Trang trại này dù nuôi đến hơn 200 con hươu nhưng không phát sinh mùi hôi, ruồi, muỗi. Đặc biệt, khi phủ đệm lót sinh học, phân hươu phân hủy nhanh, sàn chuồng khô ráo, thuận tiện cho công tác vệ sinh, hạn chế các loài ký sinh trùng gây bệnh trên hươu. Ngoài ra, phân hươu sau khi thu hoạch được tái sử dụng bón cho cỏ, trồng ngô phục vụ chăn nuôi gia súc.

“Trại hươu giống hạt nhân 38 không chỉ là trang trại chăn nuôi lớn nhất tỉnh mà còn là mô hình đầu tiên sử dụng lót đệm sinh học trong chăn nuôi hươu. Với kỹ thuật này, chuồng trại luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh tuyệt đối, giúp đàn hươu sinh trưởng tốt, hạn chế được dịch bệnh, đặc biệt là các loại bệnh về đường tiêu hóa, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn đánh giá.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn kỹ thuật thu hoạch nhung bằng phương pháp bắn thuốc an thần. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn kỹ thuật thu hoạch nhung bằng phương pháp bắn thuốc an thần. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Nguyễn Hồng Tiệp, chủ trang trại chia sẻ, bỏ ra số tiền hơn 3 tỷ đồng xây dựng chuồng trại và mua con giống, anh và cộng sự xác định việc đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi là yếu tố hàng đầu. Hiện anh đang tập trung nhân giống, phấn đấu mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 50 - 60 con hươu giống. Riêng hươu đực, năm 2022 đã thu hoạch hơn 40kg nhung, dự kiến từ năm 2023 trở đi sẽ duy trì ổn định mỗi năm thu từ 50kg nhung trở lên.

“Nhung tươi sau khi thu hoạch chúng tôi bảo quản để chế biến thành các sản phẩm như: nhung hươu sấy khô, bột nhung hay rượu nhung hươu… phục vụ theo nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, cơ sở sẽ nỗ lực xây dựng thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP để nâng tầm giá trị nhung hươu, mở rộng thị trường tiêu thụ”, anh Tiệp thông tin thêm.

Giải pháp cắt nhung bằng thuốc an thần thu hút sự quan tâm của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và đông đảo người chăn nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Giải pháp cắt nhung bằng thuốc an thần thu hút sự quan tâm của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và đông đảo người chăn nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Đảm bảo phúc lợi động vật

Mới đây, Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp UBND huyện Hương Sơn tổ chức buổi tập huấn, trang bị kỹ thuật chăn nuôi cho người nuôi hươu trên địa bàn toàn huyện. Trong đó, nội dung thu hút được sự quan tâm của đông đảo bà con là kỹ thuật cắt nhung không gây đau đớn cho vật nuôi thông qua việc sử dụng thuốc an thần.

Ông Đinh Nho Thưởng, hộ nuôi hươu ở thôn 2, xã Sơn Lĩnh cho hay, từ trước đến nay truyền thống khai thác nhung của người dân Hương Sơn là bắt hươu bằng dây thừng hoặc tay không. Phương pháp này đòi hỏi phải có 4 - 5 người có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm hỗ trợ để giữ con vật, điều bất lợi là gây sợ hãi cho vật nuôi dẫn đến va chạm vào chuồng khiến con vật bị thương, thậm chí chết trong quá trình khai thác nhung.

Cán bộ Hội Bảo vệ động vật Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc an thần. Ảnh: Thanh Nga.

Cán bộ Hội Bảo vệ động vật Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc an thần. Ảnh: Thanh Nga.

“Tôi thấy phương pháp bắn thuốc an thần cho hươu để cắt nhung là giải pháp rất hay. Nó giảm thiểu được đau đớn cho con vật và hạn chế gây tổn hại đến sức khỏe cho hươu và sản phẩm nhung. Chúng tôi mong muốn sớm được tiếp cận và áp dụng phương pháp này vào mùa thu hoạch nhung hương sắp tới”, ông Thưởng nói.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, phương pháp bắn thuốc an thần trong quá trình khai thác nhung nhằm mục đích đảm bảo phúc lợi động vật, giúp con vật không bị đau đớn, hạn chế tối đa rủi ro có thể gây tổn thương đến con hươu cũng như sản phẩm nhung.

“Trước, trong và sau quá trình thu hoạch nhung bà con cần chuẩn bị đầy đủ chế độ dinh dưỡng cho hươu. Trước khi cắt nhung nên cho hươu nhịn ăn 6 tiếng để việc trao đổi chất khi sử dụng thuốc an thần tốt nhất. Ngoài ra, xác định càng chính xác trọng lượng con hươu càng thuận lợi cho việc cân đối liều an thần”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Việc bắn thuốc an thần sẽ đảm bảo phúc lợi cho vật nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Việc bắn thuốc an thần sẽ đảm bảo phúc lợi cho vật nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Các cán bộ Hội Bảo vệ động vật Việt Nam đã trực tiếp cầm tay chỉ việc cho hàng chục hộ chăn nuôi thông qua thực hành các kỹ thuật bắn thuốc an thần, cắt nhung, băng bó vết thương để hươu không bị chảy máu, đảm bảo liều lượng thuốc an toàn cho hươu sớm tỉnh lại và tiếp tục cho sản phẩm tốt ở các chu kỳ nhung tiếp theo.

Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật bắn thuốc an thần cho hươu khi khai thác nhung, ông Phan Xuân Đức, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn cho biết, sắp tới huyện sẽ tổ chức tập huấn trong đội ngũ cán bộ thú y cấp xã về phương pháp này, sau đó tuyên truyền nhân rộng ra để mọi người dân thực hiện nhằm đảm bảo quyền phúc lợi của động vật nuôi.

Cán bộ kỹ thuật trực tiếp cầm tay chỉ việc cho người chăn nuôi khai thác lộc nhung. Ảnh: Thanh Nga.

Cán bộ kỹ thuật trực tiếp cầm tay chỉ việc cho người chăn nuôi khai thác lộc nhung. Ảnh: Thanh Nga.

Bà Hạ Thúy Hạnh cho rằng, tiềm năng phát triển nghề nuôi hươu ở Hương Sơn đang còn rất lớn. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm từ hươu và nhung hươu thành một ngành hàng tập trung, địa phương cần phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ nhung theo tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 5 sao nhằm hướng tới xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, ngoài công tác giống, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, Hương Sơn nên xây dựng vùng trồng cây thức ăn quy mô lớn, chủ động thức ăn tại chỗ để giảm chi phí.

Về phía Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, sắp tới sẽ tiếp tục phối hợp UBND huyện Hương Sơn tổ chức hàng năm ngày hội cắt nhung để người dân nắm vững kỹ thuật chăm sóc cũng như khai thác nhung một cách hiệu quả nhất.

Đồng thời, phối hợp các hộ nuôi hươu, một số chuyên gia xây dựng đường dây nóng, điện thoại, địa chỉ email để không chỉ trong buổi tập huấn hôm nay mà trong suốt quá trình chăn nuôi bà con sẽ có chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật bất cứ lúc nào khi cần nhằm phát triển nghề chăn nuôi hươu bền vững.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhờ giống cây trồng cải tiến

CropLife Việt Nam, Syngenta, BiOWISH đã phát triển nhiều công nghệ, kỹ thuật canh tác hiện đại nhằm tăng cường sức khỏe cây trồng, tiết kiệm phân bón, hướng tới sản xuất xanh, bền vững.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.