| Hotline: 0983.970.780

Gượng dậy Phiêng Nghè

Thứ Năm 05/12/2024 , 10:30 (GMT+7)

Sơn La Hơn 2 tháng chìm sâu trong biển nước, việc đầu tiên của bà con bản Phiêng Nghè khi lũ rút là tái sản xuất, nhất là trồng rau vụ đông để chủ động bữa ăn.

Cuộc sống đảo lộn

Tháng 7 vừa qua, cơn bão số 2 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều địa phương, trong đó có bản Phiêng Nghè (xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La). Đây là một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất khi cuộc sống của 40 hộ dân trong bản bị đảo lộn hoàn toàn. Sau hơn 2 tháng sống chung với tình trạng ngập úng, đến giữa tháng 9, người dân nơi đây mới dần trở lại nhịp sống bình thường. Tuy nhiên, hậu quả mà thiên tai để lại vẫn còn rất lớn, đòi hỏi sự chung tay tái thiết để vực dậy cả đời sống kinh tế lẫn tinh thần cho người dân.

Hơn 2 tháng chìm trong biển nước, người dân bản Phiêng Nghè bất lực, không có thu nhập. Ảnh: Quốc Tuấn.

Hơn 2 tháng chìm trong biển nước, người dân bản Phiêng Nghè bất lực, không có thu nhập. Ảnh: Quốc Tuấn.

Anh Tống Văn Thắng, Trưởng bản Phiêng Nghè chia sẻ trong nỗi buồn: “Bà con nơi đây vốn đã rất khó khăn, nay lại bị thiên tai bủa vây, cuộc sống càng thêm khổ cực. Nhiều người rơi vào cảnh chán nản khi những vùng trồng trọt mới gây dựng 1 - 2 năm, đang chờ ngày thu hoạch thì tan tành…”.

Những lời bộc bạch của anh Thắng phản ánh thực trạng chật vật mà người dân nơi đây đang phải đối mặt. Mùa đông đã bắt đầu, bà con trong bản đang phải gấp rút ổn định cuộc sống. Ai cũng bận rộn với công việc đồng áng, người dọn dẹp ruộng vườn, người tranh thủ trồng vài luống rau hoặc lên đồi để “thăm khám” cây cà phê. Bản làng trở nên vắng lặng, chỉ còn vài đứa trẻ vui đùa giữa khung cảnh bình yên, khó ai ngờ rằng nơi này từng chìm trong nước lũ sâu đến 6 - 7m.

Từ trước đến nay, cả bản vẫn tập trung phát triển cây cà phê, nếu không dính thiên tai, giờ là thời điểm thu thành quả. Thế nhưng mưa lũ đã khiến nhiều hộ dân mới trồng cây cà phê mất trắng, vốn liếng trôi theo nước. Cây cà phê chè trồng khoảng 3 năm mới bắt đầu cho thu hoạch, nhưng nhiều hộ trồng mới chưa kịp thu quả bói đã bị nước lũ nhấn chìm, cây chết, quả hư, chỉ một số ít cây trên núi dốc sống sót nhưng chất lượng quả cũng kém.

Những cây cà phê do ngập lụt kéo dài đã bị chết, bà con đã chặt bỏ để chuẩn bị tái canh vào đầu năm tới. Ảnh: Đức Bình

Những cây cà phê do ngập lụt kéo dài đã bị chết, bà con đã chặt bỏ để chuẩn bị tái canh vào đầu năm tới. Ảnh: Đức Bình

Theo báo cáo của xã Chiềng Đen, lũ lụt đã khiến hàng chục ngôi nhà cùng 40ha cây cà phê và 30ha rau màu của bản Phiêng Nghè bị ảnh hưởng, tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 5 tỷ đồng, mỗi hộ gia đình đều thiệt hại từ 50 - 100 triệu đồng. Hơn lúc nào hết, bà con trong bản đang cấp thiết cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Lũ rút tới đâu, trồng rau tới đó

Ngay khi nước rút, bà con bản bản Phiêng Nghè bắt tay ngay vào việc tái thiết sản xuất nông nghiệp, chặt bỏ cây trồng bị chết do ngập, xới lại đất và dọn sạch các khu vực cây trồng bị thiệt hại. Vụ đông năm nay, thay vì tập trung vào thu hái cà phê và trồng ngô như mọi năm, nhiều hộ dân trong bản đã chuyển sang trồng rau cải, su hào để đảm bảo thực phẩm cho gia đình.

“Sản xuất vụ đông năm nay làm sao để đủ ăn cho mùa đông và Tết là vui rồi”, anh Tống Văn Thắng, Trưởng bản Phiêng Nghè cười nhẹ. Đi quanh bản, dễ dàng nhận thấy gia đình nào cũng có vườn trồng rau, hộ ít thì 3 - 4 luống, nhiều thì cả vườn. Trời nắng, rau mọc rất xanh tốt, như bù đắp của thiên nhiên cho các hộ dân nơi đây sau lũ lụt.

Bà con bản Phiêng Nghè tận dụng những khoảng đất nhiều phù sa sau khi lũ đi qua để gieo trồng rau vụ đông. Ảnh: Đức Bình

Bà con bản Phiêng Nghè tận dụng những khoảng đất nhiều phù sa sau khi lũ đi qua để gieo trồng rau vụ đông. Ảnh: Đức Bình

Sau khi lũ rút, nhiều đoàn thiện nguyện đã đến hỗ trợ bà con cây giống, chủ yếu là giống rau màu như rau cải, su hào... Tận dụng triệt để các khoảng đất trống và bãi đất ven suối được phù sa bồi đắp dồi dào khi nước lũ vừa rút, bà con đã khẩn trương gieo trồng rau màu.

Riêng với cây cà phê bị thiệt hại, các hộ dân được khuyến khích hỗ trợ mua giống mới để trồng lại. Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ người dân cải tạo những diện tích cà phê cho năng suất thấp. Mô hình trồng cà phê theo hướng hữu cơ cũng được khuyến khích áp dụng sau đợt thiên tai vừa qua, mở ra cho bà con hướng đi mới trong canh tác.

Nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế hiện nay, nhưng với nhiều bà con ở bản Phiêng Nghè thì đây vẫn là một khái niệm mới lạ, dù đã nhận được nhiều sự chia sẻ từ các cấp chính quyền. Như với cây cà phê, phương pháp canh tác trước đây của bà con chủ yếu vẫn dùng phân hóa học nhằm kích mọc quả nhanh, lợi nhuận thấp nhưng bà con vẫn cố làm do thói quen.

Cây giống cà phê được hỗ trợ, sẵn sàng trồng tái canh cho những diện tích cà phê bị chết do ngập lụt. Ảnh: Đức Bình

Cây giống cà phê được hỗ trợ, sẵn sàng trồng tái canh cho những diện tích cà phê bị chết do ngập lụt. Ảnh: Đức Bình

Nhiều hợp tác xã muốn liên kết xây dựng vùng trồng cà phê theo hướng hữu cơ, chất lượng cao nhưng cũng thường phải từ chối phút chót vì bà con chưa chịu chuyển đổi phương pháp canh tác. Vậy nên giá cà phê thu mua tại đây khá rẻ mạt.

Cơn lũ đi qua, bà con phải làm lại từ đầu. Qua những lớp tập huấn kỹ thuật do Thành phố Sơn La tổ chức, bà con ở bản Phiêng Nghè ai cũng quyết tâm thay đổi, học hỏi phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc diệt cỏ, tái sử dụng phân chuồng ủ hoai mục với mục tiêu cải tạo đất, để cây trồng phát triển tự nhiên.

Gia đình anh Tống Văn Thắng, Trưởng bản Phiêng Nghè đã chuẩn bị hơn 1.000 cây giống cà phê để trồng mới, vẫn còn xếp gọn trong vườn. Trước mắt, anh đang phải chặt bỏ những cây cà phê bị chết do ngập lụt, vệ sinh vườn, chuẩn bị bón phân lót trồng tái canh. Dự kiến tháng 4 năm sau, anh cùng với bà con trong bản mới bắt đầu vụ trồng mới khi mùa mưa bắt đầu.

Còn nước còn tát

Dù khó khăn vẫn còn đó, niềm tin vào sự trở lại luôn hiện hữu trong lòng người dân Phiêng Nghè. Cây cà phê, với vai trò là cây trồng chủ lực của tỉnh Sơn La vẫn mang trong mình tiềm năng phát triển kinh tế lớn. Qua những chương trình tái canh và hỗ trợ từ chính quyền, bà con đang dần tiếp cận các phương pháp sản xuất hiện đại hơn, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bà con tận dụng tối đa những khoảng đất ven suối có phù sa dồi dào để trồng rau vụ đông nhằm đảm bảo bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Đức Bình

Bà con tận dụng tối đa những khoảng đất ven suối có phù sa dồi dào để trồng rau vụ đông nhằm đảm bảo bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Đức Bình

Theo ông Cà Văn Long, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen, vụ đông năm nay, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố Sơn La để hỗ trợ giống rau, giúp bà con cải tạo vườn và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng nhằm khôi phục đất sản xuất, đảm bảo nguồn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Đối với cây cà phê, người dân buộc phải cưa gốc và trồng giống mới. “Còn nước còn tát”, bà con hi vọng có thể cải tạo được đất và khôi phục sản xuất trong tương lai.

Theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và chi phí sản xuất ban đầu cho các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai: Đối với ngô và rau màu, mức hỗ trợ tối đa là 2 triệu đồng/ha; với cà phê, mức hỗ trợ dao động từ 2 đến 4 triệu đồng/ha. Bà con chủ yếu sử dụng những khoản trên để mua cây giống, chuẩn bị cho mùa vụ năm sau.

Vụ đông với bà con bản Phiêng Nghè năm nay thật nhiều vất vả. Những hạt giống được gieo xuống mang theo hi vọng về một mùa vụ tươi sáng hơn trong năm tới. Tiếng cười vẫn vang rộn khắp bản làng, bởi với họ, vụ đông này không chỉ là lao động mà còn là sự gắn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.