| Hotline: 0983.970.780

Sơn La du ký: Từ cuốc giun, nuôi ngan thành tỉ phú nhiều đất nhất vùng

Thứ Tư 03/03/2021 , 11:16 (GMT+7)

Ở đây ai là chủ? Mấy người làm chỉ vào một ông áo bạc màu, quần xắn móng lợn, chạy chiếc xe máy nát mà khách nhất định không chịu tin đó là tỉ phú.

Chân dung thường ngày của tỉ phú nông dân Nguyễn Văn Tập. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chân dung thường ngày của tỉ phú nông dân Nguyễn Văn Tập. Ảnh: Dương Đình Tường.

25 năm, mỗi tối chỉ ngủ 3 - 4 tiếng

“Tôi là Tập đây”. Ông bực mình nói. Thấy thế, ông khách vội giả lả: “Ơ, thế ra là bác thật à?”. Có tổng tài sản cỡ 50 tỉ đồng, có đất đai rộng bao la nhưng ông vẫn giản dị hết mức. Ông là Nguyễn Văn Tập ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, người trở thành tỉ phú nhờ suốt 25 năm chỉ ngủ mỗi tối 3 - 4 tiếng.

Khác với nhiều nông dân cổ cày, vai bừa đặt lưng lên giường là ngáy o o, ông vẫn lên giường sớm nhưng đầu luôn vẩn vơ nghĩ xem hôm sau phải làm những việc gì và thường chỉ 1, 2 giờ sáng đã trở dậy.

Bao công việc đang chờ, nào cộng sổ thu chi, ra ô tô tải kiểm tra nước, dầu, nhớt, đi cân ngô rồi lại lên nương. Bao thứ phải lo, như đợt rồi làm đường, xây mương vòng quanh nương, đổ 1 ô tô 7m3 sỏi xuống nhưng lọt rơi khe hết, đổ 3.000 viên gạch xi măng xuống nhưng đang vuông hóa thành tròn vì bị bào mòn hết. Không biết làm sao để tuồn vật liệu xuống cái dốc xa và lởm chởm thế, cuối cùng ông mới chế ra một cái ống nhựa loại lớn để thả trôi...  

Con đường ông Tập tự làm đã được 5km. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con đường ông Tập tự làm đã được 5km. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xưa, tiếng là có đường nhưng dốc dựng đứng, đá tảng to như cái mũ nằm ngổn ngang, hễ trời tối, mưa hay thồ nặng là đi xe máy cứ ngã oành oạch. Năm đầu tiên thí điểm đổ 300m đường rộng 2,6m, dày 10cm, thấy đi sướng lịm cả người nên năm sau, năm sau nữa ông lại thực hiện tiếp. 5km đường đã ngốn của ông vài tỉ đồng nhưng dự định phải thêm 7km nữa mới hoàn thành.

Nhờ có đường mà ông Tập đã tạo ra kỷ lục là một ngày rằm vào đúng dịp mưa tầm tã mà vẫn huy động 250 người trẩy được 36 tấn nhãn. Trước đó, 7 lái xe tải khi đánh ô tô lên đã có người khóc vì nghĩ rằng mưa gió thế không tài nào vào lấy hàng được. Song song với việc đổ đường ông còn xây hệ thống rãnh dài mấy km để thoát nước, chống xói mòn trong đó có những con rãnh tự nhiên sâu đến 20m phải đắp đập để giữ đất…

25 năm liên tục cắt xén giấc ngủ của mình như thế, mãi gần đây ông mới tự cho mình được đôi chút thảnh thơi khi các dự định đã thành khuôn, thành hình.

Cả một buổi lên nương xe nóng ran, người nóng ran mà vẫn còn những chỗ chưa tới bởi nó kéo dài cả cây số, rộng cỡ 400 - 500m, diện tích ước chừng 40 - 50ha. Nhưng nghe dân nói cũng chỉ là một trong mấy cái nương của ông mà thôi.

Đường ống chuyển vật liệu xuống dưới nương để xây đường, làm mương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đường ống chuyển vật liệu xuống dưới nương để xây đường, làm mương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai bàn tay trắng dựng nên cơ đồ

Tôi hỏi ông có bao giờ nghĩ đời mình khởi nghiệp bằng cuốc giun nuôi mấy con ngan giờ có tài sản khổng lồ như thế này không (gồm 4 suất đất mua ở quê trị giá cỡ 8 tỉ, nương rẫy trên này trị giá cỡ 40 - 50 tỉ, ngoài ra còn 500m2 đất thổ cư trị giá đôi ba tỉ nữa - PV)? Ông trả lời rằng không, nó vừa là bất ngờ vừa là thành quả công sức, trí tuệ suốt mấy chục năm ròng rã.

Quê ông huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nổi tiếng với câu ca: “Oai oái như phủ Khoái xin cơm”. Bố mẹ ông sợ thay đổi nên chỉ loanh quanh ở làng, làm vài sào ruộng, chăm vài con ngan. Lớn lên ông cũng được hướng nghiệp như thế, ngán quá nên năm 1986 mới bỏ đi Sơn La, lang bạt khắp nơi, làm đủ nghề thợ xẻ, thợ mộc, thợ xây, thợ đấu… tới năm 1988 thì đến vùng này.

Đôi vợ chồng mới cưới dựng tấm bạt rộng chừng 6m2 ở nhờ trên đất của nhà khác để gieo một chòm nương ngô khoảng 5kg giống. Đói quá họ phải đào cả sắn mốc sót ở nương hoang về ăn, nhiều bận nôn thốc tháo vì trong bụng không có hơi cơm. Đến khi vợ có thai 4 tháng thì bị chủ đất xua đuổi, trong khi tết nhất cận kề. Không biết đi đâu, vợ ông nằng nặc đòi về. 

Một góc nương cây ăn quả bao la của ông Tập. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc nương cây ăn quả bao la của ông Tập. Ảnh: Dương Đình Tường.

May có người thương tình bảo đi theo đến một mảnh đất nhỏ khá đẹp, cả mừng ông mới hỏi: “Thế ông bán hay là cho cháu?”. Ông kia trả lời: “Bán tôi cũng không bán, cho tôi cũng không cho. Cô chú cứ sang ở rồi qua tết đi cuốc cho tôi một chòm nương là xong”.

Mảnh nương đó có nhiều lúc yếu lòng, vợ ông khóc rấm rứt vì tay phồng rộp, rớm máu do toàn cuốc phải rễ tranh, rễ lay. Nghiến răng bám trụ, họ cuốc cật lực đúng 15 ngày mới xong với lương thực chỉ là mì tôm nấu cùng rau làm canh chan ăn với cơm gạo mậu dịch. Hài lòng, ông kia viết mấy chữ cho họ mảnh đất 200m2 đủ để dựng ngôi nhà nhỏ, chăm chỉ trồng ngô, cải, đậu.

Đến năm 2004 họ bắt đầu làm nông quy mô vì dân đang có phong trào bán đất do nợ nần còn ông bà thì lại vay tiền về mua gom. Thế nhưng có năm bán đến 200 tấn ngô bắp về mà vợ vẫn ca cẩm không thấy tiền lãi đâu. Đêm nằm ông mới suy nghĩ, các cụ dạy “Phi thương bất phú”, vậy là sang năm cho thuê thầu một nửa, chỉ làm một nửa thì được dư ra 30 triệu.

Năm sau nữa ông cho thầu hết rồi đi buôn ngô nhưng vẫn suy nghĩ kiểu tiểu nông. Thấy đường sá xấu, ô tô tải của các chủ buôn thường xuyên bị hỏng nên ông mua 7 con trâu mộng về đóng 7 cái xe với bài ăn chắc, trâu chỉ ăn cỏ chứ không ăn dầu như ô tô lại không phải sửa chữa. Ai ngờ trâu chở nặng, leo dốc cao, mấy lần đứt thừng rơi cả ngô lẫn xe xuống vực, lỗ chỏng gọng. Đêm về ông lại suy nghĩ rồi mua chiếc ô tô tải quân sự Gaz 66 của Liên Xô. Xe bé như cái nắm cơm nhưng được việc, phải 5 - 6 năm sau ông mới bán đi để mua chiếc to hơn...

Ông Tập bên căn nhà dựng trên mảnh đất năm xưa cuốc thuê để đổi lấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tập bên căn nhà dựng trên mảnh đất năm xưa cuốc thuê để đổi lấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 2007 ông đòi lại đất để chuyển sang cây ăn quả. Đầu tiên trồng 90 gốc mận, cũng có thu hoạch nhưng khi nghe nói một số vườn nhãn bán một lúc 500 - 600 triệu, máu dồn lên não ông lại quyết theo. Trồng cả ngàn gốc nhãn thực sinh (gieo bằng hạt) nhưng ra quả cùi mỏng dính, giá bán chỉ 1.000 - 1.500 đồng/kg, không đủ trả công bẻ vậy là kệ cho rụng 3 - 4 mùa liên tiếp.

Khi nhìn thấy vườn khác ghép nhãn Miền thu được cả buộc tiền, ông lại suy nghĩ rồi về quê “bốc” luôn cả một tốp thợ lên, trả công hậu hĩnh. Năm đầu ghép được 700 gốc, chỉ sau 1 vụ đã thu mấy tấn quả, bán được 8.000 - 9.000 đồng/kg, phấn khởi ông lại cho làm tiếp. Lúc này do đã nắm được kỹ thuật nên ông thuê luôn người bản địa rồi ngồi chỉ đạo.  

Thời điểm đông nhất có 15 người nhưng phải ghép 6 năm mới xong, số gốc nhiều đến mức ông không thể đếm hết mà chỉ áng chừng khoảng 10.000. Hết nhãn thì lại đến xoài, sau mấy năm miệt mài ông cũng trồng được cỡ 7.000 gốc. Hai năm nay ông thu mỗi vụ 130 - 140 tấn nhãn, bán giá trung bình 25.000 đồng/kg được cỡ 3 - 4 tỉ, trừ chi phí còn lãi chừng 60%, xoài do mới bói vụ rồi nên chỉ thu hơn 20 tấn vừa đủ trả công.

Hệ thống mương được xây dựng rất kỳ công của ông Tập.

Hệ thống mương được xây dựng rất kỳ công của ông Tập.

Hướng con làm nông như vực trâu cày

Mỗi lần bón phân hay làm cỏ, tỉa cành ông phải thuê tới 150 - 200 người. Ông bảo: “Làm nông nhỏ lẻ không thể đủ ăn, đối với vùng như thế này phải cỡ 10ha mới khá được. Người ta làm 10ha thì mình phải làm 100ha. Nhãn đang có giá nhưng tôi dự đoán chỉ vài năm nữa sẽ về khoảng 10.000 đồng/kg tuy nhiên vẫn không sợ bởi mình làm lớn, chất lượng tốt”.

Khi tôi hỏi diện tích mảnh nương rộng nhất của nhà là 50ha hay 70ha, ông chỉ cười xòa, không đáp. Mỗi 1ha đất ấy sau khi được trồng cây, xây đường giờ giá thị trường khoảng 700 - 800 triệu mà hở ra cái là bị mua luôn. Nhiều tiền là thế nhưng ông bà vẫn ở trong ngôi nhà sàn đơn sơ mua lại của một gia đình người Thái.

Ông Tập đang kể lại những tháng ngày vất vả của đời mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tập đang kể lại những tháng ngày vất vả của đời mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông tâm niệm: “Tôi chỉ có một mong muốn là bố mẹ, con cái cùng làm, cùng ăn để khỏi cãi chửi nhau...”. Con trai ông học xong cấp 3, thi đỗ một trường dưới xuôi nhưng chỉ được 1 tháng là bị bố kéo về. Nó dè bỉu rằng làm nông suốt ngày vất vả, tất tưởi, quần áo bẩn thỉu, ông mới mở mắt cho rằng: “Bố mà làm quan thì con mới làm quan được, chứ còn con nông dân muốn thoát ly dễ bị đè nát đầu lắm! Xin việc phải cần tiền, xin được rồi mà vào chỗ tốt, nhiều con ông cháu cha dòm ngó, con có 1 tỉ, người ta có 1 tỉ họ thì sẽ gạt mình ra ngay”.

Ông dạy con đúng kiểu nhà nông vực trâu, đầu tiên phải có người dắt, dần dà khi quen với các đường cày thì mới bỏ dây thừng ra. Chán nản vì thôi học giữa chừng, con ông ham chơi, ham ngủ, không quen dậy sớm. Ông chẳng bảo gì mà lẳng lặng hàng sáng ra bơm nước vào téc chở bằng xe U Oát lên nương tưới cây rồi gọi con ra trông, trưa lại đón nó về. Phân ông bảo bón thế này, thuốc ông bảo pha thế nọ, thỉnh thoảng khuyến khích bằng những phần thưởng hậu hĩnh như xe máy SH, ô tô nhưng phải “kéo cày, trả nợ”. Dần dà, khi việc đã quen ông có thể về xuôi cả tuần mà ở trên này nó vẫn có thể đảm nhiệm tốt công việc…

Xem thêm
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII (Hà Nội, ngày 20/9/2024).

Triển khai các quy định mới về điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản

Cần Thơ Buổi tập huấn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp xung quanh các quy định mới về sản xuất thức ăn và bảo vệ môi trường thủy sản.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hòa Bình triển khai san gạt, hạ cốt khu vực đồi Lủ Thao

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình trực tiếp yêu cầu huyện Lương Sơn khẩn trương triển khai dự án phòng, chống sạt lở khu vực đồi Lủ Thao.