| Hotline: 0983.970.780

Sơn La đưa OCOP trở thành Chương trình kinh tế quan trọng

Thứ Năm 16/11/2023 , 09:32 (GMT+7)

Sơn La lấy phát triển sản phẩm OCOP là giải pháp trọng tâm trong xây dựng NTM, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thay đổi cách phát triển sản phẩm

Để làm được điều này, ngay từ đầu năm 2023, các sở ban ngành của Sơn La đã xây dựng các kế hoạch tập huấn kiến thức cho các đối tượng liên quan đến chương trình xây dựng phát triển sản phẩm OCOP. Ngay trong tháng 4/2023, hơn 70 học viên đã được tập huấn các kiến thức về những điểm mới của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan (đứng giữa) cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham quan sản phẩm Cà phê Sơn La. Ảnh: sonla.gov.vn.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan (đứng giữa) cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham quan sản phẩm Cà phê Sơn La. Ảnh: sonla.gov.vn.

Theo đó, các học viên được tập huấn về phương pháp phát triển sản phẩm gắn với thế mạnh, lợi thế tài nguyên bản địa; Sở hữu trí tuệ, giải pháp bảo vệ thương hiệu sản phẩm; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong OCOP. Qua tập huấn, các học viên được thực hành ứng dụng CNTT quản lý hồ sơ OCOP; Tăng cường quản lý OCOP bằng quản lý chất lượng tiên tiến, giảm chi phí, tăng hiệu quả; Xúc tiến thương mại, marketing hiệu quả để mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP.

Tiếp đó, tháng 9/2023, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức khóa tập huấn kiến thức cho 60 học viên là các cán bộ, các chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP đến từ 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm cung cấp cho các học viên chuyên đề trọng tâm về Chương trình OCOP. Từ đó, các học viên nắm được kiến thức cơ bản, tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở để tìm ra giải pháp, cách làm hay, nhằm góp phần giúp tỉnh Sơn La có thêm nhiều hơn nữa các sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Khóa tập huấn đào tạo kiến thức Chương trình OCOP tập trung vào 8 chuyên đề: Chương trình OCOP và những điểm mới; Chu trình OCOP và vai trò của cán bộ cấp huyện, xã; Xây dựng, giữ gìn và phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan; Ý tưởng sản phẩm và chu trình phát triển sản phẩm mới, những điều cần lưu ý...

Kết nối giao thương

Bên cạnh việc tổ chức các khóa tập huấn về OCOP, Sở Công thương còn là cầu nối kết nối các hoạt động giao thương của tỉnh với các địa phương khác, để các doanh nghiệp có điều kiện tham gia các Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, các Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ hàng hóa, nhằm đẩy mạnh việc quảng bá các sản phẩm OCOP ra thị trường.

Cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh Sơn La phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương tiêu thụ Cà phê Sơn La 2023.

Được biết, cà phê Arabica Sơn La đang từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường, bước đầu tham gia vào chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, xuất khẩu sang 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN. Giá trị xuất khẩu cà phê Sơn La trong năm 2022 đạt khoảng 82,4 triệu USD; trên địa bàn có 9 cơ sở sơ chế cà phê quy mô công nghiệp; có 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê. Cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La. Đến nay, vẫn duy trì quản lý cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho 6 tổ chức.

Năm 2023, tỉnh Sơn La phấn đấu phát triển mới trên 70 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên và dự kiến lũy kế đến hết năm 2023 ước đạt trên 180 sản phẩm OCOP. Ảnh: sonla.gov.vn.

Năm 2023, tỉnh Sơn La phấn đấu phát triển mới trên 70 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên và dự kiến lũy kế đến hết năm 2023 ước đạt trên 180 sản phẩm OCOP. Ảnh: sonla.gov.vn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng, khó khăn trong các khâu chế biến, tiêu thụ, và xuất khẩu Cà phê Sơn La, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cà phê, và vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê. Đồng thời, chia sẻ các bài học kinh nghiệm liên quan đến phát triển bền vững chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê.

Mới đây, được sự nhất trí của Văn phòng Quốc hội, tỉnh Sơn La vinh dự phục vụ cà phê và trưng bày, giới thiệu sản phẩm Cà phê Arabica Sơn La tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Đây là dịp để giới thiệu, mang hương vị Cà phê Arabica Sơn La đến với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu và khách mời của Quốc hội cùng thưởng thức, đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm cho việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ Cà phê Sơn La. Góp phần nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế Cà phê Sơn La. Mở ra cơ hội mới cho Cà phê Sơn La phát triển, vươn xa đến với mọi thị trường trong nước, trong khu vực và trên toàn thế giới.

Trước đó, tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2023 tổ chức tại Cung quy hoạch và Hội chợ triển lãm tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Sơn La tham gia 03 gian hàng giới thiệu trên 120 sản phẩm hàng hóa tiêu chuẩn trưng bày, quảng bá bằng hình ảnh thông qua các video clip giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Các gian hàng trưng bày, giới thiệu trên 120 sản phẩm hàng hóa của các cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh và các sản phẩm đã được đăng ký hỗ trợ xây dựng và đăng bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, các sản phẩm OCOP.  

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.