| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 15/02/2020 , 06:50 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 06:50 - 15/02/2020

Sống chung với mặn lợ

Năm nào nhà đài cũng đưa tin nhiễm mặn và phỏng vấn một số nhà nông tuyệt vọng. Mưa xuống, lại xong, lại đâu vào đó.

Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thập niên năm mươi của thế kỷ trước, nguyên mạn phía dưới sông Hậu là vùng mặn lợ vào mùa khô. Ban đêm, muốn biết nước mặn lấn đậm hay nhạt thì khua dầm chèo hoặc ngồi trên bờ lấy sào quơ cũng được. Sẽ thấy gì? Thấy lân tinh nhảy nhót cùng với nước bắn lên và rơi xuống để biết nước biển đang lấn dữ hay chưa.

Dân chúng bình tĩnh vì biết mình phải sống chung với điều đó. Người già tặc lưỡi, sao cãi được trời. Người trẻ phán, đang đào nhiều kênh ở mạn trên, nước ngọt sẽ tống xuống, sẽ át được nước mặn đi. Trẻ con mùa nào cũng vui, mùa khô đi bắt đom đóm chơi, mùa ướt tắm mưa, đón bắt cá lên đồng và háo hức mùa lúa lên xanh và rồi thì mùa vàng sẽ đến vào áp Tết.

Người già không tranh luận với người trẻ, không trông chờ. Nhà nhà làm thủy lợi vườn mình, đặt ống bộng, bế nước trong suốt mấy tháng dòng sông trở mặn. Nước đó tưới vườn, con cháu giặt giũ tắm táp được. Còn nước ăn và nước uống ư, phải có bể xi măng trữ nước mưa cho bếp núc và những hàng lu vại bên chái có nắp cho lũ lu vại ấy, nước đủ uống suốt mấy tháng ròng.

Khỏi mô tả những trận mưa đầu mùa nao nức thế nào. Giông gió sấm chớp ì đùng qua đi, vài trận là mưa thuận, đàn ông canh xem có tháo nước mương vườn được chưa để đón nước ngọt từ trời, đàn bà súc lu vại, thao bể và lọc rác để đưa nước mưa mới vào trữ. Trẻ con đương nhiên vừa tắm mưa vừa vẫy nước vào nhau và trợt té, tiếng cười vang dậy cả xóm dài.

Những nhà nghèo không có bể xi măng lớn và nhiều lu vại thì sao? Hồi ấy nước sông Hậu còn nguyên lành, những nhánh nhỏ của chúng đưa về nước sạch lẫn phù sa. Có những nhà hùn nhau chèo lên mạn nước đã ngọt như Long Mỹ, Xà No để chở nước sông về cho việc tắm giặt nấu nướng. Họ dùng phèn để lắng cặn và nấu nước trong lên để uống. Rồi cũng qua mấy tháng khô cong ấy.

Đồng chỉ một vụ lúa, bắt đầu từ tháng 5 sau những cữ mưa cầm chừng. Mạ được gieo cùng với cày ải bằng trâu. Khi đồng sâm sấp nước cũng là lúc mạ nhổ lên, đưa đi cấy xuống ruộng. Mưa già, lúa xanh, đủ loại cá đồng bên gốc lúa, khi lúa làm đòng, cá ăn lúa rơi lúa vãi vì mưa gió quật.

Bảy tháng dài để lúa chín, gặt đập rộn ràng, để nhà nông chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Lại một mùa cá xuống cho trẻ con, cá lóc cá rô và không ít cá trê và cá diếc bị kẹt lại ở những cái vũng sâm sấp.

Không có áp lực năng suất để xuất khẩu, người nông dân thong dong mỗi năm một vụ như vậy. Cũng không có mùa hoa màu xen kẽ để sợ nắng làm cho thất bát. Nhưng có lẽ, nhu cầu lương thực quốc gia và vị thế cường quốc cạnh tranh với Thái Lan với Campuchia… mà sau này, những cánh đồng bị vắt kiệt vì ba vụ lúa mỗi năm. Khi thượng nguồn Mekong chưa nhiều đập chắn, mùa nước nổi tung tăng, phù sa cuồn cuộn nên vụ đông xuân sau Tết luôn thuận lợi. Rồi hè thu và lại vụ mùa, suôn sẻ. Khi Mekong cho thấy nó kiệt nước vào mùa khô thì nhu cầu ba vụ lúa mỗi năm đã thành thói quen của nhà nông, cũng là thói quen thành tích của các địa phương.

Lý ra đã phải có điều chỉnh vĩ mô bằng chuyển đổi cây trồng chứ không phải chỉ lo đắp đê đắp đập ngăn mặn. Vì sao cứ phải là hạt lúa? Nhà báo nhà đài chỉ phản ảnh cái ngọn là đồng Sóc Trăng đang nứt nẻ, người Khmer dọa sẽ bỏ đất đi Bình Dương. Xin thưa, Sóc Trăng và Bạc Liêu ngày xưa là đồng một vụ, hãy đưa chúng trở về với chức năng lúa sạch lúa ngon lúa dài ngày khi mưa thuận gió hòa. Như vậy thì chúng ta sẽ không hoảng loạn, ai trụ được với lúa đắt tiền thì trụ, ai bỏ đất thì di dân nhượng đất lại cho người nhiều vốn có nhu cầu làm điền chủ.

Năm nào nhà đài cũng đưa tin nhiễm mặn và phỏng vấn một số nhà nông tuyệt vọng. Mưa xuống, lại xong, lại đâu vào đó. Đã đến lúc không để cho miền Tây, nhất là nam sông Hậu chết khô. Rất cần chuyển đổi với nhịp nhàng với biến đổi khí hậu và tác nhân của những nước đầu nguồn.

Lá dừa nước biến thành cây hàng hóa, không tệ. Cây tràm, cây đước thành cây hàng hóa, không tệ. Cây khóm và nhà máy đóng hộp những mặt hàng liên quan đến cây khóm, không tệ. Thủy sản nước lợ và nước mặn, không tệ.

Cần tính toán về chính sách đất đai để xuất hiện những điền chủ mạnh về vốn, bạo về cách làm, giỏi giang về đầu ra và những tấm lòng yêu Mekong như nó đã từng xứng đáng với tình yêu ấy. Cần thả lỏng cho người điền chủ với hiệp hội của họ cho vùng đất từng thấm mồ hôi xương máu khai khẩn của tiền nhân.

Và cần khuyến khích người dân không ỷ lại vào nước ngầm mà hãy trở lại với cha ông thời trữ nước mưa bằng tự túc và bằng những ao hồ bưng trấp. Nhất định sẽ phải hồi sinh vùng mặn lợ nam sông Hậu như nó đã từng vang bóng.