| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 25/11/2021 , 10:03 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 10:03 - 25/11/2021

Là duy nhất

Chúng ta được sinh ra, yếu nhược tệ hơn mọi sinh vật của loài có vú. Nhưng người mẹ của chúng ta là vô địch ở sự chăm sóc và hy sinh.

Từ trên cao khỉ nhỏ nhìn thấy một voi con vừa rời bụng mẹ. Cú ra đời ấy là một thử thách thót tim - tầm rơi của voi sơ sinh quá thể so với cách ra đời của khỉ con với mẹ. Không có chuyện mẹ liếm cho con, vì mẹ vòi thì lấy gì mà liếm? Voi con loạng choạng, voi mẹ không quay lại mà hai chân sau vẫn cảm nhận được con mình đang khó khăn ra sao.

Bà ngoại thủ lĩnh và em gái của voi mẹ bước đến, cố gắng hỏi han voi bé bằng những cái vòi. Mẹ voi vẫn cảm con bằng chân sau, vừa quả quyết vừa nhẹ nhàng thúc cho voi đứng lên, phải đứng lên. Nhưng chỉ có hai chân sau của voi con bình thường, hình như hai chân trước có vấn đề gì ấy.

Bà ngoại né ra, dì của voi con né ra, làm thành một vòng tròn bảo vệ voi sản phụ và voi sơ sinh. Lấn quấn nhau với đứa con dị tật này, không canh phòng ắt sẽ mang họa. Sư tử và linh cẩu đang gần, chúng là những bà mẹ trách nhiệm với đám con non của chúng mà bé voi quằn quại kia ắt là miếng mồi trong tầm ngắm.

Voi mẹ kiên nhẫn. Cố lên con ơi, con phải cố, bầu sữa của mẹ đang chờ. Hai chân voi mẹ liên tục thay nhau thúc nhẹ vào con. Khỉ nhỏ nhìn thấy hết. Mẹ nó cũng ngồi yên để nhìn xuống, theo dõi. Một con voi con dị tật hai gối trước là điều hãn hữu.

Nếu là khỉ mẹ, khỉ sẽ ẵm xốc con lên vỗ về và có thể nắn khớp cho con. Nhưng voi thì... thì voi đã quay hẳn lại và dùng vòi đỡ voi con lên từ bụng và từ nách. Mấy giờ trôi qua dùng dằng. Cuối cùng voi con gượng dậy được. Khụy xuống rồi lại đứng lên. Bầu vú của mẹ cao quá, phải đứng thẳng, phải dướn chân sau mới có thế. Mùi của sữa mẹ thiêng liêng và duy nhất.

Thở phào. Voi ngoại voi dì và voi mẹ. Hai khớp chân voi con to một cách khác thường cho thấy nó không là con voi bình thường ngay từ trong bụng. Nhưng sữa mẹ mê ly, voi khỏe mạnh lên từng phút, từng phút.

Voi ngoại đầu đàn chờ cho voi con no sữa mới bắt đầu cất bước. Rất ngắn, rất chậm để voi cháu lò dò theo kịp. Cứ thế, hàng giờ qua đàn voi mới khuất hẳn tầm mắt của khỉ con. Khỉ mẹ vẫn ngồi ngẩn ra nhìn theo, tay đỡ lấy khỉ con đu trong lòng mình, khoảnh khắc lan tỏa ấm êm.

Cũng như voi, ngay từ khi mới chào đời, khỉ con đã được gia tộc chăm bẵm. Ngoại và các dì tranh nhau ôm ấp, vuốt ve. Có những dì chưa làm mẹ đã giành khỉ con và tìm cách trốn đi gần đó để nựng nịu cho đã. Nhưng mẹ rất tài, mẹ tìm ra ngay, khi ấy mẹ sẽ nổi giận với dì và trừng phạt, nhiều lần bà ngoại thủ lĩnh phải nhảy vào để lập lại trật tự.

Cứ thế ngày liền ngày tháng liền tháng, khỉ con cùng đám khỉ bé họ hàng lớn lên, an yên, mê tơi. Khỉ con thích nhất những khoảnh khắc sau khi cả gia tộc đã no nê, từng nhóm nhỏ xúm vào tìm chấy rận và chuốt lông cho nhau. Không gì trên đời có thể đáng giá hơn.

Một thí nghiệm từ con người với một cá thể khỉ con. Người ta đem một khỉ bé tí về cho nó sống một mình trong phòng với hai thứ thiết thân: Bình sữa và một chỗ nằm có lót chiếc khăn mềm. Khỉ con chỉ đến với bình sữa khoảng 3 đến 5 lần/ngày trong khi khỉ thích lăn lộn trên tấm khăn ấy hơn 10 lần/ngày. Thì ra, cái bụng ấm mềm của mẹ mới quan trọng suốt ngày, điều đó còn giá trị hơn những giọt sữa. Khi bóng tối bao trùm, khỉ con nằm co trên tấm khăn để thiếp ngủ.

Khoa học đã chứng minh rằng, loài bò sát có trước và động vật có vú có sau. Loài bò sát đẻ trứng và bản năng mẫu tử của chúng là canh trứng. Không thiếu cảnh những ổ trứng bị tàn sát, khi đó sự chống trả của người mẹ với kẻ thù là vô vọng.

Trong khi cùng sống trong môi trường nước như cá sấu nhưng cá voi nuôi con bằng sữa. Mẹ và con dắt díu nhau, có lúc mẹ nằm vật ra để con dễ lấy sữa và mẹ dùng vây đỡ con hoặc đẩy con để cùng vượt qua hành trình hàng ngàn, hàng vạn cây số trong đại dương sâu thẳm. Mẹ và con đã tồn tại trong sự bảo bọc kỳ diệu như vậy.

Con người, chúng ta là con người nên biết rõ. Biết từ khi còn trong bụng mẹ, rằng tiếng thì thầm, sự ve vuốt trên thành bụng của mẹ đã mang đến sự thấu cảm diệu kỳ. Chúng ta được sinh ra, yếu nhược tệ hơn mọi sinh vật của loài có vú. Nhưng người mẹ của chúng ta là vô địch ở sự chăm sóc và hy sinh. Nếu số phận xui rủi khiến không biết mẹ mình là ai, ấy là nỗi đau khổ tột cùng, nỗi đau khổ đeo đẳng có thể là duy nhất và mãi mãi với một đứa con.

Phải có mẹ, sữa mẹ và sự nâng niu biết bao ngày tháng để sống còn. Tạo hóa đã xếp bày, xếp bày một cách thiên vị bằng tình mẫu tử và ấy là lẽ cao quý duy nhất của cõi đời này.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm