| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 13/09/2021 , 14:47 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 14:47 - 13/09/2021

Nghệ thuật là liều lượng

Đời sống phim ảnh của ta một thập niên nay thường xuyên remake (làm lại) bản của phim Hàn Quốc. Vì sao là Hàn mà không phải Anh, Mỹ hay Pháp?

Đơn giản là vì văn hóa tương đồng, khán giả dễ chấp nhận. Và vì sao là Hàn chứ không Nhật, không Trung Hoa, không Đài Loan, không Hồng Kông? Lý giải có thể dông dài một chút mà cũng không có gì phức tạp hoặc khó nói. Là vì Trung Hoa thì không nên động tới, Đài Loan và Hồng Kông nổi tiếng kiếm hiệp hoặc ngôn tình, phim Nhật đặc thù với độ mở nội tâm con người chưa rộng. Trong khi đó, thành tựu âm nhạc, thời trang, văn học... đủ biết xã hội Hàn Quốc đã bay lên, rất cao.

"Tiệc trăng máu" là phim điện ảnh remake từ phim Hàn tên là "Intimate Strangers" (Hàn là bản remake từ phim gốc của Ý, bộ phim kỷ lục về việc được thế giới làm lại (18 lần) với tên gốc “Người lạ hoàn hảo”). Đủ thấy, đây là kịch bản độc đáo khiến con mắt xanh đạo diễn nhiều nước hấp háy. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng của chúng ta không ngoại lệ và anh ấy đã rất xuất sắc khi lấy từ bản của Hàn Quốc rồi biến tấu sang Việt Nam. Và "Tiệc trăng máu" đã thành công vang dội với 130 tỷ doanh thu phòng vé.

Nếu ai chưa xem "Tiệc trăng máu" có thể tìm xem trên không gian mạng. Bài báo này không đề cập chuyện làn sóng và lợi nhuận phòng thu. Đơn cử "Tiệc trăng máu" để thấy một thực tế, biên kịch của Việt Nam quả là trống vắng. Mới đây có "Bố già" của Trấn Thành là phim không remake và một số phim nữa. Nhưng, khi nào điện ảnh nước nhà có từ biên kịch nội và đạo diễn nội như điện ảnh của Hàn Quốc, của Iran... thì chúng ta mới thực sự có một nền điện ảnh dám ước mơ bước hẳn ra để sánh vai thiên hạ.

Ấy là điện ảnh, là phim nhựa cho chiếu rạp. Phim truyền hình Việt Nam gần đây cũng đã có những cố gắng ngoạn mục, kéo được khán giả mỗi ngày mỗi đêm rời hẳn, vâng, gần như rời hẳn phim Trung Quốc, phim Hồng Kông, phim Đài Loan, phim khu vực Mỹ Latinh làm mưa làm gió một thuở.

Ấy là sự bền bỉ của rất nhiều đạo diễn, tôi nhấn mạnh vai trò đạo điễn trước là vì họ dám khao khát một bộ phim cho mình trong đội ngũ trẻ đông đảo hôm nay, từ đó nhìn ra chất văn học gần với phim ở sách, hoặc ở những biên kịch đã có thành tựu.

Và thế là từng bộ đôi ấy dấn thân vào thị trường còn khá trống vắng so với nhu cầu “ôm ti-vi” hơn ôm sách của quốc gia gần 100 triệu dân. Thế là, cuộc giành lại khán giả người Việt cho phim truyền hình chừng một thập kỷ qua, đã có thành công.

"Cây táo nở hoa" hiện là bộ phim hot nhất lúc này. Lại là một bộ phim remake từ phim Hàn Quốc, như một số những bộ phim thành công từ phim Hàn, thành công không bàn cãi. "Cây táo nở hoa" có bản gốc là “What’s Wrong Poong Sang” sản xuất 2019, dài 20 tập, mỗi tập 60 phút.

Câu chuyện xoay quanh 5 anh em và những bi kịch từ cha mẹ cùng mỗi cá nhân của họ, cũng chính là cuộc sống người Hàn hoặc người Việt đương đại, đô thị và công nghiệp. Thông điệp cuối cùng không thể châu Á hơn, không thể ra ngoài triết lý muôn năm, rằng gia đình và gia tộc và con người nói chung là thiêng liêng, mãi mãi.

Lôi cuốn dường như ở 20 tập đầu. Rất lôi cuốn. Thật là đáng nể với góc độ nhà văn - có làm biên kịch phim điện ảnh, tôi háo hức theo và đã nghĩ như vậy. Nhưng càng dần đến nửa phim và hiện nay đã là 60/70 tập phim thì thấy khác, khác hẳn. Thấy sao?

Cảm giác chung là sợ xem phim, sợ mà không thể bỏ, để theo đến cùng diễn tiến của câu chuyện chứ không vì kịch tính hay số phận các nhân vật nữa. Sợ là cảm giác có thật tôi đoan chắc, có không ít ở nhiều người, bởi bi kịch quá thể cho mỗi nhân vật khiến khán giả nhiều lúc muốn kêu lên, muốn tru lên với cảm giác đau đớn hoang dại và muốn bỏ cuộc.

Có không một bà mẹ hình như không thể có ở Việt Nam này? Có không một gia đình 5 anh em bi thương đến mức ấy ở mỗi người? Có không sự nông cạn, hoặc kèn cựa hằn thù dai dẳng như thế ở chị em song sinh? Nhược điểm ở phim bộ Hàn Quốc là ung thư ở nhân vật chính, như là không có đặc điểm ấy phim không thể thắt nút và mở nút được.

Diễn viên gạo cội Hồng Ánh và Thái Hòa của phim điện ảnh là bảo chứng cho phim bộ này của một nữ đạo diễn mới. Nhưng từ 20 tập phim gốc mà kéo lê bản Việt Nam tới 70 tập, ấy là sự không cân sức, không lượng sức, thậm chí không còn hợp lý nữa cho dù có thêm thắt bao nhiêu tiểu tiết gần với xã hội Việt Nam.

Để thấy, nghệ thuật dù phim truyền hình (hay phim điện ảnh) chính là liều lượng, không khác khác gì một vở diễn trên sân khấu, anh chào sân và anh hạ màn, khi nào, lúc nào, ấy là tài của đạo diễn (và biên kịch). Kéo dài đến thế mà làm gì, dân gian ta có câu “tính già hóa ra non”.

Tiếc thay, tiếc lắm!