| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 17/07/2021 , 17:35 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 17:35 - 17/07/2021

Là sinh ngữ

Ngôn ngữ là sinh ngữ, vâng, tiếng Việt của chúng ta là một minh chứng.

Ngay sau 1975 phổ biến từ dân chợ búa miền Nam hai từ cà chớn. Cà chớn. Chắc chắn là một tiếng chửi, nhẹ hơn chửi thề nhưng là một tiếng chửi. “Đồ cà chớn”, “Dòng thứ cà chớn”. Rồi, tức thì mà đơn giản là Cà chớn, đanh như một đường đạn.

Thoạt nghe, ngỡ ngàng và khó chịu. Với người miền Nam, dân chợ búa chỉ những người lao động cực nhọc, tính khí tác phong cục cằn, ngỗ ngược, bất cần. Còn hơn ba trợn, ba gai, ấy là đám ba búa, đáng sợ. Nhưng những nhân vật của "Bỉ Vỏ" này là những người sản sinh ra thứ tiếng Việt chát chúa mới, đập thẳng vào màng nhĩ, chọc vào não và đi ngay vào bộ nhớ của đám đông. Choáng nhưng khó mà quên.

Áng chừng vài năm, tôi là người kỹ chữ, bắt đầu thấy thú vị khi Cà chớn đi vào đời sống thị dân rồi thâm nhập sâu dần. Nhiều khi gặp một tình huống xấu hoặc tức cười, bỗng buột miệng ngay “Đồ cà chớn”. Một câu chửi nhẹ, hoặc một câu mắng yêu. Mãi rồi thấy bình thường, cuộc sống như sinh động hơn khi mấy tiếng đó được chấp nhận và rung rinh thường nhật.

Có một chuyện vui (có thật) lan truyền ở Cần Thơ thời tôi sống ở đó. Rằng một anh miền Bắc vào chợ, hỏi mua cà pháo. Trong đây khi ấy chỉ có cà tím và cà trắng to (còn gọi là cà dái dê), chưa nhiều người Bắc vào nên nông dân chưa trồng cà pháo.

Anh chàng viên chức miền ngoài mặc lạ, đi chợ thay cho vợ đã lạ, lại còn cật vấn và mô tả thứ cà ấy mãi. Chị bán hàng thấy ngộ, chỉ vào các thứ để trêu “Đây cà chua, kia cà tím, kia nữa cà dái dê, hết. À, mà còn cà chớn nữa!” “Cà chớn đâu, cà nào là cà chớn?” “Không, cà chớn không ăn được, cà chớn là đẹp trai, trong đây gọi đẹp trai là cà chớn!”. “Thế à, thế thì bố tôi còn cà chớn hơn tôi nữa đấy!”

Bò ra cười, cả chợ xúm lại xem anh chàng “cà chớn” và nghiêng ngả cười. Vậy đó, nó đã thành một phần của tiếng nói vùng miền, không là sở hữu của đám ba búa nữa. Thậm chí nó là tiếng nói đùa, nói vui, đề tài để giao thoa trong quá trình thâm nhập nhau, hiểu nhau và quyện nhau, dần gắn bó.

Lại nghe thấy từ dỏm. Cũng xuất phát từ cánh chợ búa. Phụt tiếng ấy ra, cùng với một bãi nước miếng nữa là khinh nhau quá thể, thậm chí sắp đấm nhau. Và rồi không bao lâu nó đã lan rộng ra khi đánh giá hàng hóa “đồ nầy dỏm”. Coi như xong, phải hạ giá.

Hàng dỏm, nghĩa là có thể giả, có thể kém. Rồi từ ấy len lỏi vào mọi giới, chỉ phẩm chất, phẩm hạnh, phẩm giá. “Thằng đó dỏm”. Coi như hết xài. Giả và kém là dỏm. À ha, cực hay, chỉ một từ thôi để chỉ kẻ không ra gì, vừa kém cỏi vừa giả dối. Coi như xong nếu là ứng viên rể, ứng viên một chân gì đó, ứng viên một cái chức. Nhưng khi đã không loại bỏ được gã đó, nghĩa là gã ta vẫn có ghế và lên quan thì mãi mãi, từ dỏm sẽ đóng đinh trong nhận xét của nhiều người. “Tay đó dỏm, thôi đi, đừng bàn nữa!”

Có lẽ từ dỏm phổ cập toàn quốc nhanh hơn từ cà chớn. Hoặc vì số người dỏm đông quá, và vì nó cho thấy một kiểu người, nhẹ nhàng, không gây chiến. Bây giờ thì từ người già thời thuộc Pháp đến đứa trẻ thời mấy chấm không đã biết từ dỏm là chỉ cái gì. Tuốt tuột. Chỉ người như đã nói, chỉ món hàng như đã dẫn, còn để chỉ một tòa nhà xây ẩu, hay một hàng pizza kém chất lượng, thậm chí một cốc cà phê nhiều bắp. Và có lẽ nó đã vào từ điển.

Vì sao miền Nam là nơi đóng góp từ lóng rồi từ ấy thành phổ cập? Là vì, nếu có hiện tượng đó thì là vì miền Nam đất mở, khí hậu mở, lòng người mở, ngôn ngữ giao thoa tưng bừng cũng như ẩm thực ở đây giao thoa tưng bừng (cho dù người viết bài này luôn đánh giá cao ẩm thực truyền thống đất Bắc).

Ngôn ngữ là sinh ngữ, vâng, tiếng Việt của chúng ta là một minh chứng. Một nhà văn bạn tôi đang sống ở hải ngoại, trước kia cô ấy luôn ghi chép từ mới mỗi khi về Việt Nam, một thập niên thôi tiếng Việt đường phố đã sinh động cực kỳ, cô ấy bảo. Mấy chục năm nay không về được, cô ây nghĩ rằng cô không dám viết văn bằng tiếng Việt nữa vì không cập nhật được sinh ngữ.

Còn một từ có từ lâu mà nó chỉ quanh quẩn ở miền Tây tôi. Không hiểu vì sao nó không thể lan tràn và phổ cập, ấy là từ nừng. Nừng. Dành cho những người nhìn mặt mũi và ngôn từ biết là kém cỏi mà hay làm ra vẻ. Dỏm không đủ năng lượng của từ để chỉ mặt hay vạch mặt loại đó.

“Thằng ấy nừng quá, thằng ấy mặt nừng, làm sao mà thành...”. Thật ra người mặt nừng không có lỗi, do học vấn thấp, do văn hóa nền yếu, hoặc do gene tối, hoặc do không biết người biết ta mà ham những việc quá sức mình.

Khi đã lộ hẳn là “mặt nừng” thì chắc chắn gã ta không xứng đáng với cương vị đó, thế thôi. Nghe có thể chối tai, nhưng xác đáng, thôi thì, người miền Tây dùng với nhau cũng được.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm