| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 19/09/2021 , 08:56 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 08:56 - 19/09/2021

Ta biết gì tuổi ấu nhi ta

Ai cũng tưởng ta đã biết rõ về thuở ấu nhi của mình. Không hề. Ấu nhi không có gì khác nếu chỉ xét đơn giản về sự sinh và sự nuôi.

Mãi sau này người mẹ mới thấy cảnh sinh nở của đàn bà. Là vì khi người mẹ sinh con thì chỉ thấy những cơn đau, thấy cái bụng mình rung chuyển và khi đứa con xổ ra, thấy chiếc bụng rỗng đi như cất được một quả núi.

Đứa con như thế nào với dây rốn, không có sức mà nhìn kỹ hơn, nghe tiếng nó khóc trên cái cân và người mẹ thiêm thiếp, mãn nguyện, thế thôi. Sau đó thì tầng sinh môn được khâu sống để “giữ được cảm giác nguyên vẹn vợ chồng nên không nên dùng thuốc tê, cố gắng nhé”.

Cơn đau đẻ đã thấm gì khi người phụ nữ cắn răng cho hai vợ chồng sẽ có được mọi thứ như xưa. Vậy đó.

Bản năng luôn sẵn và kỹ năng sẽ thuần thục dần. Mẹ đến với con gái một tháng. Bôi rượu cho sữa thơm trước khi vắt những giọt đầu tiên vào miệng cho đứa bé. “Nhớ cho bú lần trước bên này thì lần sau bên kia để hai trái ngực cân đều nghen”.

Lá xông, mẻ cá kho sệt ăn với canh rau ngót. Giặt tã cho cháu ngoại và ru hời nhưng rồi cũng đã đến lúc mẹ phải về với cuộc sống thôn quê của mẹ.

Nhớ mẹ rất nhiều. Không nhớ vừa vừa như khi chưa có con. Nhớ và có phần tò mò. Người đi trước không giỏi hoặc không quen mô tả cảm giác thần tiên chồng vợ hoặc khi đứa con xổ ra, không hề. Cứ băn khoăn không biết mẹ mình và các bà trên nữa có cảm giác hạnh phúc không, hay bao giờ cũng thuần nghĩa vụ và sứ mệnh? Họ không chịu nói và các con cũng chưa lần nào “khai thác”, đơn giản vì đó là đấng sinh thành, thiêng liêng cả đến những bí mật của họ cũng cần được giữ trong một cái gói có tên là thiêng liêng.

Người mẹ trẻ rồi đã đến lúc nuôi con gái của mình làm mẹ. Bây giờ thì có thể đã được chứng kiến trọn vẹn sự sinh nở của một người đàn bà chứ không phải mệt ngất ngư và hay kêu chết chết. Người mẹ sắp làm bà ngoại bỗng nhớ mẹ mình, cơn nhớ ập xuống, điếng người: Ngày xưa mẹ sinh nở nhờ mụ vườn, trên chiếu, băng vệ sinh cho sản phụ và tã lót cho con là quần áo cũ, thau giặt là mo cau. Những bữa ăn nhiều tiêu, sưởi bằng than đước để da dẻ săn khít và phải ngồi trên mẻ than cho tầng sinh môn sạch và thơm. Nỗi nhớ mẹ khiến trào nước mắt.

Thấm thoát. Nay thì đứa cháu ngoại thiếu nữ đã bắt đầu gạn mẹ nó về thời chưa có băng vệ sinh và chưa có bỉm cho bé. Làm sao mà mẹ nó nhớ được thời ấu nhi của mình? Nghe ngoại tả rằng mỗi ngày hai cữ đồ giặt tay, tã bé giặt riêng, vải lót của mẹ giặt riêng, ra ngoài tháng khi bà cố không thể ở thêm thì ngoại móp cả tay vì giặt giũ. Nếu nhớ, chắc mẹ sẽ nhớ tiếng võng và những câu lục bát ầu ơ ngoại thuổng từ bà cố về cầu ván, về trường đời, về bìm bịp kêu, về chiều chiều, tất cả.

Đứa thiếu nữ kia rồi cũng đã ngạc nhiên khi xem trên ti-vi từ một cảnh phim truyện hay phim tài liệu gì đó. Nó rú lên “Sanh đẻ là vậy sao mẹ, con người mới xổ ra ngọ nguậy như một con chuột vậy sao mẹ?”. Mẹ nó sẽ chép miệng “Còn tệ hơn con voi, con nai, con ngựa khi được mẹ cho ra trên mặt đất. Con người yếu ớt tệ hại nhất mà nuôi nấng cũng nhiều công nhất”.

Chắc chắn trong thế giới riêng tư mẹ và đứa con đang lớn lên ấy sẽ là những câu chuyện về mẹ được nuôi thế nào, con được nuôi ra sao, so với thời của mẹ thì thời của con sướng từ trong trứng sướng ra! Và có thể, lần ngược lên, thời của ngoại con đã không phải giặt đồ sản phụ bằng mo cau, đã có vải mùng làm các loại tã. Chỉ như thế thôi.

Ai cũng tưởng ta đã biết rõ về thuở ấu nhi của mình. Không hề. Ấu nhi không có gì khác nếu chỉ xét đơn giản về sự sinh và sự nuôi. Với rất nhiều người Việt ở tuổi cần ưu tiên tiêm vacxin trước đều biết nội hàm của hai câu thơ rất nổi tiếng này của Nguyễn Duy: "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa. Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương".

Phải, người viết bài này bỗng dưng được nhớ và cũng bỗng dưng, nhớ rõ hình ảnh ấy. Không phải từ cảm giác của mình mà từ cảnh mẹ nhai cơm đút cho em gái út của mình. Một chén cơm nóng, một dĩa cá lóc kho thơm, một chén nước cơm (thời nấu cơm bằng nồi nhôm và chắt lấy nước). Mẹ để em út ngồi trên tấm gì đó trải trên nền bếp hoặc hiên nhà hoặc trên sân nếu chiều khô ráo, mẹ nhai từng búng cơm với cá và lừa ra muổng rồi đút cho em. Sau mỗi miếng cơm là một muỗng nước cơm cho em trơn cổ và kèm theo những câu nựng nịu của một bà mẹ tảo tần.

Chúng ta chỉ nhớ tuổi ấu thơ thần tiên hoa bướm. Ấu nhi của mình, phải thấy từ ai sau đó mới suy ra được và, còn nhớ, còn có cái để hôm nay nhớ được, ấy là, may mà còn minh nẫn để nhớ và nhấm nháp nó trong những ngày cô đơn này. Có lẽ đó là những bông hoa tô điểm trên cùng cho cái lẵng ký ức mà ai cũng mong mình đầy đặn và êm đềm như thế.