| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 26/06/2021 , 10:07 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 10:07 - 26/06/2021

Nhỏ làm việc nhỏ

Chị Hai có bằng đại học ở lại thị xã làm việc rồi lấy chồng. Chồng chị có bằng cao học mà dân quê gọi là học cao.

Nhà chồng khá giả, chị và anh nhàn hạ, có căn hộ mới ở chung cư mới, có cả hai chiếc xe máy mới. Và sinh lần lượt hai đứa con, mỹ mãn.

Em Ba ôm ruộng đất hương hỏa. Em xác quyết con đường nhà nông, thời xã chưa có đường bê tông em đã sắm cái trẹt cùng ba chở máy suốt lúa đi khắp kênh rạch làm ông chủ nhỏ. Cưới vợ năm 28 tuổi, khi đường nhựa đã kín nông thôn.

Em bán máy suốt đi, giờ nông dân thích mướn máy gặt đập, máy làm như múa, lúa chứa trong bao nhả ra một dọc dài, đẹp hết biết. Em mua xe bán tải, bắt đầu làm trung gian cho nhà vườn với nhà vựa ngoài thị trấn. Cũng lần lượt hai đứa con, mỹ mãn.

Nhà anh chị Hai là thiên đường với hai đứa con em Ba khi chúng bé tí. Công viên, siêu thị, rạp chiếu phim, quán kem... Nhưng nhà em Ba không phải là chốn để các cháu con của chị Hai thích về, những con muỗi, những giề lục bình, những túi rác lều bều trên kênh. Chỗ chúng yêu là nhà nội cơ, ngay thị trấn, xưởng làm ăn, gia nhân và người làm công một tiểu đội.

Dịp hè, ông bà thích đưa cháu nội lên chơi nhà cô dượng Hai. Ông luôn ngồi ở salon với dượng Hai uống cà phê, đọc báo, xem thời sự trên tivi hay xem bóng đá, nhiều hôm dượng Hai còn chở ông đi ăn sáng ở đâu đó. Bà nội thích trong bếp với cô Hai, bởi bếp là chỗ chung thân của nội dưới quê, bà thích làm các thứ để ăn chứ không ưa mua sẵn.

Có bà là không khí bếp nhà cô Hai sinh động, đích tôn của nội đâu, kéo ghế dọn bàn dọn chén đũa, cháu nội út đâu, lên chợ mới có mấy ngày mà quên việc hết rồi ha? Cháu nội gái mới tám tuổi không dám phụng phịu, từ phòng của chị họ lao xuống, tự tìm việc làm.

Cô Hai nói đỡ “Trẻ con chơi là chính, nữa làm vợ làm mẹ tha hồ làm”. Bà má nói tướng lên “Giờ không biết làm gì nữa biết gì mà làm?”. Cô Hai bỗng sục sịch “Hồi nhỏ con quá cực, giờ con chỉ muốn con của con được sướng, vậy thôi!”. Bà mẹ nhỏ giọng, như nói với chính mình “Ừ, thì vậy thôi”.

Từ hôm đó bà ít lên nhà con gái. Không muốn thấy cảnh cháu ngoại đã mười lăm tuổi mà không động tay đến một việc gì. Đứa cháu ngoại út cũng vậy, uống một lý nước cũng phải mẹ ơi, vì vào giờ đó nó phải uống loại nước gì đó.

Cả hai đứa xem mẹ như người làm như quản gia mặc dù không dám lớn tiếng sai bảo. Nhưng cần gì phải sai bảo, bởi vì sự quán xuyến và giỏi giang mà mẹ nó có nhờ được rèn rặp từ bé đã khiến chúng luôn được phục vụ chu toàn bằng tình mẫu tử muôn đời bao la.

Người cha biết hết nhìn thấy hết nhưng không bao giờ nói gì. Ông chỉ an ủi vợ “Anh em nhất thân nhất phận, gia đình trí thức với gia đình nông dân phải khác chứ bà. Nhưng cháu nội đích tôn của mình ngon à, ở trên ấy nó cũng thấy việc rồi tự giác làm, dượng Hai nó khen lắm. Biết lau dọn bụi bặm mỗi sáng, biết quét nhà lau nhà, thấy cô Hai rửa chén đòi để con để con.

Nhưng với cháu nội gái bà lại hay la rầy, nó mới tám tuổi, nhà cô Hai bếp cô Hai nó có chuyện gì làm? Bà sợ nó nhiễm thói nằm dài hạch sách mẹ cha của cháu ngoại chứ gì, đừng lo nhiễm sao nổi, cây ấy chậu này, đâu sẽ vào đó hết bà ơi”.

Trong một gia tộc gọn ghẽ vẫn có một khoảng cách trầm ngâm nhạy cảm khó nói từ những đứa cháu mà chúng ta gọi là thế hệ nọ kia. Đứa bé gái tám tuổi khi đã về lại với cánh đồng bến sông liếp vườn con chim bầy kiến đám muỗi, căn phòng của chị họ là giấc mơ có mùi thơm của lũ thú bông, thậm chí cô còn nghe thấy chúng trò chuyện với nhau.

Một chiếc iPhone, ve tường hồng phấn, một chiếc giường mênh mông trắng, chị hết nằm ngửa lại nằm sấp với mọi thứ trên chiếc máy ấy. Chị chỉ ra khỏi phòng khi ba bữa ăn và nhu cầu vệ sinh cá nhân. Chị nói kiểu dạy đời với đứa em quê mùa “Chị sắp vào cấp Ba, sắp giã từ mọi thứ rồi, mẹ chị bảo phải để chị được sống những ngày không ai có thể bước qua mà trở lại được nữa”.

Ở đây, ở chỗ lục bình với muỗi đỉa này, anh Hai của cô nhỏ như thể đã biết gánh lấy sứ mệnh nhà nông ngay khi anh còn là một cậu bé. Chân thoăn thoắt, mắt nhìn thấy việc và hễ thấy thì tay anh động đậy.

Cô Hai cũng đặc biệt tin yêu và kỳ vọng cháu trai. Cô không hoàn toàn là cô như hôm lớn tiếng với ngoại. Có lần cô ôm siết đứa cháu gái tám tuổi nói khẽ “Giờ cô hạnh phúc, cô thầm cảm ơn ngoại đã luôn miệng Nhỏ thì làm việc nhỏ, vậy nên mới có cô ngày hôm nay. Làm lụng để không ích kỷ, để làm ra nếp nhà. Con ráng nghe lời nội, nha con”.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm