| Hotline: 0983.970.780

Sông Hồng đang bị bóp nghẹt: Trạm bơm vừa cải tạo, đã có nguy cơ không lấy được nước

Thứ Năm 01/08/2019 , 08:38 (GMT+7)

Gần chục năm qua, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương điển hình chịu ảnh hưởng nặng nề của việc lòng dẫn sông Hồng ngày càng tụt thấp.

Nhiều trạm bơm đã được đầu tư cải tạo, hạ thấp chỗ lấy nước. Song oái oăm là vừa cải tạo xong, đã lại đối mặt với nguy cơ không còn lấy được nước từ sông Hồng.

15-51-24_1
Giữa mùa lũ, nhưng cốt nước tại trạm bơm Đại Định chưa lên đúng mức thiết kế.

Theo Cty TNHH Thủy lợi Liễn Sơn, đơn vị vận hành các trạm bơm trên hệ thống sông Hồng, từ năm 2010 đến nay, mực nước sông Hồng liên tục xuống thấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khai thác, vận hành các công trình thủy lợi.

Từ năm 2017, để đối phó với tình trạng mực nước trên sông Hồng liên tục giảm, Cty đã tiến hành đầu tư, xây mới các trạm bơm hút sâu để lấy nước. Đây được xem là giải pháp trước mắt của Vĩnh Phúc nhằm cấp nước SX cho nông nghiệp. Song về lâu dài, nguy cơ các trạm bơm dọc tuyến sông Hồng bị treo do thiếu nước vẫn luôn hiện hữu.

Theo ông Kim Ngọc Tiến, Phó GĐ Cty Thủy lợi Liễn Sơn, với việc đầu tư các trạm bơm hút sâu, từ năm 2017 đến nay, đã cơ bản giải quyết bài toán khó khăn khi các NM thủy điện ngừng xả nước.

Tuy nhiên về lâu dài, nếu không có các giải pháp mang tính căn cơ, tổng thể và dài hạn để kiểm soát nạn khai thác cát quá mức, tăng cường dòng chảy và nâng mực nước sông Hồng, sẽ gây khó khăn cho tất cả các trạm bơm trên sông Hồng, trong đó có Vĩnh Phúc.

“Nếu mực nước 5 - 10 năm tới tiếp tục giảm, các trạm bơm sẽ không lấy được nước, kể cả các trạm bơm vừa mới xây dựng trong thời gian qua cũng sẽ bị treo, không đảm bảo vận hành và sẽ lại phải cải tạo, nâng cấp lại”, ông Tiến nhận định.

Ghi nhận thực tế ở Trạm bơm Đại Định (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) công trình đầu mối quan trọng phục vụ nước cho SX nông nghiệp, các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc, thời điểm này mặc dù đang vào mùa mưa lũ, nhưng mực nước chưa lên đến báo động thiết kế, cốt nước chỉ mới xấp xỉ cân bằng. Bãi bồi giữa sông Hồng cỏ cây vẫn xanh tươi, nước chưa ngập đến.

Ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng trạm bơm Đại Định cho biết: Từ năm 2010, mực nước sông Hồng bắt đầu có dấu hiệu tụt nhanh và liên tục tụt thấp trong những năm qua nên tình hình lấy nước hết sức căng thẳng, nhất là vào vụ ĐX hàng năm.

Trước khi được đầu tư trạm bơm hút sâu như hiện nay, trạm Đại Định thường xuyên phải gồng mình vận hành công trình do nước sông Hồng liên tục tụt sâu.

Có lúc, trạm này phải kết hợp huy động 20 máy bơm dã chiến để hút nước dưới sông Hồng lên. Đồng thời, dọc các kênh nội đồng cũng huy động máy bơm dã chiến để kịp thời lấy nước.

Năm 2018, mực nước sông Hồng thậm chí tụt sâu 3m so với thiết kế cao trình chõ lấy nước. Theo ông Tình, với tần suất tụt cốt nước sông Hồng diễn ra như hiện nay, không lâu nữa, trạm bơm vừa mới xây dựng cải tạo sẽ không còn lấy được nước. Chưa kể nước sông Hồng thấp, kéo theo nhiều hệ lụy như hiệu suất máy bơm giảm nhanh, thời gian bơm tăng lên; hao mòn máy lớn dẫn đến nhanh hư hỏng; lượng cát hút vào các kênh gia tăng, dẫn tới hiện tượng “sa mạc hóa” đồng ruộng ngày càng nhanh.

Mặc dù mới đây, trạm bơm Đại Định đã được đầu tư “cơi nới” với 3 tổ hợp máy hút sâu, nhưng hiện vẫn chưa đảm bảo được lượng nước cần thiết khi chống hạn, gieo cấy… Để đảm bảo phục vụ nước cho SX trong khung thời vụ, trạm bơm Đại Định phải cần đến 5 tổ hợp máy hút sâu.

15-51-24_2
Chưa có năm nào, giữa mùa lũ nhưng trạm bơm Liễu Trì vẫn trơ chân như năm nay.

Cùng cảnh như Trạm bơm đầu mối Đại Định, tại trạm bơm Liễu Trì, nơi lấy nước phục vụ SX nông nghiệp cho huyện Vĩnh Tường, mực nước tại khu vực này đang bị tụt sâu, cốt nước tụt giảm gần một nửa so với mọi năm. Ông Lê Tiến Đặng, Cụm trưởng cụm bơm Liễu Trì thuộc Xí nghiệp Thủy lợi Vĩnh Tường lo lắng: Hiện đang mùa lũ nhưng mực nước sông Hồng tụt nghiêm trọng so với mọi năm. Trước đây, thời điểm tháng 7 - đầu tháng 8 hàng năm cốt nước lúc nào cũng phải lên mức 11 - 12m, chưa có lúc nào như năm nay, cốt nước giảm 40% so với bình quân các năm.

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất