Trở lại hiện trường vụ sạt lở bờ sông Tiền tại khu vực ấp Khu Phố sau hơn 1 năm, cảnh tượng trước mắt khiến khiến tất cả chúng tôi đều không khỏi bàng hoàng. Tốc độ sạt lở diễn ra quá nhanh.
Tuyến đường giao thông phía trước nhà của nhiều hộ dân dạo trước cách mé sông còn khá xa, nay gần như đã bị sạt lở xuống sông. Sạt lở đã gặm nhấm đến không còn chân đê. Mé sông cứ theo đó mở rộng tiến sát đến cửa nhà của nhiều hộ dân. Nhiều căn nhà đang có nguy cơ đổ sụp xuống sông bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong mùa mưa, lũ, triều cường dâng cao.
Để níu giữ nhà cửa, tài sản trước sự tấn cống của sạt lở, người dân nơi đây đã dùng cây cối để chằng chéo. Có người dùng xi măng, đá để trám vào những hàm ếch sâu. Song, trước “miệng Hà Bá” thì những việc làm này cũng chẳng thấm vào đâu. Khác nào như dã tràng xe cát, như lấy muối bỏ biển. Chúng tôi hết sức cảm thông với những biện pháp này của bà con. Bởi ngoài nơi này, rất nhiều trường hợp không còn nơi để nương náu.
Tại khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ vào ngày cuối tháng 10, tranh thủ lúc triều cường xuống, bất chấp cái nắng gay gắt, cụ bà Đặng Thị Y (77 tuổi, ngụ ấp Khu Phố) cặm cụi mang xi măng, đá ra đoạn đường trước nhà để “vá hàm ếch”. Suốt mấy tháng nay, ngày nào bà Y cũng miệt mài với công việc chống sạt lở để bảo vệ nhà cửa, tài sản của gia đình.
Cách đó vài căn, gia đình ông Ngô Văn Mến ngày nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ. Chỉ tay về phía đoạn sạt lở trước nhà, ông Mến cho biết, từ năm 2023 đến nay, sạt lở ở khu vực này rất nghiêm trọng. Không chịu nổi cảnh sạt lở, mấy chục hộ dân của Tổ nhân dân tự quản này đã dời nhà đi nơi khác sinh sống, chỉ còn có 9 hộ cố gắng bám trụ. Nhiều người trong số họ cũng không biết phải đi về đâu rồi sống thế nào. Ông Mến cùng một số hộ dân còn lại buộc phải gia cố tạm thời bằng những vật dụng mà mình có, nhưng cũng không biết chống chịu đến được khi nào.
“Người dân ở đây chỉ có cái nền nhà, không có miếng đất nào khác. Nếu nhà bị sạt lở thì không biết chuyển đi đâu sinh sống. Hơn bao giờ hết, người dân nơi đây rất mong mỏi được chính quyền đầu tư kè chống sạt lở để bảo vệ lâu dài, giúp an tâm sinh sống”, vừa nói người đàn ông có mái tóc bạc trắng bật khóc như đưa trẻ khi nghĩ đến viễn cảnh không có nơi để ở, phải rời xa nơi bao thế hệ gia đình từng gắn bó.
Theo thống kê, hiện tại, bờ sông Tiền tại 3 xã Hòa Hưng, An Hữu, Tân Thanh, huyện Cái Bè sạt lở bờ sông có nguy cơ sảy ra bất cứ lúc nào gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân. Đặc biệt, vụ sạt lở ngày 5/8/2023 tại bờ Bắc sông Tiền, địa bàn ấp Khu phố, xã Hòa Hưng làm 6 căn nhà sụp đổ toàn bộ xuống sông Tiền. Chưa kể hàng chục căn nhà khác đang nằm trong vùng hết sức nguy hiểm, có nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết: Đối với tình hình sạt lở từ xã Hòa Hưng đến xã Tân Thanh thì ở đây chính quyền địa phương luôn xuống kiểm tra nhắc nhở bà con vào mùa lũ cũng như mùa mưa bão, kiểm tra gia cố phần đất trước cửa nhà mình để đảm bảo cuộc sống. Sau đó, nếu có sự cố sụp xuống lòng sông lực lượng tại chỗ của xã sẽ hỗ trợ di dời về phần đất của gia đình và dòng họ.
“Về lâu dài, đối với những hộ không còn đất cũng mong cấp trên hỗ trợ cất nhà để bà con an cư lạc nghiệp. Những phần đất còn lại cũng đề nghị tỉnh, huyện, các cấp các ngành có thẩm quyền xây dựng bờ kè kiên cố để đảm bảo giữ lại phần đất của xã, cho người dân an tâm sinh sống”, đại diện chính quyền địa phương nêu kiến nghị.
Trước tính cấp bách, trong khi nguồn lực của tỉnh có hạn, tỉnh Tiền Giang đang đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí để đầu tư Dự Xử lý sạt lở đê ven sông Tiền tại 3 xã Hòa Hưng - An Hữu - Tân Thanh, huyện Cái Bè (giai đoạn 3) với chiều dài 1.100m bắt đầu từ bến phà Mỹ Thuận cũ về phía thượng lưu. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 295 tỷ đồng. Tuyến kè được đầu tư sẽ đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân, góp phần ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.