Tháng 4/2019, hạm đội Phương Bắc của Nga đã có đợt diễn tập kéo dài hai tuần trên biển Barents. “Hạm đội Phương Bắc đã hoàn tất 70 bài tập chiến đấu có triển khai các tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, pháo binh, thủy lôi và ngư lôi, bom và lựu đạn”, thông cáo báo chí của hạm đội Nga nói, theo hãng tin TASS.
Quân cảng Severomorsk của Nga ở vùng cực Bắc. |
Trong suốt hai tuần, khoảng 20 tàu chiến Nga đã cùng quần thảo vùng biển Barents. Hai tàu đổ bộ tấn công Alexander Otrakovsky và Georgiy Pobedonosets mang theo một lữ đoàn bộ binh cơ giới và các thiết bị tấn công đổ bộ, đã thực hiện các màn đánh vào đất liền, tấn công pháo binh, phòng không…
Chạy đua
Đó chỉ là một trong những hoạt động thường kỳ của hải quân Nga ở vùng biển Bắc, trong lúc các cường quốc khác như Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh đó là các quốc gia vùng cực như Phần Lan, Na Uy… ngày càng quan tâm và tìm cách gia tăng kiểm soát khu vực được xem là rất giàu tài nguyên này. Tình hình biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên đi kèm với sự tan băng ở vùng cực trái đất càng khiến cuộc đua ở biển Bắc thêm quyết liệt.
Với hơn một nửa đường bờ biển vùng Bắc cực nằm trên lãnh thổ, Nga từ lâu đã nỗ lực giành lấy vị thế thống trị về kinh tế và quân sự ở vùng cực Bắc, nơi có trữ lượng dầu và khí ga tự nhiên được dự báo trị giá khoảng 35.000 tỷ USD chưa được khai thác.
Một dàn khoàn dầu của Nga ở Bắc Cực. |
Theo CNBC, hiện nay Trung Quốc, một quốc gia tuy không nằm sát vùng cực Bắc, cũng đang tìm đường đến đây “xí phần”. Ngoài chương trình hợp tác phát triển hạ tầng đầy tham vọng mang tên Một vành đai, một con đường nối ba châu lục, Trung Quốc còn có chương trình Con đường tơ lụa vùng cực, khai thác các tuyến đường biển, sẽ mở ra khi băng tan.
Ngoài dầu mỏ, ở biển Bắc còn có nhiều loại tài nguyên khoáng sản khác như vàng, bạc, kim cương, đồng, titanium, graphite, uranium, đất hiếm… Băng tan đồng nghĩa là các loại khoáng sản này dần trở nên có thể khai thác.
Cuối năm 2018, một nhóm các nhà khoa học về khí hậu toàn cầu thuộc Cơ quan Khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ nhóm họp ở New Orleans, Mỹ và tuyên bố rằng Bắc cực ngày nay không còn là Bắc cực như chúng ta biết xưa nay nữa. Mức độ tan băng ở vùng Cực Bắc kể từ năm 2000 đến nay là chưa từng có trong suốt 1.500 năm qua. “Vùng Bắc cực, không có dấu hiệu quay trở lại là một vùng đóng băng thường xuyên như trước nữa”, họ viết.
Băng tan đi thì người xuất hiện nhiều lên. Các cơ sở bến cảng, hoạt động khai mỏ, đường dẫn khí đốt, các con đường bộ, đường sắt và đường không mở ra ngày càng nhiều và với tốc độ ngày càng tăng. Công ty tư vấn tài chính Guggenheim Partners nói đã có 900 dự án đầu tư vào vùng Bắc cực với số vốn 1.000 tỷ USD được cam kết, một số đã được triển khai.
Băng đang tan dần ở Bắc Cực. |
Nga rõ ràng là nước dẫn đầu với 300 tỷ USD đầu tư vào Bắc cực. Quốc gia với diện tích lớn nhất thế giới đã cho phục hồi nhiều cơ sở quân sự có từ thời Liên Xô bị bỏ hoang nhiều năm, mở thêm các căn cứ, sân bay mới ở vùng lãnh thổ phía Bắc, thiết lập một loạt hải cảng dọc bờ biển.
Mục tiêu cao nhất của Nga: Khai thác được lượng dầu mỏ biển Bắc chiếm khoảng 20-30% tổng sản lượng dầu mỏ của nước này vào năm 2050.
Nhưng Nga không thể ở đó mà “múa gậy vườn hoang”. Phần Lan, Mỹ và Canada cũng đã đề xuất các dự án hạ tầng quan trọng trên phần lãnh thổ gần vùng cực của họ. Trong khi đó, Na Uy đã tiến hành các hoạt động thăm dò ở biển Barents. Tháng 1/2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông báo kế hoạch thiết lập thêm một số giàn khoan dầu ngoài khơi thềm lục địa, bao gồm cả vùng biển phía bắc Alaska.
Nhưng rồi có sự xuất hiện của một quốc gia không ở gần vùng cực, không có tuyên bố lãnh thổ ở đây: Trung Quốc. Mặc dù vậy, kẻ xuất hiện sau này được cho là hoàn toàn có thể thay đổi cục diện cuộc đua ở Bắc cực. Với sức mạnh kinh tế và hải quân ngày càng tăng, Trung Quốc đang xây dựng các kế hoạch đầy tham vọng để khai thác vùng Bắc cực cho dù không có lãnh thổ ở đây. Điều này chứng tỏ vai trò và vị trí của vùng đất lạnh giá này ngày càng trở nên quan trọng.
Vùng Cực Bắc mới
Mặc dù băng đang tan dần, Bắc Cực dù gì vẫn còn là vùng đất khắc nghiệt và con người rất khó khăn để tồn tại và hoạt động ở đây. Dù băng đã giảm bớt độ dày, trên biển Bắc vẫn có những vùng đóng băng rộng lớn. Một tuyến hải lộ thuận lợi, không quá đắt đỏ là điều mà các nước cần phải đợi trong hàng chục năm tới.
Bản đồ vùng Bắc Cực. |
Mặc dù vậy, Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm lớn với những gì có ở vùng cực Bắc và những khía cạnh có thể mang lại lợi ích kinh tế như vận chuyển hàng hải, đánh cá, an ninh năng lượng và các nguồn tài nguyên khoáng sản. Chính phủ Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh tài chính để đảm bảo quyền tiếp cận nguồn tài nguyên mà họ không thể có được thông qua tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.
Ví dụ, khi nguồn vốn của tổ hợp khí hóa lỏng Yamal của Nga bị ảnh hưởng do hậu quả của các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ đối với Nga năm 2014, Trung Quốc đã nhảy vào rót 12 tỷ USD tài trợ nhằm hoàn tất dự án. Trong chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Trung Quốc vào tháng 11/2017, công ty năng lượng Sinopec của Trung Quốc đã cùng Ngân hàng đầu tư Trung Quốc ký hợp đồng cung cấp tài chính cho dự án khí hóa lỏng Alaska ở bên kia bờ Thái Bình Dương.
Chính phủ Trung Quốc trong năm 2017 cũng quyết định cấp thêm 1.000 tỷ USD cho chương trình Vành đai, con đường nhằm tài trợ vốn cho các dự án ở vùng Bắc cực, kết nối khu vực này với Trung Quốc.