Được Hội Nông dân xã Nhơn Phúc giới thiệu, chúng tôi đến tham quan xưởng sản xuất phôi và trồng nấm sò của anh Thân Văn Mùa ở thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc (Thị xã An Nhơn, Bình Định). Nhờ mô hình sản xuất phôi nấm sò, gia đình anh Mùa đã có thu nhập khá từ 120 - 150 triệu đồng mỗi năm.
Anh Mùa cho biết: Năm 2021, với ít vốn tích cóp được, anh vay thêm 60 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Hội Nông dân xã để xây dựng nhà xưởng sản xuất phôi nấm rộng hơn 400m². Lúc mới bắt đầu làm phôi nấm, mặc dù đã được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn các quy trình làm phôi nấm và có nghiên cứu, tìm hiểu thêm thông tin từ mạng internet nhưng viện sản xuất phôi nấm của anh vẫn thất bại nhiều lần.
Nhưng mỗi lần thất bại, anh lại rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Lúc mới chuyển sang sản xuất phôi nấm, toàn bộ số phôi nấm làm ra anh đều để ở trại để thu hoạch nấm thành phẩm. Phải gần 1 năm vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, anh mới hoàn thiện được việc cải tiến kỹ thuật sản xuất phôi nấm và cung cấp cho thị trường như bây giờ.
Đối với anh, điều quan trọng với người làm kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là phải uy tín, đảm bảo chất lượng. Bởi khi phôi nấm có chất lượng tốt, kết hợp với kỹ thuật chăm sóc của bà con thì chắc chắn đạt năng suất cao. Chính vì thế, anh phải sản xuất phôi nấm đạt chất lượng tốt nhất có thể, lựa chọn những nguyên liệu tốt, tuy lời ít nhưng bán được số lượng nhiều.
Để đảm bảo chất lượng phôi nấm, anh Mùa tự mình làm tất cả các khâu. Đầu tiên, phải chọn 100% bột cưa cao su lấy từ tỉnh Gia Lai, các khâu từ ủ bã, vô bịch, hấp, vô meo, lên giàn nấm... Mỗi công đoạn đều được anh thực hiện kỹ càng, đặc biệt khâu vô meo nấm được làm trong phòng kín và thường xuyên vệ sinh để đảm bảo meo nấm được phát triển trong môi trường sạch, không nhiễm bệnh.
Vừa làm phôi nấm, anh còn làm trại để trồng và thu hoạch nấm sò thành phẩm. Khi làm trại nấm thành phẩm, đã giúp anh theo dõi được chi tiết quá trình phát triển đầy đủ phôi nấm do chính mình sản xuất. Đó là những kinh nghiệm giúp anh cải tiến năng suất nấm trên từng bịch phôi để cung cấp ra thị trường những sản phẩm phôi nấm chất lượng. Bên cạnh đó, số lượng nấm thành phẩm sau khi thu hoạch được bán tại các chợ trên địa bàn Thị xã cũng đã giúp gia đình anh tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Nhờ chịu khó tìm hiểu, áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm từ thực tiễn, cơ sở sản xuất phôi nấm sò của anh Thân Văn Mùa đã dần khẳng định được uy tín trên thị trường và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, mỗi tháng, xưởng sản xuất phôi nấm sò của anh Mùa cung cấp gần 25.000 bịch phôi nấm ra thị trường để cung cấp cho các trại nấm trong địa bàn tỉnh, nhiều nhất là tại Thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn, Tuy Phước (Bình Định). Tùy theo số lượng bịch phôi nấm mà các trại nấm đặt hàng, sau khi trừ các khoảng chi phí, mỗi năm, gia đình anh thu về lợi nhuận từ 120 - 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trọng Tố, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Phúc (Thị xã An Nhơn) nhận xét: Mô hình sản xuất phôi nấm sò của ông Thân Văn Mùa là mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, giúp tạo việc làm ổn định cho 4 lao động tại địa phương với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, ông Mùa luôn tích cực trao đổi những cách làm hay, những kinh nghiệm và nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trồng nấm tại địa phương để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên khấm khá...