| Hotline: 0983.970.780

Sống vất vưởng trên dự án treo, nhiều hệ lụy dân gánh đủ

Thứ Sáu 08/12/2017 , 09:10 (GMT+7)

Tháng 4/2008, UBND tỉnh Bình Phứớc phê duyệt dự án Đại học Tư thục Á Châu trên diện tích gần 31ha ở phường Tân Phú, TX Đồng Xoài, khiến người dân vui mừng, hy vọng nền giáo dục tỉnh nhà sẽ khởi sắc. Nhưng dự án mới bắt đầu thực hiện đã bị bỏ hoang, tạo nên khung cảnh hoang tàn.

Hệ lụy dân gánh đủ

Kể từ khi công bố dự án, những hộ có nhà, đất trong vùng quy hoạch đã bị “đóng băng”, không được buôn bán, sang nhượng, đầu tư, xây cất hay sửa sang…

16-48-00_nh_1
Toàn cảnh dự án ĐH Á Châu ở phường Tân Phú, TX.Đồng Xoài.

Ông Nguyễn Văn Thái, ở khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú, TX Đồng Xoài, có 370 m2 đất nằm trong dự án nhưng cũng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. "Có đất không được xây nhà mà phải đi ở nhà thuê. Trong khi đó chúng tôi cũng là dân lao động tự do thôi, phải đi làm hồ rất vất vả. Đất thì để không đấy nhưng mà mình không được sử dụng, muốn cầm cố, muốn vay cũng không được”, ông Thái than.

Ông Trần Hữu Đức, người có diện tích đất lớn nhất nằm trong vùng quy hoạch dự án với 2,4ha cho biết, hiện gia đình ông đã ngưng khai thác số cao su trên đất để chờ triển khai dự án. Vậy mà năm này qua năm khác, cao su từ thời kì khai thác đã chuyển sang thời kì thanh lý, còn dự án thì vẫn chưa thấy “tăm hơi”.

Ngoài tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của mình ra thì 2,4 ha diện tích đất không mang lại giá trị gì suốt nhiều năm qua.

“Gần 10 năm nay, gia đình tôi sống dở chết dở vì có đất mà không làm gì được. Kinh tế gia đình khó khăn, tiền bạc không có nhưng muốn vay vốn đầu tư làm ăn cũng không được vì đất nằm trong dự án treo", ông Đức bức xúc. Điều đáng nói, kể từ thời điểm công bố quy hoạch đến nay, những hộ dân như ông Đức chưa từng biết “mày ngang mũi dọc” của chủ đầu tư ra làm sao!

Cũng theo ông Đức, vì chờ đợi quá lâu, ông tính xin phép xây một căn chòi nhỏ trên mảnh đất của mình để cho vợ ông bán nước mía nhưng Phòng TN- MT TX Đồng Xoài không cho phép vì lý do đất của gia đình ông là đất đang nằm trong quy hoạch không xây dựng được. "Làm nhà không được, bán để trả nợ ngân hàng cũng không xong, gia đình tôi gần như đi vào ngõ cụt", ông Đức than thở.
 

Sẽ thu hồi, nhưng...

Với quy mô và tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, dự án xây dựng ĐH Á Châu từng được kì vọng sẽ tạo nên một diện mạo mới cho ngành giáo dục tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, gần 10 năm nay, dự án vẫn chỉ là những dãy phòng xây dang dở, những bức tường đã nhuốm màu thời gian, rêu phong bám đầy. Xung quanh là cây dại um tùm.

16-48-00_nh_2
Toàn cảnh dự án ĐH Á Châu ở phường Tân Phú, TX.Đồng Xoài.

Năm 2014, sau nhiều lần nhà đầu tư gửi văn bản xin gia hạn dự án nhưng, UBND tỉnh Bình Phước vẫn có văn bản gửi Bộ GD- ĐT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thu hồi dự án do tiến độ đầu tư không đạt yêu cầu, các hạng mục xây dựng không đúng quy chuẩn xây dựng, không đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, công tác đền bù giải toả chưa thực hiện xong và văn bản chứng minh năng lực tài chính không đạt yêu cầu.

Vậy mà đã 3 năm trôi qua, quyết định thu hồi dự án chưa thấy đâu nhưng thiệt hại vô hình lẫn hữu hình tạo thành gánh nặng cho người dân nằm trong dự án. “Đề nghị nhà nước xem xét nếu dự án tiếp tục làm thì phải đền bù, giải toả, để tính chuyện định cư, ổn định sản xuất, còn không thì trả lại đất cho chúng tôi sản xuất. Nhìn thấy đất bỏ hoang, trong khi mình thì khó khăn chồng chất, đau lòng lắm”, ông Đức nói.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, hiện tỉnh vẫn chủ trương kiên quyết thu hồi dự án ĐH Á Châu và dự kiến sẽ bố trí dự án mới trên phần đất này. Bà Phạm Thị Ánh Hoa, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cho biết: “Tỉnh sẽ tích cực thu hồi những dự án quy hoạch treo và xúc tiến các dự án theo đúng tiến độ. Đối với các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch treo của ĐH Á Châu, UBND tỉnh cũng đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh về tình trạng này”.

Trước thông tin dự án ĐH Á Châu có thể sẽ bị thu hồi, người dân trong vùng quy hoạch không tỏ ra vui mừng. “Dự án bị thu hồi, vậy những thiệt hại của người dân suốt gần 10 năm ai sẽ chịu? Hơn nữa, liệu dự án mới được phê duyệt trên phần đất này liệu có đi vào “vết xe đổ” của dự án trước?”, ông Đức băn khoăn.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.