Sau nhiều lần thay đổi dự án, đến thời điểm này – 16 năm, dự án vẫn bất động.
Hộ gia đình ông Lê Văn Cường ở tổ 28, là hộ nghèo của phường Duyên Hải có 4 thế hệ gồm: bố đẻ ông Cường, ông Cường, con trai, cháu nội cùng sống trong căn nhà rộng hơn 50 m2. Căn nhà gỗ xây từ năm 1993, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Căn nhà gia đình ông Lê Văn Cường xuống cấp nghiêm trọng, chờ sập |
Dù rất muốn xây mới, nhưng cả gia đình vẫn phải gồng mình sống trong ngôi nhà cũ. Bởi muốn cũng không được phép vì theo quy định các hộ dân ở trong vùng quy hoạch dự án không được xây dựng và làm nhà mới mà chỉ “hỏng đâu sửa đó”.
Không những vậy, trên miếng đất thổ canh, gia đình ông Cường chỉ được trồng cây ngắn ngày, không được trồng cây lâu năm. Chính vì vậy, mặc dù diện tích đất gia đình ông rộng tới hơn 1,4ha nhưng cũng chỉ có vài cây tạp.
“Gia đình tôi chuyển từ Yên Bái lên từ năm 1993. Đến thời điểm này, con cái đều đã trưởng thành nhưng không được tách hộ, tách khẩu. Muốn làm nhà cho các cháu ở riêng cũng không được. Bây giờ gần chục con người ở trong căn nhà xập xệ rất khổ sở, chật chội”, ông Cường bức xúc.
Căn nhà của gia đình anh Nguyễn Thành Công đã quá dột nát nhưng không được làm mới đã phải chuyển về ở với bố mẹ vợ ở xã Quang Kim, huyện Bát xát |
Thực trạng các hộ gia đình có 3 – 4 thế hệ ở chung một nhà không hiếm ở tổ 28, phường Duyên Hải. Gia đình anh Vũ Minh Đức hiện tại có 9 người gồm vợ chồng anh, hai vợ chồng người con trai và con gái cùng 3 đứa cháu đang ở trong căn nhà gỗ được làm từ năm 1993.
Anh Đức cho biết, năm 2011, căn nhà hư hỏng nhiều quá xin mãi phường mới đồng ý cho sửa với yêu cầu hỏng chỗ nào sửa chỗ đó, không được làm mới cũng như mở rộng. “Chúng tôi đã đề xuất kiến nghị lên cấp trên rất nhiều lần cũng chỉ được trả lời là khu vực này đang trong vùng dự án, người dân yên tâm chờ. Vấn đề là cần có một mốc thời gian cụ thể, bao giờ làm và phương án tái định cư ra sao. Chứ bây giờ chúng tôi ở cũng chẳng được đi cũng chẳng xong”.
Cũng chính vì nằm trong vùng dự án nên cơ sở hạ tầng như điện, nước sinh hoạt cũng không được đầu tư. Các hộ dân ở đây phải tự bỏ tiền túi để kéo điện, kéo nước về phục vụ sinh hoạt. Hộ gần thì bỏ ta 1 – 2 triệu, hộ ở xa thì mất 5 – 6 triệu đồng.
Cũng chính vì người dân phải tự kéo điện, nước về sinh hoạt nên hạ tầng cũng hết sức tạm bợ. Đường điện đều dùng cọc tre hoặc gác tạm lên các cây xanh ven đường. Công tơ điện buộc tạm vào gốc mít, gốc tre cao không quá đầu người, nguy hiểm lúc nào cũng rình rập…
Hệ thống điện rất tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn |
Được biết, tổ dân phố 28 có 115 hộ thì có hơn 60 hộ nằm trong vùng quy hoạch dự án. Theo ông Vũ Đức Luân, Chủ tịch UBND phường, đến thời điểm này, đã 4 lần thay đổi dự án. Mới nhất là Quyết định số 1026 ngày 4/4/2017 của UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt phương án quản lý, cải tạo rừng phòng hộ bảo vệ môi trường vùng đệm Kim Thành, TP Lào Cai thay cho dự án Khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, bao giờ dự án triển khai thì… chịu.
Và trong hoàn cảnh lãnh đạo phường bất lực, thành phố im lặng, dự án bất động… thì hàng trăm người dân tổ 28 vẫn phải sống lay lắt trong những căn nhà chờ sập. Còn những đường dây điện võng xuống, như chiếc thòng lọng cứ thế chập chờn trong từng giấc ngủ! |