| Hotline: 0983.970.780

Dự án treo 25 năm rồi, xin đừng treo tiếp nữa khổ dân lắm!

Thứ Hai 16/10/2017 , 14:30 (GMT+7)

Có đất nhưng không thể làm nhà, nhà hư hỏng không được sửa chữa, những ngôi nhà dột nát, tạm bợ, những đàn heo, bò nhởn nhơ gặm cỏ... 

Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có đến hơn 500 dự án đã “treo” từ 10 đến 25 năm, tổng diện tích lên đến hàng ngàn ha. Từ bao năm nay, hàng ngàn hộ dân trong các dự án “treo” này sống lay lắt. Trong các dự án “treo” thuộc những khu đất “vàng” ở trung tâm thành phố, người dân sống tạm bợ trong khu ổ chuột, còn ở vùng ven, khung cảnh chẳng khác một “vùng sâu vùng xa” nào đó chứ không phải ở thành phố lớn nhất nước.

16-01-08_nh_1
Bán đảo Thanh Đa và phía bên kia sông Sài Gòn là những toà nhà chọc trời của khu đô thị mới Thảo Điền, Q.2

Đó là cuộc sống của người dân ở phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM từ 25 năm nay. Bên kia sông Sài Gòn là những toà nhà hiện đại chọc trời của khu đô thị mới Thảo Điền, quận 2.
 

“Đại gia” đất vẫn khổ

Bán đảo Thanh Đa gồm 2 phường là 27 và 28, hình dáng tròn như chiếc mâm lớn, bao bọc bởi sông Sài Gòn, được coi là vùng đất ven đô đẹp nhất TP.HCM. Từ cầu Kinh bắc qua kênh Thanh Đa, nằm trên con đường độc đạo đến bán đảo Thanh Đa, đi chừng hơn cây số là đến phường 28, nơi có “siêu dự án” Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Đi sâu vào bên trong, khung cảnh không còn tấp nập, sầm uất, thay vào đó là con đường bê tông nhỏ chạy ngoằn ngoèo rồi mất hút giữa những khu đất rộng, cây cỏ dại mọc um tùm. Những ngôi nhà cũ kỹ, lụp xụp xen lẫn giữa những ruộng lúa, ao cá, chuồng bò, chuồng heo.

“Tụi tôi ra chợ chủ yếu mua mắm muối, gia vị, ít khi phải mua thức ăn, vì có sẵn hết rồi, lúa trồng được, cá tôm dưới kênh rạch, rau ra ruộng hái... Nhưng vẫn khổ lắm chú ạ. Từ mấy chục năm nay, muốn xây lại cái nhà cấp 4 cho khỏi dột nát mà không được. Cái gì cũng tạm bợ. Tôi có 3 đứa con, đều có gia đình riêng hết rồi, đất nhà đủ chia cho mỗi đứa một miếng cất nhà, nhưng không thể tách thửa, không xây nhà được. Cái nhà này thì chật chội, lụp xụp, đâu có ở được. Cuối cùng tụi nó phải tốn thêm khoản tiền ra ngoài thuê phòng ở. Đã nghèo còn mắc cái eo”, bà Lê Thị Lan, ở khu phố 3, phường 28 nói.

16-01-08_nh_4
16-01-08_nh_6
16-01-19_nh_9
Những hình ảnh về cuộc sống ở “siêu dự án” Đô thị thông minh Bình Quới - Thanh Đa

Đa số người dân ở bán đảo Thanh Đa là dân bản địa, sống trên mảnh đất này từ bao đời nay, chính vì thế, rất nhiều hộ được ví như “đại gia” vì có nhiều đất. Trớ trêu là, dù có đất rộng trong tay, họ vẫn phải sống trong cảnh tạm bợ từ mấy chục năm nay. “Gia đình tôi ở đây mấy đời nay, tổng diện tích đất vườn, ruộng gần 2ha, vậy mà cái nhà đàng hoàng cũng không có. Ăn uống thì không thiếu, chỉ khổ chỗ ở”, bà Trần Kim Phúc, 64 tuổi, cho biết. Từ gần chục năm nay, gia đình bà đào ao, cho thuê làm nơi câu cá giải trí.

Ông Nguyễn Văn Long, ở khu phố 2, đường Bình Quới là một trong những hộ sống lâu đời ở đây, kể, cũng vì nhà tạm bợ mà năm 2015, cả gia đình người bà con ở cách nhà ông mấy khu vườn suýt gặp nạn.

Ông kể: “Nhà nó làm chỉ có 4 cái cột bằng cây tràm cỡ bắp đùi chôn xuống đất, vách, mái đều bằng tôn. Nửa đêm triều cường, nước dâng ngập lênh láng vào nhà làm nhão nền ra. Sóng từ mấy chiếc ghe chạy ngoài sông dập dềnh hồi lâu là mấy cái cột nhà lung lay rồi đổ xiêu vẹo. May là không có vật liệu nặng nên nhà chỉ nghiêng nghiêng, vợ chồng nó bồng con ra kịp”.

Ngôi nhà của gia đình ông Long đã xuống cấp, cũ nát lắm, nhưng cũng giống bao gia đình khác ở đây, ông không thể đụng chạm gì. Toàn bộ gần 2ha đất được ông cấy lúa, đào ao thả cá, nuôi vịt. Ông than: “Tôi sống cảnh này 25 năm nay, cũng quen rồi, nhưng buồn nhất là có đất mênh mông như vậy mà đến khi các con lập gia đình lại phải đi ở nhà thuê, không thể chia đất cất nhà cho chúng. Hồi con trai tôi lấy vợ, tôi tính cơi nới thêm, làm căn phòng cho tụi nó, đỡ tốn tiền thuê nhà, nhưng vừa mua gạch, xi về chuẩn bị làm thì mấy chú quản lý đô thị xuống, bắt dừng ngay”.
 

Chờ đến bao giờ?

Năm 1992, UBND TP phê duyệt dự án “Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa” trên diện tích 427ha, gồm toàn bộ phường 28 với 3.100 hộ dân, cho TCty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Đến năm 2015, do đơn vị này không triển khai được, nên TP thu hồi, giao lại cho Tập đoàn Bitexco liên doanh với một công ty của Dubai là Emaar Properties PJSC, có tổng vốn gần 31.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một khu đô thị sinh thái hiện đại cao cấp với quy mô 50 ngàn dân. Tuy nhiên, năm 2017, đối tác nước ngoài đã âm thầm xin rút khỏi dự án.

16-01-19_nh_11
“Nếu dự án không khả thi thì xin bỏ cho bà con nhờ. Xin dừng “treo” tiếp nữa. Chúng tôi sống cảnh này 25 năm nay, khổ lắm rồi,”, bà Nguyễn Thị Hiền, KP2, P.28

Giải thích về lý do nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi dự án, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP cho biết: Với nhà đầu tư nước ngoài, một trong những yếu tố quan trọng để thu hút họ vào đầu tư là đất phải sạch, đơn giá cụ thể. Trong khi đó, thành phố muốn định giá đất người dân đang ở phải qua nhiều thủ tục. Trong quá trình đàm phán, đối tác đã xin rút khỏi dự án, và dự án này không thể một sớm một chiều làm được.

Đồng quan điểm, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cũng thừa nhận cái khó là trả lời câu hỏi khi nào giao đất cho nhà đầu tư, tổng mức đầu tư, chi phí cụ thể. Theo ông Hoan, để thu hút được đầu tư, cần phải có đất sạch.

“Thanh Đa là dự án lớn, đòi hỏi phương án khả thi, nhà đầu tư có năng lực. Hiện nay mình đang rất khó khăn. Thành phố đã báo cáo Thủ tướng để chọn nhà đầu tư. Quan điểm của thành phố là để nhà đầu tư cũ tiếp tục triển khai dự án. Nếu quay lại thì hết 5 năm nữa để có nhà đầu tư mới, lại đi một vòng thủ tục. Trong khi người dân tại đây đang hết sức khó khăn vì tình trạng trên”, ông Hoan nhấn mạnh.

Tính đến thời điểm này, siêu dự án “Đô thị thông minh” Bình Quới - Thanh Đa chỉ còn duy nhất Tập đoàn Bitexco, một doanh nghiệp hiện đang “ôm” nhiều dự án “đất vàng” ở TP và đang “treo” nhiều năm làm chủ đầu tư. Trả lời câu hỏi, liệu một mình Bitexco có “kham nổi” một dự án lớn, mà riêng tiền đền bù, giải phóng mặt bằng dự kiến đã khoảng gần 23 ngàn tỷ, chưa kể một loạt dự án của Bitexco từ nhiều năm nay vẫn đang “trùm mền”? Ông Sử Ngọc Anh cho biết, sẽ có cơ quan chuyên môn thẩm định lại năng lực của Bitexco và thành phố sẽ có văn bản trình lại để xin ý kiến Thủ tướng.

Về phía những người dân ở Bán đảo Thanh Đa, thời gian đầu, đa số họ đều mong muốn dự án sớm triển khai để họ có một không gian sống tốt hơn, nhưng dường như niềm tin trong họ đã tắt từ lâu.

“Tôi không nghĩ một mình Tập đoàn Bitexco đủ khả năng làm cái dự án này. Mà nếu họ không làm được, lại chờ đợi, tìm nhà đầu tư khác, lúc ấy không biết chúng tôi còn phải sống trong cảnh này đến bao giờ?”, ông Long buồn bã nói.

“Tôi từng đi một số nước trong khu vực, thấy họ quản lý dự án bằng những qui định rất nghiêm ngặt như: Chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực chuyên môn, tài chính, cam kết thời gian thực hiện, hoàn thành. Nếu anh thực hiện không đúng cam kết sẽ bị phạt rất nặng. Và trong thời gian dự án “treo”, đất dự án sẽ không để cho cỏ mọc, mà sẽ được tận dụng sản xuất, chủ đầu tư sẽ chịu mọi chi phí. Không như Việt Nam, nhận dự án rồi để hết năm này đến năm khác, lãng phí vô cùng lớn”, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Cty bất động sản H.T., TP.HCM.

 

Xem thêm
Thủ tướng thăm Lào, chủ trì kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, thể hiện mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Tuyên Quang tăng 4%

Năm 2024, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản của tỉnh Tuyên Quang ước đạt trên 11.252 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Điều tra việc đào bới trái phép mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

Nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào bới trái phép. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.