| Hotline: 0983.970.780

Sốt đất sau tết: Cò thổi giá, nhà đầu tư dễ trắng tay

Thứ Bảy 13/03/2021 , 16:53 (GMT+7)

Chỉ một tuần sau Tết Nguyên đán, bất động sản tại nhiều địa phương bỗng dưng 'sốt xình xịch' Dù là hiện tượng cũ, diễn ra nhiều năm, vẫn không ít người sập bẫy.

Người dân tìm hiểu đất nền rao bán.

Người dân tìm hiểu đất nền rao bán.

Cơn “sốt đất” lan rộng tại nhiều địa phương

Một trong những địa phương, giá đất bỗng dưng “dậy sóng” sau Tết Nguyên đán là Đà Nẵng.

Cụ thể, những lô đất 100 m2, tại Hòa Xuân, và Nam Hòa Xuân trước Tết có giá từ 2,4 - 2,8 tỷ đồng, thì nay đã tăng vọt lên 2,7 - 3 tỷ đồng, tùy từng vị trí.  Tương tự, tại khu đô thị Phước Lý, khu đô thị FPT Đà Nẵng, giá đất cũng tăng trên dưới 100 triệu đồng, dao động từ 1,6 - 2,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, những lô đất ven biển, giá trị cũng tăng 20% - 30% so với trước Tết. Ví dụ, một lô đất 120 m2, ven biển thuộc Sơn Trà, tăng gần 1 tỷ đồng, từ 9 tỷ lên 10 tỷ đồng, tương đương 120 triệu đồng/m2.

Cũng giống như “cơn sốt” ở Đà Nẵng, sau Tết, một địa phương thuần nông nghiệp như Hớn Quản, Bình Phước cũng bất ngờ có “sóng”.

Chỉ trong vài ngày, sau khi có tin đồn UBND tỉnh Bình Phước có quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng ở xã An Khương, huyện Hớn Quản. Hàng đoàn “cò” đất từ khắp nơi đổ về, đa phần đến từ TP.HCM hoặc Bình Dương. Nhưng cũng có đội “cò” đến từ các tỉnh miền Bắc như Hà Nội hoặc Hải Phòng.

Bất chấp dịch bệnh, hàng đoàn ô tô “cò” đất “bay” khắp huyện Hớn Quản để tung tin đồn về quy hoạch. Chỉ sau vài ngày, giá đất nông nghiệp tại Hớn Quản đã tăng 30% - 40%.

Đơn cử, trước Tết 1.000 m2 đất nông nghiệp tại xã An Khương có giá 200 triệu đồng, sau Tết, giá đất đã tăng lên 350 triệu đồng, thậm chí có thời điểm tăng lên 400 triệu đồng.

Ngay sau đó, UBND huyện Hớn Quản cũng đã có văn bản cảnh báo, đây chỉ là các chiêu trò lừa đảo của giới “cò” đất. 

Lãnh đạo 1 doanh nghiệp địa ốc tại Đà Nẵng chia sẻ, sau Tết, thị trường gần như “đói” sản phẩm. Các doanh nghiệp địa ốc cũng chưa vội vàng đưa sản phẩm ra thị trường.

Do đó, để kích thích thị trường, cũng như “đói” vốn, giới “cò” đất phải tự tạo tin đồn, để thu hút nhà đầu tư.

Ngoài ra, “cơn sốt” tại Đà Nẵng là do tin đồn trong tháng 3/2021, UBND Đà Nẵng sẽ công bố bảng giá đất mới và sẽ được điều chỉnh tăng so với năm 2020.

“Từ một thông tin quy hoạch chưa được xác định, giới “cò” đất sẵn sàng “thổi bùng” thành “sốt” đất. Có thể họ tự bịa ra chính sách, tự bịa ra quy hoạch, hoặc họ thổi phồng thông tin quy hoạch để thổi giá đất lên cao. Chiêu này xuất hiện từ lâu, nhưng trong nhiều trường hợp vẫn có hiệu quả. Do đó, các nhà đầu tư, người dân nên cẩn trọng với tin đồn”, vị lãnh đạo này nói.

Chỉ cần nghe tin có dự án mới, cơn sốt đất có thể đến ngay sau đó.

Chỉ cần nghe tin có dự án mới, cơn sốt đất có thể đến ngay sau đó.

Nhà đầu tư dễ “trắng tay”

Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 4 nguyên nhân chính của tình trạng sốt đất ảo lặp đi lặp lại.

Một là, khi có đầu tư phát triển thì giá đất tăng lên khá nhanh, làm tổng giá trị đất đai tăng thêm, có thể làm đổi đời người có đất. 

Hai là, những người có tiền muốn tham gia để có tiền nhiều hơn trong khi rất thiếu chuyên nghiệp, hay bị tác động của hiệu ứng đám đông, tức là chỉ vì khát vọng của lòng tham mà không đủ luận cứ. 

Ba là, giới đầu cơ thành thạo hơn kích động lòng tham để kiếm lời từ tham gia cò mồi, dẫn mối, thậm chí cả "lướt sóng" giai đoạn đầu. 

Bốn là, chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa nghĩ ra cách gì để khắc phục tình trạng tiêu cực này.

GS Đặng Hùng Võ cho biết, cả người mua lẫn cơ quan chức năng đều thiếu chuyên nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho một số đối tượng lợi dụng, gom đất, bán đất làm náo loạn thị trường.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo, việc đầu tư vào “tin đồn” sẽ có 2 kịch bản xảy ra.

Thứ nhất, nếu “tin đồn” đó là thật, nhà đầu tư sẽ có lời lớn. Bởi, thông thường, khi giá đất đang ở dạng “tin đồn” thường có giá trị thấp, nhưng khi “tin đồn” đó được xác định là có, chắc chắn giá đất sẽ tăng rất mạnh. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có lời lớn.

Trong trường hợp này, “tin đồn” sân bay Quốc tế Long Thành đã mang lợi lợi nhuận “khủng” cho rất nhiều nhà nhà đầu tư.

Thứ hai, nếu “tin đồn” này là giả mạo, không có thật. Chắc chắn nhà đầu tư sẽ rơi vào cảnh trắng tay. Ví dụ, “tin đồn” về việc thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư phải “chết vốn”.

“Theo quy luật, kênh đầu tư càng có rủi ro, lợi nhuận càng cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phải biết sàng lọc thông tin, “tin đồn” nào có thể xảy ra, “tin đồn” nào là giả mạo. Tuyệt đối tránh đầu tư theo đám đông, mà bản thân phải tự kiểm tra tính xác thực của thông tin đó. Từ đó, có thể tạo ra dòng lợi nhuận như mong muốn”, ông Điệp cho biết.

(Kiến thức gia đình số 10)

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.