Bệnh viện quá tải với bệnh nhân sốt xuất huyết. |
Dự báo thời gian tới số ca mắc có thể bùng phát trên diện rộng. Đáng lưu ý, bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng, nếu mắc bệnh không được chẩn đoán và xử trí kịp thờ dễ rất dễ tử vong.
Không được chẩn đoán và xử trí kịp thời dễ tử vong
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến tháng 8/2019, cả nước ghi nhận trên 125.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 15 trường hợp tử vong và số ca mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương.
BS Nguyễn Danh Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do vi rút Dengue gây ra, lây truyền qua trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, đặc biệt là từ tháng 7 đến tháng 10. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Vi rút Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Khi cơ thể bị nhiễm bởi 1 týp sẽ để lại miễn dịch lâu dài với týp đó nhưng chúng ta vẫn có thể mắc bệnh do nhiễm týp khác.
Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện đa dạng với sốt, xuất huyết và thoát huyết tương. Bệnh có thể diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh thường khởi phát đột ngột bằng sốt cao và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Ở giai đoạn sốt, thường trong 2-3 ngày đầu của bệnh. Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục, khó hạ sốt, kèm theo đau đầu vùng trán, nhức hai hố mắt, đau cơ, đau mỏi khớp; chán ăn, buồn nôn; da xung huyết. Có thể có phát ban, chấm xuất huyết dưới da (nghiệm pháp dây thắt dương tính), chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
Giai đoạn nguy hiểm, thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt, nhưng có các biểu hiện: vật vã, lừ đừ, li bì; nôn ói; đau bụng (nhất là ở vùng gan); thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48h) gây tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to; dấu hiệu của xuất huyết da niêm mạc và tạng. Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng: gan, thận, tim, phổi, não. Các biến chứng thường xuất hiện ở giai đoạn này là sốc, và suy đa tạng làm người bệnh tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Giai đoạn hồi phục: Thường vào ngày thứ 7 - 10 của bệnh. Sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, nếu được điều trị phù hợp, người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn uống trở lại, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều. Có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da.
Chưa có vắc xin phòng
BS Đức lưu ý, cho đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ yếu của bệnh là điều trị triệu chứng. Người bệnh sau khi khám chuyên khoa và làm các xét nghiệm cần thiết, nếu không có dấu hiệu nguy hiểm có thể điều trị tại nhà, được tư vấn kỹ kế hoạch điều trị, theo dõi và chăm sóc ngoại trú. Khi có những dấu hiệu nguy hiểm, nặng, người bệnh cần nhập viện để được điều trị kịp thời.
Người bệnh cần uống nhiều nước (oresol, nước đun sôi để nguội, nước trái cây) hoặc nước cháo loãng với muối. Đối với trẻ em bị sốt xuất huyết mà đang trong giai đoạn bú mẹ, người mẹ cần cho bé bú nhiều hơn ngày thường để tăng cường sức đề kháng tự nhiên từ sữa mẹ. Khi cho trẻ ăn, bé nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, uống thêm nước, không nên cho trẻ ăn dồn dập. Trong thời điểm này, các mẹ nên bổ sung cho bé các món ăn giàu đạm từ trứng, thịt, sữa, thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm có trong thịt bò, gà, ... để tăng cường sức đề kháng giúp bé chống lại bệnh sốt xuất huyết.
Khi người bệnh sốt cần uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4 - 6 giờ; không dùng Aspirin, Ibuprofen để điều trị sốt vì có thể gây xuất huyết nặng.
“Hiện, vắc xin phòng bệnh vẫn đang tiếp tục được đánh giá, chưa được đưa vào sử dụng, nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là: Tránh muỗi đốt (ngủ màn, mặc quần áo dài, thoa kem chống muỗi,…); diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành; Vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng; Phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh; Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà”, BS Đức khuyến cáo.