Phần lớn người tiêu dùng vẫn mua thịt lợn ở những phản thịt kiểu này. Ảnh mang tính minh họa. |
Theo thống kê từ Sở NN-PTNT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm tổng số các đợt thanh, kiểm tra do các Chi cục quản lý chuyên ngành, Thanh tra Sở ở 82 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, đã phát hiện 26 cơ sở vi phạm, lý do vi phạm chủ yếu như không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang... Đã xử phạt 26 cơ sở với tổng số tiền 163.138.000 đồng.
Ngoài ra Trạm Thú y của 30 quận, huyện phối hợp với các đoàn liên ngành quận, huyện kiểm tra trên 3 lĩnh vực (phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y) với số lượt kiểm tra là 9.485 lượt cơ sở, xử lý 704 trường hợp vi phạm (cảnh cáo 235 trường hợp, tiêu hủy 99 trường hợp, phạt tiền 370 trường hợp với số tiền 793.085.000 đồng).
Các đoàn kiểm tra cũng đã buộc phải tiêu hủy 478 con lợn, 8.581 con gia cầm, 118kg thịt bò, 2674,8kg thịt lợn, 146kg thịt gia cầm, sản phẩm động vật khác làm thực phẩm 311,4kg.
Từ bao lâu nay, việc truy quét thực phẩm bẩn trở thành một điệp khúc quen thuộc của việc "bắt cóc bỏ đĩa". Trách ngược, trách xuôi nhưng có một nguyên nhân cũng rất quan trọng lại nằm trong chính tay... người tiêu dùng.
Thực tế có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn.
Tâm lý nói chung của người tiêu dùng ngại sử dụng thịt mát, thịt cấp đông mà vẫn chuộng gà lông, lợn cạo lông bằng nước sôi do vậy chưa thúc đẩy được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đầu tư, phát triển.
Tâm lý nói chung của người tiêu dùng vẫn muốn mua rau, củ quả tại các vỉa hè, lòng đường, chợ truyền thống mà không cần quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác với giá rẻ nên các cơ sở sản xuất rau sạch nhưng với giá bán cao hơn, các gian hàng giới thiệu sản phẩm không đủ độ phủ rộng khó mà tìm được chỗ đứng.
Còn nhớ, dạo cúm gà xảy ra, người người sợ tiếp xúc với gà lông, giết mổ gà tươi sống nên chuyển mạnh sang dùng gà giết mổ ở những cơ sở công nghiệp. Tuy nhiên, về sau đâu lại vào đấy. Hà Nội vẫn là thủ đô của gà lông. Việc triển khai quy hoạch giết mổ gặp nhiều khó khăn, vì thói quen của người tiêu dùng mà nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp quy mô lâm vào tình trạng phá sản trong khi các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa đảm bảo môi trường, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định lại trỗi dậy mạnh mẽ.
Ở công đoạn khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của Hà Nội đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động mùa vụ, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý thấp, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Thêm vào đó, sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn chưa thường xuyên, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã, phường đã được đẩy mạnh tuy nhiên vẫn chưa quyết liệt, chủ yếu là nhắc nhở, chưa tập trung vào các cơ sở có nguy cơ mất an toàn cao đã hình thành nên một thị trường hỗn loạn như hiện nay.
Nếu ở nước ngoài chỉ có thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thường thì ở ta lại có thêm khái niệm thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch khiến cho sự lựa chọn càng lúc càng khó khăn. |