| Hotline: 0983.970.780

Sứ mệnh lịch sử của ngành Thú y trong thời kỳ hội nhập với thế giới

Thứ Ba 24/11/2020 , 15:05 (GMT+7)

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành NN-PTNT, 75 năm thành lập Báo NNVN, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y đã có những trải lòng với NNVN.

 

Ngày 11/7/2020 vừa qua, ngành Thú y đã long trọng tổ chức 70 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Ngày 11/7/2020 vừa qua, ngành Thú y đã long trọng tổ chức 70 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đóng góp quan trọng cho phát triển chung và ngành nông nghiệp

Thưa ông, trong suốt chiều dài lịch sử 75 năm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công tác Thú y đã được Đảng, Nhà nước quan tâm như thế nào?

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết nghị thành lập Bộ Canh Nông, trong tổ chức bộ máy của Bộ Canh Nông có Nha Thú y - Mục súc - Ngư nghiệp. Như vậy, công tác thú y đã được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ quan tâm từ rất sớm, ngay trong ngày đầu thành lập nước.

Tại Hội nghị Thú y toàn quốc năm 1949, Bác Hồ đã gửi thư tới Hội nghị. Trong thư Bác viết: "Chăn nuôi rất quan trọng cho kinh tế nước nhà. Mong toàn thể cán bộ Thú y xung phong thi đua ái quốc tìm cách thiết thực phát triển và bảo vệ gia súc. Mong các anh em chú ý mấy điều sau đây: (1) Phải nhận thức cho rõ rệt và phải tích cực thực hiện phương châm đem chuyên môn làm việc cho nhân dân; (2) Phải sửa đổi lề lối làm việc theo những phương pháp mới. Gần dân, hiểu dân, tìm hiểu những kinh nghiệm của dân để phối hợp với sở trường khoa học của mình".

Các lực lượng Thú y ở Trung ương và địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, bảo vệ đàn động vật và toàn cho cộng đồng.

Các lực lượng Thú y ở Trung ương và địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, bảo vệ đàn động vật và toàn cho cộng đồng.

Đến ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh 125-SL về việc bài trừ dịch tễ bệnh truyền nhiễm gia súc. Đây là một trong những văn bản pháp lý đầu tiên về thú y của Nhà nước Việt Nam quy định trách nhiệm của các Bộ, chính quyền các cấp, ngành thú y và nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh động vật; đánh dấu vị trí, nhiệm vụ, chức năng và tầm quan trọng của ngành Thú y đối với xã hội nước ta. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 11/7 là ngày truyền thống ngành Thú y Việt Nam.

Vừa qua, ngành Thú y đã long trọng tổ chức 70 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, trải qua 70 năm, ngành Thú y không ngừng hoàn thiện, phát triển, có những đóng góp quan trọng như thế nào cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước và cho ngành nông nghiệp, thưa ông?

Dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, ngành Thú y vinh dự, tự hào được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phúc Trọng gửi Thư chúc mừng. Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết: “Trải qua 70 năm, ngành Thú y đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; loại trừ và kiểm soát tốt nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, bệnh truyền lây từ động vật sang người; nghiên cứu thành công và sản xuất được hầu hết các sản phẩm thuốc, vacxin thú y để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong nước và xuất khẩu; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được cải thiện rõ rệt trong nhiều năm qua, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Ngành Thú y đã đào tạo được các thế hệ những người làm công tác thú y sáng tâm đức, vững tay nghề, giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trong tin tưởng rằng,“phát huy truyền thống phát huy truyền thống tốt đẹp, các thế hệ công chức, viên chức, người lao động ngành Thú y sẽ tiếp tục phấn đấu và không ngừng hoàn thiện để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Đây không chỉ là sự đánh giá, ghi nhận, động viên, khích lệ mà còn là sự tin tưởng, giao nhiệm vụ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho ngành Thú y Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại Thành phố Hải Phòng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại Thành phố Hải Phòng.

 Quyết liệt đổi mới, đoàn kết thống nhất, trách nhiệm, hiệu quả và chủ động hội nhập

Mục tiêu phấn đấu của ngành NN-PTNT trong giai đoạn tới là xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Cơ hội lớn, nhưng thách thức, khó khăn cũng rất nhiều. Ngành Thú y cần phải làm gì để góp phần quan trọng hơn nữa thực hiện mục tiêu trên, thưa ông?

Gian đoạn tới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, hội nhập sâu rộng với thế giới sẽ có nhiều thách thức và cơ hội. Do đó, tôi cho rằng ngành Thú y cần phải quyết liệt “đổi mới, đoàn kết thống nhất, trách nhiệm, hiệu quả và chủ động hội nhập", đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật,... Đây phải được coi là những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành Thú y Việt Nam.

Sau gần 2 năm dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại Việt Nam, dù chúng ta đã sớm khống chế được dịch, nhưng nó đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội. Nhân dân đang rất lo lắng về dịch bệnh này trong giai đoạn tới.

Chúng tôi hiểu sự lo lắng của bà con chăn nuôi và nhận thức rõ được sự nguy hiểm của DTLCP, để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh, đưa ngành sản xuất chăn nuôi nước ta vào nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT trình Chính phủ và đã được Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống DTLCP giai đoạn 2020-2025.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác trực chẩn đoán xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác trực chẩn đoán xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương.

Mục tiêu là chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống DTLCP; bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), môi trường và các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.

Còn đối với các loại dịch bệnh rất nguy hiểm khác là lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm (CGC), dịch bệnh trên thủy sản... thì sao, thưa ông?

Cuối tháng 10 vừa qua, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT, trình Chính phủ và Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025” với mục tiêu kiểm soát hiệu quả bệnh LMLM trên địa bàn cả nước và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng virus LMLM mới từ bên ngoài vào Việt Nam; xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) LMLM cấp huyện hoặc vùng liên huyện của một hoặc nhiều tỉnh, thành phố; tiến tới xây dựng vùng ATDB cấp tỉnh; góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Về dịch CGC, Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 – 2025, nhằm chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của CGC đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của Việt Nam.

Đối với dịch bệnh trên thủy sản, hiện nay Cục Thú y đang hoàn thiện, báo cáo Bộ NN-PTNT trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh thủy sản giai đoạn 2021-2025 nhằm tập trung kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra, tôm hùm, cá hồi, cá rô phi, ngao...

Hệ thống phòng xét nghiệm của các nhà máy sản xuất thuốc Thú y cũng được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng thuốc thú y.

Hệ thống phòng xét nghiệm của các nhà máy sản xuất thuốc Thú y cũng được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng thuốc thú y.

Hệ thống Thú y sẽ được kiện toàn

Thưa ông, những nỗ lực của ngành Thú y, các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân trong phòng, chống, khống chế các loại dịch bệnh trong những năm qua là rất lớn. Nhưng cũng phải nói thật là, không ít địa phương đã không đánh giá đúng vai trò của Thú y, sáp, nhập làm phá vỡ hệ thống Thú y tại địa phương, dẫn đến việc phòng, chống, dập dịch không hiệu quả và hậu quả là “lãnh đủ” thiệt hại...

Rất mừng là, sau nhiều nỗ lực của ngành, của nhiều tầng lớp trong xã hội, người chăn nuôi, các cơ quan báo chí, tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, sau khi lắng nghe các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân..., Quốc hội đã có Nghị quyết về việc kiện toàn cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y.

Nội dung Nghị quyết nêu: Sớm ban hành đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y các cấp giai đoạn 2021-2030; phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, đánh giá chất lượng vắc xin phòng dịch.

Chúng tôi tin tưởng, sau Nghị quyết và đề án này, nhận thức ở một số nơi, số chỗ về vai trò của hệ thống thú y sẽ được thay đổi, hệ thống quản lý chuyên ngành Thú y sẽ được kiện toàn, củng cố để gánh vác sứ mệnh lịch sử của mình trong thời kỳ hội nhập sâu với thế giới với nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội.

Mong muốn Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, gắn bó với ngành Thú y 

Tiến sỹ Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y.

Tiến sỹ Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (04/12/1945-04/12/2020) và ra mắt hệ sinh thái Báo Nông nghiệp Việt Nam, thay mặt cho ngành Thú y xin gửi lời chúc mừng đến Báo Nông nghiệp Việt Nam và toàn thể lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên của Báo lời chúc mừng tốt đẹp.

Đồng thời mong muốn, với truyền thống 75 năm, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ NN-PTNT, diễn đàn vì sự phát triển nông nghiệp và nâng cao dân trí nông thôn, với tình cảm thắm thiết bền chặt giữa hai đơn vị, Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, gắn bó với ngành thú y hơn nữa để góp phần hơn nữa thực hiện được các mục tiêu đề ra trong phòng, chống bệnh DTLCP, LMLM, CGC, dịch bệnh trên thủy sản..., phấn đấu thực hiện mục tiêu chung của chúng ta là xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.

Thay mặt Báo Nông nghiệp Việt Nam xin được trân trọng cảm ơn cá nhân ông và ngành Thú y Việt Nam!

Chi cục Thú y vùng VI – “con chim đầu đàn” của ngành Thú y

Chi cục Thú y vùng VI trực thuộc Cục Thú y, đóng trên địa bàn TP. HCM có 03 phòng chức năng: Tổng hợp, Kiểm dịch động vật – Thú y cộng đồng, Dịch tễ thú y, 01 Trung tâm Chẩn đoán - Xét nghiệm bệnh động vật và 05 Trạm Kiểm dịch động vật XNK xuất nhập khẩu: Tân Sơn Nhất, Cảng – Bưu điện, Mộc Bài, Vũng Tàu và Bình Hiệp, với gần 130 người.

Với hệ thống trang thiết bị, quy trình xét nghiệm hiện đại, đội ngũ cán bộ kỹ thuật năng động, nhiệt huyết, có tay nghề cao, đến nay vùng VI đã có 32 vùng được công nhận là vùng An toàn dịch bệnh (ATDB) với 565 cơ sở được công nhận ATDB trên gia súc-gia cầm.

Cụ thể: 10 vùng ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcatlse (Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh); 02 vùng ATDB đối với bệnh LMLM/Dịch tả lợn (Bình Dương); 01 vùng ATDB đối với bệnh Lao và bệnh Sảy thai truyền nhiễm trên trâu bò (toàn TP.HCM); 19 vùng ATDB đối với bệnh Dại trên chó nuôi (17 quận/huyện của TP.HCM và 02 huyện Côn Đảo, TP. Vũng Tàu - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Đây là điều kiện quan trọng để đẩy mạnh xúc tiến thương mại xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

Kết quả xây dựng vùng ATDB trên gà đã tạo điều kiện cho sản phẩm gia cầm của Công ty TNHH Koyu & Unitek được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là mốc quan trọng cho ngành chăn nuôi gà của Việt Nam, bởi lần đầu tiên sản phẩm thịt gà đạt chuẩn được thị trường Nhật Bản chấp nhận.

Từ năm 1997 đến nay, Chi cục Thú y Vùng VI đã định hướng xây dựng kế hoạch nghiên cứu sản xuất vắc xin bệnh LMLM từ các chủng vi rút được thu thập từ thực địa để chủ động hướng đến sản xuất vắc xin phòng chống dịch bệnh trên gia súc, hạn chế lệ thuộc nhập khẩu vắc xin từ nước ngoài và tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi.

Kết quả đã thu thập lựa chọn được các virus týp O; týp A và týp Asia1 đạt tiêu chuẩn để sản xuất vacxin và xây dựng các qui trình công nghệ tại phòng thí nghiệm để đưa vào áp dụng sản xuất vacxin.

Hiện nay, vacxin LMLM mang thương hiệu Việt Nam đã được lưu hành góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước chi phí nhập khẩu vacxin ngoại và rất chủ động nguồn cung cấp để tiêm phòng bệnh cho gia súc tại Việt Nam. Đây cũng là thành tựu nổi bật của ngành vì lần đầu tiên sau nhiều năm nghiên cứu đã chế tạo thành công vacxin LMLM type O-type A...

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.