| Hotline: 0983.970.780

Sứ mệnh nhà giáo và hai lá thư được viết nhân ngày 20/11

Thứ Bảy 20/11/2021 , 08:03 (GMT+7)

Sứ mệnh nhà giáo đang đứng trước thử thách, đó là nội dung trong hai lá thư viết nhân ngày 20/11 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Chủ tịch Hội Nhà văn VN.

Nghề dạy học luôn được xã hội đề cao và hy vọng.

Nghề dạy học luôn được xã hội đề cao và hy vọng.

Sứ mệnh nhà giáo thường được ví như những người đưa đò vĩ đại, với bao lượt khách sang sông để đến bến bờ tri thức. Sứ mệnh nhà giáo được xã hội trân trọng bằng những lời nhắc nhở thanh cao “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hoặc “muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Sứ mệnh nhà giáo hôm nay đang đứng trước thử thách cam go, khi sự ham muốn vật chất và sự đua chen danh lợi khiến cộng đồng lắm phen sóng gió chênh chao. Sứ mệnh nhà giáo làm sao được gìn giữ và thúc đẩy giữa những cám dỗ ngọt ngào và man trá của tiền bạc và thị phi? Điều ấy, khiến những người trong và ngoài ngành giáo dục đều trăn trở và âu lo.

Nhân ngày 20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn đã viết một lá thư gửi đến các đồng nghiệp, như một sự động viên và chia sẻ:

“Nhà giáo là một nghề cao quý. Sự cao quý đó không phải tự nhiên mà có. Nó cao quý vì nó tạo dựng nên con người.

Tôn sư thường đi với trọng đạo, thầy được tôn quý vì là người có đạo đức và kiến thức, đem chúng truyền dạy cho học trò. Muốn dạy cho học trò thành người, giỏi nghiệp, nhà giáo phải học tập rèn luyện, phải hoàn thiện bản thân, phải mẫu mực, vì mẫu mực mà trở nên cao quý. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi muốn khẳng định và đề cao sự tôn quý của nghề nhà giáo và mong muốn tất cả nhà giáo chúng ta luôn giữ gìn sự tôn quý này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn.

Nhà giáo làm hết chức phận của mình, hoàn thành công việc khó của sự dạy học, đó đã là quý. Nhà giáo làm việc tốt, làm một cách xuất sắc, điều đó càng quý hơn, vì nhà giáo hoàn thành xuất sắc công việc thì sẽ tạo nên sự xuất sắc cho nhiều người, nhiều học sinh. Trong những hoàn cảnh khó khăn, éo le, nhiều thử thách, vẫn làm tốt, làm xuất sắc công việc, đó là điều ĐẶC BIỆT XUẤT SẮC và phải được ca ngợi.

Giai đoạn này, trong khó khăn thử thách của ngành giáo dục thời kỳ đổi mới, thời kỳ ứng phó và hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, các nhà giáo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Các thầy cô là những người cần được tôn vinh xứng đáng. Tôi xin gửi tới các nhà giáo cả nước lời ngợi ca, sự biểu dương, ghi nhận công lao và lời cảm ơn sâu sắc.

Mỗi lĩnh vực, sự thành công đem lại những giá trị khác nhau. Sự thành công của nhà giáo đem lại những giá trị đặc biệt tốt đẹp, vì nó tạo ra sự thành công cho tất cả mọi người, tạo ra sự thành công của quốc gia”.

Cũng nhân ngày 20/11, Chủ tịch Hội Nhà văn VN – Nguyễn Quang Thiều đã có lá thư gửi đến tư lệnh ngành giáo dục, để thể hiện sự hy vọng về quá trình cải tiến phương pháp dạy và học nhằm đưa giá trị con người Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên hội nhập toàn cầu. Lá thư nhấn mạnh:

“Trên báo chí, trên mạng xã hội những năm gần đây, xã hội không kìm được nỗi thất vọng về nền giáo dục chúng ta. Nhưng tôi phải nói rằng: niềm hy vọng về một nền giáo dục đức hạnh và trí tuệ không bao giờ rời bỏ chúng tôi. Khi thầy Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bước những bước khởi đầu đầy tư duy, ý chí và cả cảm xúc cho nền giáo dục thì niềm hy vọng ấy được thắp lên.

Và niềm hy vọng ấy càng lớn lên khi có biết bao thầy cô đã dày vò, đã cảm thấy tổn thương khi có những điều đau lòng xẩy ra trong ngành giáo dục bởi một vài đồng nghiệp của mình. Đảng và nhân dân đang trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng như tất cả chúng ta đã biết. Nhưng riêng với nghành giáo dục, có một thứ tham nhũng còn nguy hiểm hơn nhiều lần sự tham nhũng của cải vật chất. Đó là sự tham nhũng lòng tin.

Chủ tịch Hội Nhà văn VN - Nguyễn Quang Thiều.

Chủ tịch Hội Nhà văn VN - Nguyễn Quang Thiều.

Bởi từ xa xưa, thầy cô là những người được toàn xã hội kính trọng và tin tưởng. Mọi gia đình đã gửi những thế hệ tương lai của mình tới nhà trường với niềm tin bất diệt rằng: nhà trường sẽ giáo dục những đứa trẻ của họ thành những người có đức hạnh và trí tuệ. Nhưng không ít gia đình Việt Nam đang đặt câu hỏi: con cháu họ sẽ được dẫn đi bằng cách nào để tới tương lai của chúng? Và tương lai của những đứa trẻ chính là tương lai của dân tộc”.

Hai lá thư nhân ngày 20/11 của hai nhân vật được công chúng quan tâm, không phải là một sự đối thoại, nhưng cùng hướng đến một mục đích: Vun đắp sứ mệnh nhà giáo thật tốt đẹp, thật bền vững.

Xem thêm
'Vết nứt' trong tâm hồn con trẻ khi gia đình tan vỡ

Ngày cha mẹ thông báo quyết định ly hôn, trái tim tôi như bị xé toạc. Cha mẹ cố gắng an ủi rằng họ vẫn yêu thương tôi, điều này tốt nhất cho cả hai.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?