| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn của một nhà giáo đã nghỉ hưu

Thứ Hai 02/08/2021 , 09:31 (GMT+7)

Tôi rất buồn khi thấy sự sa sút rõ rệt ở từng lứa học sinh, và thậm chí là của cả những thầy cô trẻ...

Thưa chị Dạ Hương,

Tôi là một ông giáo đã hưu. Học trò của tôi, giờ là cô là thầy giáo (chúng thành đạt hơn, có người dạy đại học), vẫn nhớ về tôi ngày Nhà giáo, ngày lễ, ngày Tết. Ai có nói gì, thời mạt ra sao, tôi vẫn thấy cái nghề mà tôi theo đuổi hết một đời, vẫn rất cao quý.

Những ngày này, ở mọi nơi, càng đô thị lớn càng quay cuồng đối phó dịch bệnh, ở cái xó của mình, tôi viết cho chị, có thể, rảnh rỗi sinh nông nổi. Nhưng làm gì để kết nối với thế giới bên ngoài cái ấp, cái xã của mình, trong thời buổi Internet, Wifi có mặt khắp mọi nhà? Tôi nói chuyện cụ thể liên quan đến cái nghề mà tôi vẫn tôn vinh, liên quan đến biết bao người, trong đó có các cháu của tôi.

Tuổi thơ của tôi trường làng, thầy giáo già có tiếng Pháp và cả tiếng Anh. Nhưng khi ấy tôi chỉ được học tiếng Anh. Lên trung học, môn Văn là cô giáo, cô cho tôi tình yêu văn chương. Sau 15 tuổi, đất nước kết thúc chiến tranh, chế độ mới chương trình học  cũng có nội dung mới, nhưng những gì trong tôi có được không thay đổi. Đó là thói quen đọc, yêu văn học và phát âm không quên rằng mình sẽ đi nghề Sư phạm.

Thời sinh viên tôi học ở Cần Thơ, ra trường, về huyện nhà, nguyện vọng là dạy ở nơi tôi sẽ là thầy giáo già tiễn biết bao nhiêu người con của quê hương tỏa đi, những người sẽ như tôi, yêu sách, thích ngoại ngữ, mê văn chương và phát âm chuẩn. Ban đầu tôi dạy lớp 10, thầy trẻ mà, rồi lớp 11, đến năm 40 tuổi thì lớp cuối cho đến khi hưu.

Tôi rất buồn khi thấy sự sa sút rõ rệt ở từng lứa học sinh, chúng có thể nhanh nhạy với tin học điện tử nhưng những môn khác đều học vì điểm số thực dụng. Các thầy cô về chỗ tôi ngày mỗi trẻ nhưng không yêu nghề và yêu học trò như lớp tôi (càng khó so với số đã lão thành).

Đến giờ, khi tôi nghỉ, thì có thầy lớp 10 trẻ măng như tôi ngày xưa mà phát âm đớt đát, gọi là ngọng thản nhiên, chỉ đọc những gì trong giáo khoa để dạy thôi, thời gian trống thì tụ tập đám thầy trẻ với nhau nhậu, có chửi thề khi rượu vào, đưa đẩy với học sinh nữ những câu nói thẳng là mất dạy chị ạ.

Nỗi buồn trong tôi ngày một đầy. Chất lượng đào tạo riêng Sư phạm thôi ở các trường đại học trong khu vực không như ngày xưa chị ạ. Hay là khi Công nghệ thông tin lên ngôi thống lĩnh thì những môn nhân văn, xã hội lép vế, đẫn dến thảm họa, tôi dùng chữ thảm họa ấy chị cho môn nền tảng là Văn và Sử?

-------------------

Bạn thân mến!

Lá thư dài, rất tâm tư, rất hay, tôi phải cắt gọn để vừa với khuôn của một kỳ thư. Tôi hình dung một ông giáo (chưa già sụ, sinh 1960), khắc kỷ, sâu sắc nội tâm và như thế, như bao người, trăn trở nhiều vì chúng ta không dễ dãi với chữ Người viết hoa.

Bạn ạ, tôi cũng rất ngạc nhiên, lâu rồi, khi tiếp xúc với các giáo viên dạy cấp Ba, tôi thấy họ không đọc sách bao nhiêu. Cắm cúi vào phạm vi những tác phẩm được trích giảng trong sách giáo khoa (chắc chắn là phiến diện, chính trị hóa nhân thân và tác phẩm).

Và văn mẫu ở các lớp cấp thấp đã giết chết học sinh, sự kiểm soát tinh vi của ngành giáo dục, của ban Giám hiệu đã khiến các thầy cô ít kiến văn, ít yêu nghề sẽ quay cuồng đối phó. Và vấn nạn dạy thêm giết chết tư cách của họ mà họ không hay biết.

Một bà cô của tôi, người thầy tinh thần quan trọng nhất đời tôi, dù chỉ mới biết đọc, biết viết, sinh thời, khi xem tivi mà thấy quan chức, hay nhà báo, hay ai đó phát biểu không chuẩn phát âm, bà phán ngay “Đứa này học ở đại học CT!”.

Vậy đó, ghê chưa một bà già ít học, điểm huyệt ngay. Bởi vì nói thật, cả miền Tây chúng ta ai đớt (là ngọng) thì giống nhau ở phát âm, cái miệng cái lưỡi rất lười, hậu quả của thời trẻ con không được rèn, vào tiểu học không được rèn, cứ thế lên cấp hai và lên nữa. Thật xấu hổ, giờ, trên diễn đàn Quốc hội mà đại biểu ngọng và đớt không cá biệt nữa.

Không biết chuyện bắt đầu từ đâu. Tôi nhớ thời các con mình, thế hệ sinh vào thập kỷ 1970, tuổi cấp hai và cấp Ba của chúng nền giáo dục còn rất sáng, không học thêm mấy, thầy cô không ngọng đớt bao giờ. Vậy thì sự suy yếu (có thể dẫn đến suy đồi chất lượng con người) có lẽ từ khi đất nước chuyển mình kinh tế, Tiền, Tiền,Tiền ở mọi lĩnh vực. Bản lề là thập kỷ 1990 đến sau này.

Chúng ta làm sao được? Chỉ biết rào con cháu trong nền tảng đọc, học, rèn và tu dưỡng. Vậy thôi bạn ạ. Vẫn còn hình ảnh đẹp về một thầy giáo dạy Văn đang có những học trò dạy đại học, niềm an ủi ấy không nhỏ đâu bạn. Ta làm người, ta là Con người viết hoa, có khi, lương tâm ta biết, là đủ. 

Xem thêm
Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu

Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu là cách nhấn mạnh rằng gia đình chính là nguồn cội của mọi niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống.

'Vết nứt' trong tâm hồn con trẻ khi gia đình tan vỡ

Ngày cha mẹ thông báo quyết định ly hôn, trái tim tôi như bị xé toạc. Cha mẹ cố gắng an ủi rằng họ vẫn yêu thương tôi, điều này tốt nhất cho cả hai.