| Hotline: 0983.970.780

Sự thay đổi của trang trại nấm có sản phẩm đạt OCOP 4 sao

Thứ Ba 06/06/2023 , 06:00 (GMT+7)

Đây là một trong những số ít trang trại nấm ở Hà Nội khi có sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng và đạt OCOP 4 sao.

Anh Thuần thu hái nấm rơm. Ảnh: NNVN.

Anh Thuần thu hái nấm rơm. Ảnh: NNVN.

“Nấm sò của tôi đã đạt OCOP 4 sao năm 2020. Kể từ đó sản phẩm được nhiều người biết đến, đặt hàng hơn hẳn trước”. Anh Trần Văn Thuần chủ trang trại trồng nấm kết hợp với điện mặt trời áp mái ở thôn Thường Liễu, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội kể. Cùng với nấm sò, những sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP thời kỳ đầu của huyện Phú Xuyên có tò he xã Phượng Dực, rượu thôn Tân Độ xã Hồng Minh, măng tây của HTX Nông nghiệp cộng đồng Xuân Phú, xã Quang Lãng, màn xã Đại Thắng, chè lam xã Hoàng Long, bưởi thồ xã Bạch Hạ, bưởi Diễn xã Nam Phong, may mặc xã Vân Từ…

Với sự hướng dẫn, tư vấn nhiệt tình của cơ quan chuyên môn, các chủ thể OCOP đã hoàn thiện hồ sơ, có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có câu chuyện giới thiệu về sản phẩm của mình. Hầu hết sau khi được đánh giá, xếp hạng OCOP đều nâng cao được giá trị sản phẩm, thu hút thêm được những tệp khách hàng mới, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, đăng ký thương hiệu. Trường hợp trang trại nấm của anh Thuần là một ví dụ.

Anh chia sẻ, trước đây mình làm hàng mây tre đan xuất khẩu nhưng đến năm 2007 thì quyết định thuê hơn 4.000m2 quỹ đất công của địa phương để đầu tư trang trại nấm. Một khu vực đất rộng 360m2 cũng được anh tổ chức thành nhà xưởng sản xuất giá thể đóng bịch, thanh trùng rồi chuyển ra ngoài trang trại để cấy giống, nuôi tơ, chăm sóc và thu hái. Lúc đầu anh chỉ trồng mộc nhĩ bởi kỹ thuật dễ hơn các loại nấm khác, thứ nữa là tận dụng được nguồn mùn cưa của làng nghề mộc quê mình, cuối cùng là bán khô nên không bị áp lực như các hàng nấm tươi, phải bán trong ngày.

Về sau, anh nghiên cứu thị trường thấy nhu cầu nấm ăn lớn, giá cao, hiệu quả kinh tế khá nên chuyển sang sản xuất nấm linh chi và nấm sò rồi mở thêm mấy phòng trồng nấm rơm trong nhà kính kín, chủ động được nhiệt độ. “Tôi muốn phát triển thêm một hai sản phẩm nấm mới nữa để đảm bảo yêu cầu của khách hàng, họ yêu cầu nhiều chủng loại mà mình chỉ có một hai loại thì rất khó. Hơn thế nữa, tôi còn muốn tăng doanh thu cho trang trại và tạo thêm công ăn việc làm cho bà con”, anh tâm sự.

Nấm rơm là một sản phẩm mới của anh Thuần. Ảnh: NNVN.

Nấm rơm là một sản phẩm mới của anh Thuần. Ảnh: NNVN.

Do làm nấm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được xếp hạng OCOP 4 sao nên khâu tiêu thụ của trang trại khá thuận lợi. Một số khách hàng quen, ở gần thì đến tận nơi để lấy, còn một số thì anh chở đi giao cho đối tác ở huyện Thanh Trì, huyện Thường Tín, quận Hà Đông…Sản lượng nấm hàng ngày khoảng 70-80 kg nhưng có những ngày phải lứa đạt 1-2 tạ. Bán lẻ thì 40.000đ/kg, bán buôn 35.000đ/kg, tùy thời điểm.

Không chỉ phát triển nấm, cách đây 4 năm anh còn quyết định mua 125 tấm năng lượng mặt trời với tổng công suất 50 kW cùng hệ thống dây dẫn, thiết bị đấu nối để làm hệ thống điện mặt trời áp mái, vừa mát cho nấm bên dưới dễ phát triển, vừa có thêm thu nhập từ việc bán điện. Tính ra tổng lãi của việc bán nấm và bán điện của trang trại đạt khoảng hơn 400 triệu/năm. Anh ấp ủ định hướng trong năm 2024, trang trại sẽ phát triển nấm theo hướng hữu cơ để tiếp cận với các khách hàng yêu cầu cao hơn nữa về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh: NNVN.

Hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh: NNVN.

Huyện Phú Xuyên vừa qua đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 với 45 sản phẩm mới của 13 chủ thể và 9 sản phẩm của 2 chủ thể tham gia đánh giá lại. Các sản phẩm kết tinh văn hóa truyền thống của địa phương như may comple Vân Từ, tò he Xuân La, khảm trai Chuyên Mỹ, kẹo lạc Cổ Hoàng…đều được đánh giá cao. Trưởng phòng Kinh tế huyện, ông Lê Tiến Xuân cho biết các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP đã có bước tiến rõ rệt so với trước như nâng cao về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, minh bạch về tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ.

Ông Đinh Văn Quỳnh ở làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ tâm sự: “Trước đây, tôi chỉ biết sản xuất chứ không quan tâm đến thuyết minh cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường. Nhờ có OCOP mà tôi đã sản xuất bài bản hơn và mở rộng được đối tượng khách hàng”.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất