Hình mang tính minh họa. |
Sau các đại án được xét xử trước đó, không ít người lo ngại lò lửa diệt trừ quan chức tha hóa sẽ hạ nhiệt. Thế nhưng, sự thật đã chứng minh hoàn toàn ngược lại, đúng như khẳng định của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Có vùng cấm, có ngoại lệ không, có chùng xuống không? Rõ ràng không có căn cứ cho rằng chúng ta đang dừng lại hay chùng xuống. Thậm chí cách làm quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản, ngày càng cho ta thêm kinh nghiệm”.
Trong nguy cơ tự diễn biến và tự chuyển hóa của đội ngũ cán bộ, thì biểu hiện tham nhũng là vấn đề nóng bỏng và cam go. Tham nhũng được xác định là một thứ giặc nội xâm, không chỉ ăn tàn phá hại nền kinh tế đất nước mà còn bào mòn hủy hoại lương tri cộng đồng.
Lịch sử đã cho thấy, triều đại nào để tham nhũng tràn lan thì nỗi lầm than và nỗi thống khổ của từng số phận sẽ làm lung lay mọi nền tảng từng phải tốn bao nhiêu mồ hôi và công sức kiến thiết và dựng xây.
Đặc biệt, nếu bỏ qua những dấu hiệu tham nhũng vặt thì sớm muộn cũng hình thành lợi ích nhóm gây ra những tai ương khủng khiếp. Bởi lẽ, ý thức chống tham nhũng phải được bắt đầu từ những nhân tố nhỏ nhất, những quan hệ nhỏ nhất.
Chúng ta có thể khuếch trương khẩu hiệu “nói không với tham nhũng” ở mọi nơi chăng? Có thể chứ, nếu chúng ta xác lập một hệ thống dịch vụ hành chính công một cách minh bạch. Dịch vụ hành chính công phục vụ cho từng người dân. Và người dân chấp nhận chi phí đàng hoàng.
Tuy nhiên, ngoài chi phí niêm yết công khai, thì giám sát các loại chi phí bôi trơn được không? Khi mỗi cán bộ nhen nhóm âm mưu đê hèn “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”, thì người dân sẽ phải trả thêm chi phí “giao dịch” đầy miễn cưỡng và đầy bức xúc.
Không thể phân bua hay né tránh, mà phải thừa nhận rằng: thái độ dửng dưng, thái độ lạnh nhạt, thái độ lười nhác của mỗi cán bộ ở lĩnh vực hành chính công cũng chính là một kiểu lạm quyền cầu lợi. Người dân phải dấm dúi phong bì để cán bộ làm đúng chức trách được giao phó, thì bẽ bàng lắm thay, thì chua chát lắm thay!
Dùng cái khuất tất nọ để đối diện với cái khuất tất kia, thì chuỗi khuất tất vẫn dây dưa, vẫn hoành hành, vẫn tráo trở. Cần thẳng thắn nói với nhau, khi mầm mống được gieo rắc từ cơ sở, thì tham nhũng sẽ nảy nở, sẽ biến tướng, sẽ leo thang.
Tội danh đưa hối lộ và nhận hối lộ được quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015, nêu rõ đối tượng sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên. Và khi soạn thảo luật, chẳng mấy chuyên gia tư pháp hình dung được khoản tiền hối lộ khổng lồ trong đại án MobiFone - AVG.
Riêng cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông - Nguyễn Bắc Son thừa nhận đã trực tiếp cầm vali chứa 3 triệu USD do Phạm Nhật Vũ hối lộ. 3 triệu USD tương đương 66 tỷ đồng, bằng bao nhiêu năm lương bổng của một Bộ trưởng? Câu hỏi ấy không cần trả lời nữa, vì điều thú vị hơn nằm ở cách khắc phục hậu quả. Sau khi nghe đại diện cơ quan giữ quyền công tố có đề nghị hình phạt tử hình, lập tức bị cáo Nguyễn Bắc Son kêu gọi thân nhân gom đủ 66 tỷ đồng để nộp lại.
Kết quả, tòa án tuyên bị cáo Nguyễn Bắc Son hình phạt tù chung thân. Nếu không đối mặt với mức án tử hình, bị cáo Nguyễn Bắc Son có hối hả hoàn trả khoản tiền đã nhận hối lộ không? Ai cũng thấy, đó là thu hoạch từ sự uy nghiêm của pháp luật hơn là sự trỗi dậy của đạo đức. Từ trường hợp bị cáo Nguyễn Bắc Son có thể nhìn về tương lai, nếu muốn thấy sự trỗi dậy của đạo đức thì nhất định phải củng cố sự uy nghiêm của pháp luật!
Cuộc chiến chống tham nhũng không phải câu chuyện riêng của ngành nào, của giới nào, của cấp nào. Cuộc chiến chống tham nhũng là sự nghiệp của cả dân tộc khao khát vươn mình hội nhập vào thời đại văn minh. Thế nhưng, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Lãnh đạo trong sạch thì nhân viên cũng trong sạch, lãnh đạo tử tế thì nhân viên cũng tử tế. Giá trị của hành vi gương mẫu luôn phát huy tích cực tronng quá trình đẩy lùi tiêu cực.
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thuyết phục được người dân về việc nung nấu ý chí chống tham nhũng, bằng lý lẽ đầy đủ: “Nếu như chưa có được thống nhất cao ta theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số. Cách làm phải theo tập thể, không cá nhân nào được lèo lái.
Anh không làm không được, lảng tránh cũng không được, kể cả cơ quan có quyền lực muốn lảng tránh cũng không lảng tránh được vì cơ chế buộc anh phải thế. Việc này phải thành nếp, không làm không được. Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào. Ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo và xin thôi đi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần xuống bên dưới như thế!”
Tham nhũng không tự nhiên hình thành, và tham nhũng cũng không tự nhiên mất đi. Từ “tham” đến “nhũng” là một chặng đường dài, mà những ai có quyền lực không tự rèn luyện, tự nhắc nhở, tự tu chỉnh mỗi ngày sẽ dễ dàng sa ngã đau đớn. Để ngăn chặn nguy cơ quan chức tận dụng vị trí đang có để “hối cú chót”, nên áp dụng tiêu lệnh của ngành hàng không vào lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh: “Đề nghị quý khách trở về chỗ ngồi, thắt dây an toàn, dựng thẳng lưng ghế, xếp bàn ăn trước mặt, mở tấm che cửa sổ và hạn chế sử dụng nhà vệ sinh…".