Thứ trưởng Vũ Văn Tám thị sát việc sửa chữa tàu vỏ thép 67 hư hỏng tại Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan (Hoài Nhơn) |
Đoàn công tác tập trung giải quyết vướng mắc của 5 con tàu có vỏ thép bị gỉ sét nghiêm trọng do vật liệu thép kém chất lượng do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng đang “giằng co” giữa 2 phương án thay mới hay “vá” vỏ thép!
Quy trình sửa chữa tàu của Cty Nam Triệu
Vừa xuống sân bay Phù Cát, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT ra ngay xưởng đóng tàu Tam Quan nằm trên địa bàn huyện Hoài Nhơn (Bình Định), nơi những tàu vỏ thép 67 hư hỏng đang lên đà sửa chữa. Hiện, tại xưởng đóng tàu Tam Quan, có 5 chiếc tàu do Cty TNHH Đại Nguyên Dương (viết tắt là Cty Đại Nguyên Dương) đóng và 7 tàu do Cty TNHH MTV Nam Triệu (viết tắt là Cty Nam Triệu) đóng, đang được các đơn vị đóng tàu tiến hành các công đoạn sửa chữa. Thứ trưởng Vũ Văn Tám đi kiểm tra từng con tàu, gặp gỡ và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng các ngư dân là chủ những con tàu vỏ thép 67 đang nằm trên đà.
Ngư dân Lê Ngô Hát ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), người có tàu đang được Cty Nam triệu sửa chữa, bày tỏ: “Sự cố xảy ra đối với con tàu của tui là ngoài ý muốn, nhưng trong thời gian vừa qua được Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh và ngành chức năng tỉnh Bình Định quan tâm sâu sát, kịp thời chỉ đạo giải quyết sự cố tàu vỏ thép hư hỏng, ngư dân mừng lắm. Riêng con tàu của tui được Cty Nam Triệu tích cực sửa chữa bảo hành, hy vọng sẽ được sớm ra khơi”.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám leo lên tàu để kiểm tra cụ thể việc sửa chữa |
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Cty Nam Triệu, báo cáo với Thứ trưởng Vũ Văn Tám về kỹ thuật sửa chữa tàu của đơn vị mình đang thực hiện: Vì những chiếc tàu vỏ thép hư hỏng đang được sửa chữa đã đi được một số chuyến biển, nên sau khi lên đà, Cty Nam Triệu phải dùng máy áp lực rửa nước ngọt cho sạch vỏ tàu, rồi tiếp tục phun cát, sau đó dùng khí thổi sạch bề mặt xong mới tiến hành sơn. Quy trình sơn tàu được tuân thủ nghiêm cẩn theo hướng dẫn hãng sơn của Mỹ. Hãng sơn cung cấp trang thiết bị đo độ ẩm, kiểm tra độ sạch của bề mặt vỏ tàu, đồng thời cử kỹ thuật trực tiếp giám sát quy trình sơn lại tàu. Sau đó đơn vị sửa chữa tàu mời đơn vị đăng kiểm nghiệm thu, kiểm tra, sau khi được các bên thống nhất mới tiến hành sơn.
“Chúng tôi sẽ sơn 5 lớp, trong đó 3 nước sơn chống hà, 1 lớp sơn lót và ngoài cùng là lớp sơn màu. Hãng sơn đặc biệt quan tâm về độ ẩm không khí lúc sơn để đảm bảo độ bền. Trong đợt 1, Cty Nam Triệu đưa lên đà 7 tàu, trong đó có 6 tàu thay máy 811 và thay hộp số, 1 tàu của ông Lê Ngô Hát bị mắc cạn, con tàu này Cty phối hợp với bên bảo hiểm bảo hành, hỗ trợ việc sửa chữa. Đợt 2 sẽ có 5 tàu khác thay máy 940 và hộp số”, ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, mỗi con tàu hiện đang được Cty Nam Triệu bố trí 10 kỹ thuật phụ trách sửa chữa, mỗi tàu phải mất thời gian 10 ngày mới được hoàn thiện và ngư dân có thể vươn khơi.
Họp nóng với Cty Đại Nguyên Dương
15 giờ chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo tại cuộc họp |
Tại cuộc họp, Sở NN-PTNT đã báo cáo với Thứ trưởng Vũ Văn Tám tình hình khắc phục sự cố tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 bị hư hỏng trong thời gian qua; đồng thời báo cáo phương án sửa chữa tàu của 2 đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương và Cty TNHH MTV Nam Triệu. Sở NN-PTNT Bình Định đặc biệt bày tỏ quan ngại về việc giải quyết sửa chữa, thay thế thép vỏ tàu của Cty TNHH Đại Nguyên Dương chưa đi đến thống nhất.
“Trong phương án sửa chữa, thay thế vỏ thép con tàu, về mặt chuyên môn, ngành nông nghiệp Bình Định đề nghị Bộ NN-PTNT cho ý kiến đối với 2 phương án: Thay thế tấm thép không đạt thép thường cấp A hoặc thay thế toàn bộ thép vỏ tàu bằng thép Hàn Quốc cấp A theo hợp đồng; hoặc cho sửa chữa và sơn lại toàn bộ vỏ tàu theo đúng quy trình, đồng thời tính toán lại giá trị thực tế của tàu để làm cơ sở cho việc giải quyết phần chênh lệch", ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, kiến nghị.
Cuộc họp nóng lên khi ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, lại nêu ý kiến không đồng ý cả 2 phương án mà Sở NN-PTNT đề nghị. Bởi, theo ông Châu, làm theo phương án 1 thì biết tấm thép nào không đạt mà tháo ra, vả lại làm kiểu này biết bao giờ mới tìm ra hết những tấm thép kém chất lượng để thay, như vậy biết đến bao giờ việc sửa chữa mới hoàn tất. Còn phương án thứ 2 là sửa chữa, sơn lại toàn bộ vỏ tàu để “lấp” gỉ sét rồi tính chênh lệch thì con tàu vẫn mang trên mình những tấm thép kém chất lượng. “Tôi nhận thấy trong thời gian vừa qua Cty Đại Nguyên Dương không cầu thị trong việc sửa chữa tàu cho ngư dân, trong khi nguyên nhân dẫn tới vỏ thép của tàu bị gỉ sét là do đơn vị đóng tàu này đánh tráo vật liệu thép từ Hàn Quốc/Nhật Bản sang thép Trung Quốc. Tôi đề nghị công an tỉnh vào cuộc làm rõ để đòi quyền lợi cho ngư dân”, ông Châu kiên quyết.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao sự phối hợp giữa Tổng cục Thủy sản, cơ quan đăng kiểm TW với UBND tỉnh Bình Định cùng ngành chức năng trong việc sửa chữa tàu vỏ thép 67 hư hỏng trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị Cty Đại Nguyên Dương phải phối hợp chặt chẽ hơn với UBND tỉnh Bình Định và ngư dân trong việc sửa chữa tàu. Đối với 4 chiếc tàu do Cty Đại Nguyên Dương đóng không đảm bảo chất lượng vỏ thép mà Sở NN-PTNT đề nghị Bộ NN-PTNT cho ý kiến về 2 phương án sửa chữa, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, UBND tỉnh Bình Định nên căn cứ vào thực tiễn để đưa ra quyết định cuối cùng. |