| Hotline: 0983.970.780

“Sữa ngoại tăng giá là thậm vô lý”

Thứ Sáu 10/09/2010 , 09:41 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN chiều qua (9/9), Phó Chủ nhiệm UB KHCN-MT của Quốc hội, ông Nguyễn Đăng Vang, cho rằng, giá sữa ngoại tăng là hết sức vô lý, không thể kiểm soát.

Ông Nguyễn Đăng Vang - Phó Chủ nhiệm UB KHCN-MT của Quốc hội

Từ 1/9 đến hôm nay (10/9), nhiều sản phẩm sữa nhập ngoại đã tăng giá để “lách” Thông tư số 112 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/10 tới đây. Tuy nhiên, trao đổi với NNVN chiều qua (9/9), Phó Chủ nhiệm UB KHCN-MT của Quốc hội, ông Nguyễn Đăng Vang, cho rằng, giá sữa ngoại tăng là hết sức vô lý, không thể kiểm soát.

Tâm lý “sính ngoại”

Thưa ông, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng một số mặt hàng sữa ngoại tăng giá 10% là do các DN NK và kinh doanh đang “lách” Thông tư 112. Theo ông đó có phải là lý do?

Trước tiên cần khẳng định rằng, sữa có vai trò lớn trong việc đảm bảo và nâng cao sức khỏe con người. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, thì việc sử dụng ngày càng nhiều sữa là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, năng lực sản xuất nguyên liệu sữa trong nước hiện chỉ đủ đáp ứng 30% nhu cầu nội địa, còn lại là phải NK. Chính từ nguyên nhân này, việc một số sản phẩm sữa bắt đầu tăng giá 10% từ 1/9, theo tôi, có thể là do các DN sản xuất và chế biến sữa bắt đầu ý thức được Thông tư 112 có hiệu lực sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến hiệu quả kinh doanh, do đó, họ nâng giá lên với các lý do là tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí cho thay đổi mẫu mã sản phẩm… Ngoài ra, trong các sản phẩm tăng giá, chủ yếu lại rơi vào một số thương hiệu sữa ngoại nổi tiếng. Người tiêu dùng thì mập mờ về thông tin nên việc tăng giá của các DN không gặp trở ngại lớn.

Nói như ông thì vì lý do người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý “sính ngoại” nên các hãng sữa mới có điều kiện tăng giá một cách vô tội vạ như thách thức người tiêu dùng?

Tôi nghĩ các hãng sữa không thách thức người tiêu dùng. Sở dĩ, các DN chiếm lĩnh thị trường vì không có ai cạnh tranh, hầu hết người tiêu dùng đổ xô đi mua hàng của họ.

Thực tế, có những hãng sữa ở Việt Nam đã có mấy chục năm kinh nghiệm, chính họ hỗ trợ cho ngành bò sữa trong nước phát triển. Họ có công nghệ tiên tiến cho nên chất lượng sữa không kém nhập ngoại. Nhưng khi sản phẩm sữa đó mang một cái tên mộc mạc Việt Nam thì có giá là 130.000 đồng/900g. Cũng với sản phẩm này, thành phần tương tự, được đóng gói bao bì đẹp hơn, mang một cái tên Tây thì giá sữa là 320.000 đồng/900g.

Như vậy, có thể tính được cơ cấu giá thành đầu vào của mỗi sản phẩm sữa, thưa ông?

Không thể tính được vì nó biến động theo thời điểm. Vả lại, đó cũng là bí mật trong kinh doanh của DN, được bảo hộ bởi Luật DN, nên rất khó.

Có “nắm tay nhau” nâng giá?

Một số ý kiến cho rằng, chính những thông tin trong quảng cáo về công hiệu của sữa ngoại đã hấp dẫn và tác động đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Ông nghĩ sao?

Hầu hết các quảng cáo sữa hiện nay đều khẳng định cho trẻ em ăn sữa có DHA, nhiều khoáng chất khác… tạo cho người mua hy vọng là bỏ chút tiền ra thì có lợi cho tương lai. Điều này giống như giáo dục vậy, trả tiền cho con đi học bây giờ mong trong tương lai các em có nghề nghiệp, thu nhập cao.

Điều đầu tiên nói đến quyền lợi người tiêu dùng với một mặt hàng nào đó không phải là giá mà là chất lượng. Người tiêu dùng bao giờ cũng thích sữa tươi. Vì thế, tất cả các hãng đều quảng cáo là 100% sữa tươi, chứ không quảng cáo là sữa bột. Nhưng thực tế, trong nước chỉ đáp ứng được 28% sữa tươi, còn 72% là NK. Vậy không thể có hoàn toàn là sữa tươi nếu trong nước không sản xuất. Sữa tươi sau khi vắt ra phải bảo quản ở nhiệt độ từ 3-4 độ C và trong vòng 2 ngày phải chế biến. Nếu vận chuyển trên biển mất 1 tuần, còn chở bằng máy bay thì mỗi kg sữa tươi có giá khoảng 5 USD (khoảng gần 80.000 đồng/lít). Trong khi đó, mỗi lít sữa tươi ở Việt Nam được bán với giá 7.000 đồng. Về nguyên lý thì ở Việt Nam không có sữa tươi NK.

Như vậy, rõ ràng là các DN NK và chế biến sữa ngoại đang “làm xiếc” giá sản phẩm của họ. Điều này có phải do các DN này “bắt tay nhau” nâng giá, thưa ông?

Chuyện “bắt tay nhau” thì chúng ta chưa khẳng định được. Chỉ biết rằng, trong ngành sữa, chưa có đơn vị nào thống lĩnh, độc quyền thị trường. Tôi được biết, nếu tính tổng doanh số toàn bộ các sản phẩm, thì Vinamilk hiện chiếm thị phần lớn nhất với khoảng 30%. Còn nếu tính từng sản phẩm đơn lẻ, không có nhãn hàng nào chiếm quá 20% thị phần. Như vậy không thể đổ lỗi cho sự độc quyền để làm giá.

Còn nếu giả sử có chuyện “đi đêm” của các DN NK sữa ngoại với nhau, thì phải do Bộ Công thương, Tài chính điều tra, làm rõ và có trách nhiệm với việc này.

Cả nghìn thông tư kiểu “cơ học” cũng bó tay

Thưa ông, trong khi giá nguyên liệu ổn định và đang có xu hướng giảm, giá sữa ngoại trong nước lại tăng. Như vậy phải chăng cơ chế quản lý của ta đang “có vấn đề”?

Các mặt hàng sữa bột NK cho trẻ em dưới 6 tuổi phải đăng ký kê khai với cơ quan quản lý về giá. DN phải thực hiện việc đăng ký giá sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Việc đăng ký giá bán được thực hiện trước khi các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh bán mặt hàng này ra thị trường lần đầu và trước mỗi đợt điều chỉnh giá bán.

(Trích nội dung thông tư 112)

Đúng là có vấn đề thật. Trong khi chúng ta giảm thuế NK sữa xuống thấp hơn cả cam kết khi gia nhập WTO, thì lợi ích của việc giảm thuế này người tiêu dùng không được hưởng, mà rơi vào túi nhà NK, bởi giá sữa chỉ tăng lên chứ có hạ xuống đâu. Tôi cho rằng, không chỉ Thông tư 112 của Bộ Tài chính sắp có hiệu lực, mà kể cả các thông tư trước, hoặc ra thêm hàng nghìn cái thông tư kiểu thế này, cũng không bình ổn được giá sữa ngoại, vì nó mang tính áp đặt. Quy luật của kinh tế thị trường là thuận mua vừa bán, mà anh lại đi áp giá trần, giá sàn… là trái.

Hơn nữa, việc bắt DN kê khai cơ cấu giá thành sản phẩm là sai với Luật DN, vì Luật này bảo hộ cho DN được quyền giữ kín bí mật kinh doanh.

Theo ông, để bình ổn giá sữa theo đúng giá thị trường thì chúng ta phải làm gì?

Đương nhiên phải có sự can thiệp của Nhà nước, nhưng can thiệp thế nào mới là quan trọng. Theo tôi, Nhà nước cần đầu tư vào nghiên cứu thị trường về cơ cấu giá thành, thông số dinh dưỡng… của nhà sản xuất, sau đó thông tin cho người tiêu dùng nắm được. Đây là một bước cực kỳ quan trọng để đảm bảo bình ổn giá sữa. Chúng ta đều biết, cách đây không lâu, Bộ Công thương cùng UBND TP. HCM và một số bộ ngành có cuộc nghiên cứu về giá sữa, trong đó nêu ra kết luận các hãng chi quá nhiều cho quảng cáo, làm người tiêu dùng ngộ nhận… Tuy nhiên, những việc thế này cần được làm thường xuyên mới có tác dụng. Chứ làm kiểu đánh trống bỏ dùi, thì rồi chả đi đến đâu.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.