| Hotline: 0983.970.780

Sức bật nông nghiệp Long An từ công nghệ cao

Thứ Năm 14/07/2022 , 09:15 (GMT+7)

Với Đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Long An đã ưu tiên nguồn lực triển khai hàng loạt mô điểm, qua đó làm hạt nhân lan tỏa nông nghiệp hiện đại.

Hàng loạt mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao

Long An có nhiều sản phẩm đặc sản như gạo Tài nguyên, gạo Nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, dứa Bến Lức, đậu phộng Đức Hòa, mía Thủ Thừa, thanh long Châu Thành, rau Cần Giuộc... Đặc biệt, lúa gạo chất lượng cao là sản phẩm nông nghiệp chủ lực phục vụ xuất khẩu nhiều năm qua.

Hiện Long An đã củng cố lại gần 1.830ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiện Long An đã củng cố lại gần 1.830ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, qua thời gian, triển khai Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (gọi tắt là Đề án), nông dân, HTX, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng KH-KT, công nghệ cao (CNC) vào sản xuất. 

6 tháng đầu năm 2022, Long An tiếp tục mở rộng quy mô, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đến nay, tỉnh đã củng cố lại diện tích rau CNC với gần 1.830ha, đạt 103% kế hoạch năm 2022 và đạt hơn 90% rau ứng dụng CNC giai đoạn 2021 - 2025, tập trung nhiều ở Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa. Trong đó, xây dựng mô hình điểm, mô hình nhân rộng ứng dụng CNC, duy trì các mô hình giai đoạn 2016 - 2020 để đạt chứng nhận VietGAP giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, xây dựng  2 mô hình điểm tại HTX Rau an toàn Việt (Cần Đước) và HTX Nông nghiệp CNC Phước Tiến (Cần Giuộc) với tổng diện tích 2ha và 3 mô hình nhân rộng tại HTX Rau an toàn Mười Hai (Cần Đước), HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp CNC Phước Điền (Cần Giuộc), HTX Lợi Bình Nhơn (Tân An).

Đối với cây lúa, tỉnh xây dựng vùng lúa ứng dụng CNC đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2022, diện tích lúa ứng dụng CNC vùng Đề án là 29.342ha, kế hoạch đến năm 2025 là 60.000ha, đạt 48,9% so với giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có 4 mô hình HTX chuyển tiếp từ năm 2021 và 3 mô hình HTX năm 2022. Với các mô hình này, nông dân thuộc các HTX đăng ký tham gia được hỗ trợ giống, thuê thiết bị bay để gieo sạ, phun thuốc.

Đến nay, Long An đã củng cố, đạt 4.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao (so với 6.000ha theo kế hoạch đến năm 2025). Ảnh: Thanh Sơn.

Đến nay, Long An đã củng cố, đạt 4.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao (so với 6.000ha theo kế hoạch đến năm 2025). Ảnh: Thanh Sơn.

Ngoài ra, vụ hè thu 2022, tỉnh cũng xây dựng 6 mô hình điểm ứng dụng CNC gồm: HTX Nông nghiệp Hưng Thành (huyện Tân Hưng) quy mô thực hiện 150ha/22 hộ; HTX Nông nghiệp Tuyên Bình Tây (huyện Vĩnh Hưng), quy mô thực hiện 400ha/49 hộ; HTX Dịch vụ - Sản xuất và Thương mại Hương Trang (huyện Mộc Hóa), quy mô 400ha; HTX Nông nghiệp Phát Lộc (huyện Tân Thạnh), quy mô thực hiện 150ha/17 hộ; HTX Nông nghiệp Long Thuận - Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa), quy mô 100ha/20 hộ, ; HTX DV Sản xuất - Thương mại Nông nghiệp 4.0 (huyện Thạnh Hóa), quy mô thực hiện 100ha/14 hộ. Các mô hình đa số sử dụng giống lúa OM 18 và một số giống như OM 5451, Nếp IR4625, lúa hiện đang giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng - trỗ, phát triển tốt.

Đối với cây thanh long, Long An tiếp tục củng cố vùng thanh long CNC giai đoạn 2016 - 2020, lũy kế thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 hơn 4.000ha, kế hoạch đến năm 2025 là 6.000ha, đạt gần 67% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, tổ chức triển khai thực hiện 3 mô hình điểm tại các xã Vĩnh Công (huyện Châu Thành), xã Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ) và xã Bình Tâm (Thành phố Tân An). Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý và kiểm soát đối với chỉ dẫn địa lý “Châu Thành Long An” cho quả thanh long của tỉnh Long An.

Hiện nay, diện tích chanh ứng dụng CNC vùng Đề án là 140ha, đạt 24% kế hoạch năm 2022. Lũy kế đến nay, diện tích chanh ứng dụng CNC là hơn 345ha, kế hoạch đến năm 2025 là 3.000ha, đạt 11% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Long An đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Thanh Sơn.

Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Long An đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Thanh Sơn.

Với thủy sản, diện tích tôm ứng dụng CNC là 10ha, kế hoạch đến năm 2025 là 100ha, đạt 10% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Đối với bò thịt, phối hợp với địa phương triển khai xây dựng 3 mô hình điểm; phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ lựa chọn 20 hộ tham gia chuyển đổi 79/100 con bò cái giống (giống lai Angus, Charolais, Droughmaster, Lai Sind, Lai bò sữa F2…).

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, các sở, ngành, địa phương đã chủ động phối hợp triển khai các mô hình điểm, mô hình nhân rộng trên địa bàn và phân bổ kinh phí đầu tư các hạng mục công trình; hỗ trợ sản xuất, kết nối, liên kết tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh Long An phát triển bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, hiệu quả cao.

Các HTX điểm, điển hình cũng đã phát huy tốt vai trò cầu nối liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho thành viên, doanh thu cho HTX, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhiều HTX tham gia tích cực vào quá trình thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...

Số hóa sản xuất, tiêu thụ nông sản

Ngoài khuyến khích xây dựng các mô hình ứng dụng CNC, các địa phương cũng vận động nông dân áp dụng công nghệ từng phần như tưới tiết kiệm, sử dụng giống mới có năng suất chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giúp người dân tiếp cận và hiểu được lợi ích của CNC vào sản xuất.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã đóng vai trò nòng cốt, lan tỏa mạnh ra nhiều địa phương ở Long An. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã đóng vai trò nòng cốt, lan tỏa mạnh ra nhiều địa phương ở Long An. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Long An cũng chú trọng ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu; các chuỗi sản xuất nông sản an toàn; quản lý các chỉ dẫn địa lý; áp dụng thiết bị bay không người lái; ứng dụng công nghệ số để thực hiện quan trắc tự động, theo dõi giám sát tự động mực nước, độ mặn; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất chăn nuôi... bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch.

Để giúp nông dân ổn định đầu ra, tìm kiếm thêm thị trường, thời gian qua, ngành nông nghiệp Long An đã tập trung các giải pháp phối hợp với địa phương xây dựng, tổng hợp những nông hộ, HTX có nhu cầu tiêu thụ nông sản, những sản phẩm chủ lực... để đưa lên sàn giao dịch điện tử.

Cụ thể, đã cập nhật thông tin 24 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tỉnh, 31 sản phẩm OCOP tỉnh Long An; cập nhật danh sách 867 cơ sở được cấp giấy đủ điều kiện ATTP để đưa vào vận hành sàn giao dịch điện tử nông sản an toàn của tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn tạo lập dữ liệu vùng trồng thanh long để đưa lên bản đồ số phục vụ cho tra cứu thông tin tại xã Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành) và đưa vào vận hành hệ thống kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Long An.

Long An đang quản lý chặt chẽ chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu quả thanh long của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Long An đang quản lý chặt chẽ chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu quả thanh long của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Về những khó khăn khi triển khai Đề án trong bối cảnh hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh Long An đánh giá hiện nay, giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, trong khi tình hình tiêu thụ nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn, sức mua thị trường nội địa giảm, thị trường xuất khẩu bị hạn chế... Mặt khác, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, trong khi khả năng của người dân còn hạn chế. Đặc biệt, trên cây thanh long, do tình hình tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ trồng thanh long phá bỏ, không tái đầu tư vốn để sản xuất hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác nên việc vận động tham gia các mô hình gặp nhiều hạn chế.

Xem thêm
Tái đàn heo theo hướng tập trung và an toàn sinh học

ĐỒNG THÁP Huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tập trung phát triển ngành nuôi heo tập trung quy mô trang trại lớn, hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Tiết kiệm nước, dùng giống ngắn ngày đảm bảo thắng lợi vụ hè thu

QUẢNG TRỊ Theo lịch thời vụ, nông dân Quảng Trị tập trung gieo cấy vụ hè thu từ ngày 15 - 30/5, sử dụng giống ngắn ngày, chất lượng cao để đảm bảo thu hoạch trước 30/8.