| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn Long An ngày càng mới

Thứ Tư 22/12/2021 , 08:35 (GMT+7)

Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nông thôn tỉnh Long An một cách vượt bậc.

Nhiều xã, huyện đã đạt chuẩn

Toàn tỉnh Long An hiện có 106 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 65,8% tổng số 161 xã, phường trên toàn tỉnh. Đến nay đã có 8 xã đạt tiêu chuẩn NTM nâng cao. Huyện Châu Thành và TP Tân An đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thị xã Kiến Tường và huyện Tân Trụ đã trình hồ sơ để công nhận hoàn thành Chương trình mục tiêu về xây dựng NTM.

Qua 10 năm xây dựng NTM đã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nông thôn tỉnh Long An một cách vượt bậc. Ảnh: Nguyễn Duy.

Qua 10 năm xây dựng NTM đã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nông thôn tỉnh Long An một cách vượt bậc. Ảnh: Nguyễn Duy.

Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi Long An cho biết: Long An đã xác định 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Vùng sản xuất lúa tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười; sản xuất thanh long tại huyện Châu Thành; rau màu tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, TP Tân An; chăn nuôi bò thịt tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ.

Trên cơ sở này, các ngành, các cấp đã hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều giải pháp trong việc sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tăng cường xúc tiến thương mại, giám sát chuỗi sản phẩm an toàn, tạo thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng nông sản. Kết quả qua 10 năm xây dựng NTM đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh từ mức 15,6 triệu đồng/người vào năm 2010 lên mức trên 60 triệu đồng/người trong năm 2021.

Ông La Văn Dân, Phó Chủ tịch TX Kiến Tường chia sẻ: Qua 10 năm xây dựng NTM, với quyết tâm cao, nỗ lực cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đến nay TX Kiến Tường đã có 5/5 xã (đạt 100%) trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện tại, TX Kiến Tường đã hoàn thành các tiêu chí và đang đề nghị công nhận. Tiếp tục củng cố, nâng chất các tiêu chí nông thôn đã đạt. Tập trung các nguồn lực đầu tư nâng chất các tiêu chí để xã Bình Hiệp đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Thạnh Trị đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Trụ cho biết: Khi bắt tay xây dựng NTM, các tuyến đường đã được quan tâm đầu tư nhưng do tình hình phát triển kinh tế - xã hội, mật độ phương tiện đi lại ngày càng đông nên chưa đáp ứng nhu cầu việc lưu thông của người và phương tiện tham gia giao thông, sự phát triển kinh tế xã hội của huyện. Thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” các tuyến đường trục xã, trục thôn xóm, ngõ xóm, trục chính nội đồng được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Đến nay, toàn huyện Tân Trụ có 345 tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, chiều dài 198.5 km. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, huyện Tân Trụ đã huy động được hơn 680 tỷ đồng từ các nguồn lực để xây dựng NTM. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp chương trình là hơn 82 tỷ đồng; Ngân sách Trung ương hỗ trợ hơ 51,3 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh trên 30,6; vốn lồng ghép thực hiện Chương trình từ ngân sách tỉnh, huyện, xã trên 382,3 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 38,2 tỷ đồng; Doanh nghiệp nghiệp đóng góp 38,352 tỷ đồng. Đặc biệt, nhân dân đóng góp trên 139, tỷ đồng. Hiện nay, Tân Trụ đã hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng NTM.

Bài học kinh nghiệm sau 10 năm

Nói về bài học kinh nghiệm của Long An trong xây dựng NTM, ông Võ Kim Thuần nhận xét: Trước hết Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Long An đã có cách làm sáng tạo, sâu sát tại cơ sở để nắm bắt tình hình, có biện pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của từng địa phương.

Trong xây dựng NTM vai trò đội ngũ cán bộ rất quan trọng, do vậy cần tăng cường xây dựng, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực để tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Có quy chế phân công, phân cấp rõ ràng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hàng tháng để kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân luôn được xem là giải pháp hàng đầu để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM là người dân hưởng thụ, Nhà nước có vai trò hỗ trợ. Lợi ích là động lực để người dân tham gia xây dựng NTM. Từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, huy động cao mọi nguồn lực của xã hội cả về trí tuệ, công sức và kinh phí để xây dựng NTM.

Quá trình xây dựng NTM cũng như hướng đến nâng cao cần phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân. Ảnh: Nguyễn Duy.

Quá trình xây dựng NTM cũng như hướng đến nâng cao cần phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân. Ảnh: Nguyễn Duy.

Đảm bảo công khai cho các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi người dân được tham gia đóng góp xây dựng và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng NTM ở địa phương. Chủ động phân cấp để cộng đồng dân cư có thể trực tiếp tham gia xây dựng các công trình. Phát huy vai trò giám sát của Ban giám sát cộng đồng để đảm bảo chất lượng công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư để nhân dân tin tưởng và tích cực tham gia xây dựng NTM.

Qua 10 năm xây dựng NTM đã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nông thôn tỉnh Long An một cách vượt bậc. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Long An được thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, tránh sự dàn trải, rập khuôn. Xây dựng NTM phải bền vững và tiến tới NTM nâng cao và kiểu mẫu. Mục tiêu của Long An trong năm 2022, toàn tỉnh sẽ có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM và có thêm 8 xã đạt chuẩn nâng cao. (Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An).

Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện những đơn vị làm tốt và những vấn đề còn tồn tại. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đánh giá sơ kết rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng những điển hình hay cách làm sáng tạo. Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Việc sử dụng nguồn lực phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có sự giám sát của cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch.

Nói những kinh nghiệm của tỉnh Long An trong xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út nhận xét: Quá trình xây dựng NTM cũng như hướng đến nâng cao cần phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân. Để phát huy vai trò chủ thể của người dân một cách thực chất, hiệu quả, cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, đoàn thể ở Long An đã tích cực tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu đúng ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Khi người dân thông suốt được vấn đề này, sẽ chủ động, tích cực tham gia đóng góp, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình triển khai, mỗi địa phương đều nhất quán trong toàn dân theo phương châm "3 tự" là tự quản, tự bàn bạc và tự quyết định xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Việc "công khai, minh bạch" của chính quyền các cấp xác định là cốt lõi đã phát huy tính dân chủ trong việc sử dụng nguồn vốn, giám sát nguồn vốn do mình đóng góp. Chính từ đó, đã cuốn hút nhân dân tham gia đóng góp xây dựng từng hạng mục của chương trình xây dựng NTM.

Bài học kinh nghiệm của Long An trong việc xây dựng NTM sau 10 năm thực hiện là khi bắt tay vào thực hiện phải chắc chắn, thận trọng, phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng hộ dân trong việc xây dựng NTM. Đối với việc xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu thì cần phải cân đối vừa sức, làm từng bước, tránh nóng vội. Với cách làm này đã đẩy phong trào xây dựng NTM của Long An ngày đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

  • Tags:
Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tôn vinh bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Tây Ninh Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ 5 năm 2024 vừa chính thức khai mạc.