| Hotline: 0983.970.780

Tà Cú mùa hoa vông

Thứ Tư 20/07/2022 , 14:00 (GMT+7)

Người ta đã từng nghĩ Tà Cú là một 'mảnh rơi' của dẫy Trường Sơn hùng vĩ bởi ngọn lửa bùng cháy bên biển khơi.

Có thể nói thị trấn Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) được hình thành bên đường số 1 là nhờ dãy núi Tà Cú. Những ngôi nhà của người Chăm mọc lên ngày nào dưới chân núi là chốn hẹn hò của những chàng trai cô gái trong ngày hội Kate huyền ảo. Khi ấy cũng vào mùa hoa vông đỏ rực sườn núi. Tiếng kèn Xaranai réo rắt gọi bạn tình cùng tiếng trống Ghi năng bập bùng trong tiếng ca bay lên: “Ai kia đang ở phía xa hỡi người tình…”.

Nhìn từ đỉnh Tà Cú.

Nhìn từ đỉnh Tà Cú.

Tà Cú một thuở hồng hoang là mạch nguồn núi lửa ngày đêm tuôn trào dung nham ra biển đông. Chính vì lẽ đó Tà Cú đã để lại những hang động bí ẩn và hàng trăm cây lá thuốc tự nhiên cùng những suối nước nóng ẩn sâu trong lòng đất. Dân tộc Chăm cổ đã từng coi núi Tà Cú là ngọn núi Mẹ sinh thành ra thần lửa và từ đó sự sống sinh ra. Đó chính là sự xuất hiện của thần Siva tạo dựng thế giới và hủy diệt để tái tạo. Họ coi đây là quy luật của tạo hóa.

Người ta đã từng nghĩ Tà Cú là một "mảnh rơi" của dẫy Trường Sơn hùng vĩ bởi ngọn lửa bùng cháy bên biển khơi. Những biến động địa chất đã tạo nên cánh rừng nguyên sinh ngàn năm trên núi cao. Tà Cú trở thành ngọn núi thuốc nam hoang dã cùng với muôn loại chim muông hiếm có. Mỗi dòng nước mạch nguồn trên núi cũng chất chứa những dinh dưỡng thần diệu cho sự sống loài người. Đỉnh dẫy núi cao hơn 650m này ẩn dấu những bí ẩn không ai ngờ tới.

Người sớm khai thông ngọn núi Tà Cú là thiền sư Hữu Đức (1812 - 1887). Sinh thời thiền sư là một thày thuốc giỏi nổi tiếng khắp vùng Bình Thuận. Nhà sư đã cứu giúp hàng ngàn người thoát khỏi bệnh tật tại hàng chục ngôi chùa ở vùng miền đầy nắng gió này. Một thời thiền sư vẫn lên núi hái lá thuốc khi còn ở chùa mũi Kê Gà. Sau đó ngài lên ở hẳn trên núi Tà Cú nguyện tu đến cuối đời.

Ngày ấy trên núi còn nhiều hổ báo, rắn rết hoang dã. Có điều kỳ lạ đã xảy ra khi ngài tìm tới một hang động để tu luyện. Trong hang động khúc khuỷu sâu trong lòng núi có nguồn ngước trong vắt chảy suốt ngày đêm. Không ít thú hoang đã tìm đến nguồn nước này dùng chung với ngài. Có một chú hổ với bộ lông màu trắng đã đến bên ngài phủ phục đợi ngài cho uống nước. Từ đó bạch hổ đã trở thành thân thiết với thiền sư. Cho dù đi săn mồi đâu đó suốt ngày nhưng tối đến Bạch hổ lại về ngồi chầu ở cửa hang. Con đường bạch hổ hay đi lên xuống núi đã trở thành dấu chân cho mọi người lên núi chữa bệnh. Không còn loài thú hung dữ nào dám bén mảng tới cửa hang động. Ngài thiền và không bao giờ hạ sơn. Ngày đêm ngài ăn hoa quả trên rừng cùng lá cây thuốc và rau tự trồng được. Dòng nước suối trong hang đã nuôi sống ngài như vậy dòng dã bao tháng năm.

Tiếng đồn về công đức cứu người của thiền sư Hữu Đức vang dội khắp thiên hạ. Một lần mẹ vua Tự Đức là Hoàng Thái hậu Từ Dũ bị ốm nặng trong triều không thầy thuốc nào chữa khỏi. Nhà vua cho quân sĩ hiệu triệu các thày lang giỏi khắp thiên hạ về kinh nhưng bệnh tình bà Từ Dũ càng trở nên trầm trọng. Triều đình nghe tiếng đồn về thiền sư Hữu Đức đã cho người lên núi triệu ngài về cung. Nhưng do lời nguyền không bao giờ xuống núi nên thiền sư đã cho mang thuốc về và thảo đơn chỉ dẫn điều trị.

Thầy thuốc trong triều đã thực hiện đúng lời dặn dò nên chỉ ba ngày sau bệnh tình bà Hoàng Từ Dũ đã lui khỏi. Vua lấy làm thán phục đã ban sắc phong “Đại lão hòa thượng” cho thiền sư Hữu Đức. Không những thế nhà vua còn treo bảng lưu danh ngôi chùa mà thiền sư đã xây dựng với cái tên “Linh Sơn Trường Thọ Tự”. Sự việc này đã được ghi chép trong sử sách.

Câu chuyện của ngài vẫn còn chưa dứt ở đó. Bởi lẽ khi ngài viên tịch bạch hổ ngày nào cũng nhịn ăn uống phủ phục bên tháp mộ cho đến chết. Bạch hổ là hình tượng linh thiêng bên sư tổ “Đại lão hòa thượng” như hình với bóng. Bức tượng ngài bằng đá xanh đã được tạc trang trọng trước chùa cùng tượng bạch hổ phía dưới gắn với huyền thoại bất tử trên núi cao. Dân chúng vùng Hàm Thuận Nam đã lấy ngày sư tổ Hữu Đức tạ thế (5/10/1887 âm lịch) để tổ chức lễ hội dâng hương hàng năm.

Tà Cú đã xóa mờ những dấu tích Chăm xưa qua những thăng trầm lịch sử. Giờ đây chỉ còn lại hình ảnh vấn vương qua những ký ức đầy yêu thương. Thi sĩ Jalau Anưk người Chăm đã viết: “Mùa đã thức. Ghi năng đã vang/ Xaranai đã véo von từ cõi xa xăm gọi bừng mặt trời ngái ngủ/ Gọi lùi bước Yang toan đi/ Gọi phụt mạch nước ngầm trên mảnh vườn bén liếc gót chân thô/ Mùa đã thức…” (Nhắn em).

'Linh sơn trường thọ tự'.

"Linh sơn trường thọ tự".

Nếu đứng trên tại cửa chùa trên phật tử hướng ra biển đông sẽ nhìn thấy trên mũi đất nhô ra biển là ngọn hải đăng Kê Gà. Đây là ngọn hải đăng cổ nhất (xây năm 1900) trên bờ biển được xây bằng đá hoa cương với chiều cao 65m. Hải đăng Kê Gà ngày đêm dạt dào sóng biển ngân vang bản giao hưởng trầm hùng vọng lên vách núi Tà Cú. Khi vượt qua chùa chừng hơn một trăm bậc đá mọi người sẽ vỡ òa cảm xúc và bất ngờ đứng trước bức tượng Phật Thích Ca nằm thanh thản trên núi cao. Thật đúng với cảm giác: “Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét/ Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con/ Một tiếng sấm xuân vừa chấn động/ Khắp nơi cây cối nảy mầm non” (Trần Thái Tông).

Bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn nằm, dài 49m và cao 11m trên sườn núi phía đông. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Trương Đình Ý (1910 - 1995) dựng theo ý tưởng của thiền sư Thích Vĩnh Thọ trụ trì Linh Sơn Trường Thọ Tự khi ấy. Bức tượng đã xây dòng dã trong 5 năm (1962 - 1967). Theo người dân bản địa cho biết ngày đó hàng ngàn công nhân đổ về góp công. Họ gánh từ những thúng cát lên núi cao. Hàng trăm người thay nhau khênh từng bao xi măng dòng dã cả năm trời theo tiến độ xây dựng và thời tiết hai mùa mưa nắng.

Trong những năm tháng đó điêu khắc gia Trương Đình Ý cũng xuống tóc đi tu và ăn chay niệm phật. Ông là một trong những người đã tốt nghiệp khoa điêu khắc Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1935. Điều kỳ lạ nhất đối với họa sĩ điêu khắc này là cả đời ông chỉ dựng tượng phật. Ông đi giảng dậy nhiều nơi nhưng các công trình của ông đều gắn với các đình chùa, đền miếu.

Tượng Phật lập kỷ lục.

Tượng Phật lập kỷ lục.

Trong 5 năm làm việc trên núi Tà Cú phật tử điêu khắc gia Trương Đình Ý không hề lấy tiền công. Gia đình gặp nhiều khó khăn sau khi ông rời bục giảng trường Mỹ thuật Gia Định vào năm 1962. Ông nguyện theo nhà chùa cho đến cuối đời sau khi hoàn thành bức tượng. Nhà điêu khắc đã làm theo đúng nguyên tắc nghệ thuật: “Tâm của người điêu khắc với tượng là một”. Bức tượng Phật Thích Ca nằm gối lên tay mình thanh thản an nhiên về cõi Niết Bàn. Đó là khuôn mặt giải thoát không còn buồn, vui, giận hờn và ham muốn trên cõi đời.

Sau này bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn trở thành di sản quốc gia (1993) và được tôn vinh là kỷ lục Đông Nam Á (2013). Bức tượng cùng những cụm tượng phật khác gắn bó với lễ hội tâm linh của hai ngôi chùa thiêng trên núi Tà Cú. Nhiều phật tử đã vượt đường bộ dài 2.500m để lên núi dâng hương. Khi đứng trên đỉnh núi họ mới thấm được lời dậy của thiền sư Diệu Giác: “Phật pháp tựa như bè vượt sông/ Giúp ta đoạn dứt bụi trần hồng/ Sông Mê, biển khổ dần vượt hết/ Đến bến rời bè lại về Không”. Khi ấy lại một mùa hoa vông rực đỏ. Những chùm hoa như búp lửa bập bùng cháy trên núi cao. Tiếng trống hội vang lên cùng sóng biển tung bọt trắng xóa cả một vùng sơn cước bát ngát xanh tươi.

Xem thêm
Yên Bái giảm 5 sở, 11 ban chỉ đạo

Yên Bái chỉ duy trì 3 Ban chỉ đạo gồm: Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, Ban Chỉ đạo 35 và Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Mức sinh ở Việt Nam giảm 3 năm liên tiếp, dự báo tiếp tục giảm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam giảm với tốc độ nhanh chóng, đây là mức thấp nhất trong lịch sử.