| Hotline: 0983.970.780

Tà Mung bừng tỉnh

Thứ Tư 26/06/2024 , 10:51 (GMT+7)

LAI CHÂU Tháng 6, khi những cơn mưa đưa nước tràn về những thửa ruộng bậc thang, là thời điểm mùa cày cấy ở Tà Mung bắt đầu. Đất đai bừng tỉnh sau 7 tháng ngủ yên.

Đất đai bừng tỉnh sau 7 tháng ngủ yên

Tà Mung là xã vùng cao phía nam của huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Với độ cao trung bình trên 1.000m, khí hậu ở Tà Mung chia hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến cuối tháng 8. Mùa khô từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau.

Tháng 6, mùa mưa tới giúp núi đồi, đất đai như bừng tỉnh sau 7 tháng ngủ yên. Ảnh: Hồng Nhung.

Tháng 6, mùa mưa tới giúp núi đồi, đất đai như bừng tỉnh sau 7 tháng ngủ yên. Ảnh: Hồng Nhung.

Vào mùa khô, Tà Mung khá khó khăn về nguồn nước sản xuất nên mỗi năm khu vực ruộng bậc thang ở đây chỉ cấy được một vụ. Đến mùa mưa, bà con đón nước từ đầu tháng 5. Khi những cơn mưa đầu mùa về núi, những chân ruộng đầu tiên có nước sẽ được dùng để gieo mạ. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 nước mới tràn về các thửa ruộng từ chân núi đến lưng chừng đồi. Đây là thời điểm mùa cày ruộng bắt đầu, đất đai bừng tỉnh sau 7 tháng ngủ yên, mùa sinh sôi no ấm sắp trở về.

Tháng 6, bà con nông dân trên địa bàn xã Tà Mung bước vào cấy lúa vụ mùa. Mặc dù là mùa mưa nhưng từ sáng sớm, bà con đã đi nhổ mạ, vận chuyển về các chân ruộng mới bừa để cấy lúa ngay cho đảm báo chất lượng mạ. Tất cả các chân ruộng bậc thang của các bản Hô Ta, Tà Mung, Nậm Pắt, Đán Tọ, Tu San, Nậm Mở (xã Tà Mung) nhộn nhịp tiếng máy bừa, máy lồng, tiếng người gọi nhau chuyển mạ, chuyển máy đến các thửa ruộng phía xa.

Những chiếc máy bừa, máy lồng chạy liên tục từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác. Trên các trục đường nội đồng, bà con nông dân tất bật đắp bờ, vạt cỏ, có người dùng cuốc để cuốc những đám ruộng nhỏ ven đường, ven suối – nơi không thể sử dụng máy để cày bừa được. Bà con liên tục chở mạ bằng xe máy, trong những sọt lớn, rồi dùng bung gánh vận chuyển mạ xuống ruộng, chuẩn bị sẵn sàng cấy những thửa xuộng đã bừa xong. Kinh nghiệm cấy lúa của người vùng cao là vừa bừa xong sẽ cấy ngay để khi lắng bùn cây mạ sẽ được giữ chặt gốc, giúp cây mọc thẳng.

Bà con nông dân ở Tà Mung cho biết vụ mùa năm nay việc triển khai gieo cấy lúa thuận lợi do nguồn nước dồi dào. Ảnh: Hồng Nhung.

Bà con nông dân ở Tà Mung cho biết vụ mùa năm nay việc triển khai gieo cấy lúa thuận lợi do nguồn nước dồi dào. Ảnh: Hồng Nhung.

Hồi sinh những "thửa ruộng chết"

Giữa cánh đồng Tu San có một dòng suối chảy qua, những bãi đá lổng chổng - dấu tích của trận lũ lịch sử năm 2023 để lại vẫn còn nguyên. Diện tích ruộng ven suối bị lũ tràn qua, đất đá vùi lấp khiến vụ mùa năm 2023 không thể sản xuất được. Tuy nhiên sang năm nay, những mảnh ruộng bị vùi lấp được hộ anh Thào A Kí ở bản Nậm Pắt kè đá, đắp bờ, thuê máy xúc san gạt và đã phục hồi được ba mảnh ruộng có diện tích khoảng 0,7ha.

Ở bản Lun, khu vực suối Nậm Sang, vụ mùa 2023 gia đình anh Đèo Văn Sệnh cũng bị lũ quét tràn vào mất toàn bộ gần 4 sào lúa. Sang đầu năm nay, anh thuê máy xúc san gạt và kè lại khu ruộng nước của mình. Nhìn thấy dòng suối mùa mưa chảy cuồn cuộn, thấy những mảnh ruộng kè đá, nhìn những hàng lúa vừa cấy trên khu vực từng bị lũ quét tàn phá mới thấy được ý chí và tình yêu đất đai của người dân vùng cao.

Vụ mùa là vụ sản xuất lương thực chính trong năm của bà con vùng cao Tà Mung do thời tiết thuận lợi, mưa nhiều. Ảnh: Hồng Nhung.

Vụ mùa là vụ sản xuất lương thực chính trong năm của bà con vùng cao Tà Mung do thời tiết thuận lợi, mưa nhiều. Ảnh: Hồng Nhung.

Bởi đặc điểm địa hình đặc biệt khó khăn về nguồn nước sản xuất nên sản lượng lương thực có hạt đầu năm 2024 của xã Tà Mung chỉ đạt trên 758 tấn, bằng hơn 21% kế hoạch. Vụ lúa chiêm xuân vừa qua, xã thực hiện gieo cấy 127ha, đạt 100% kế hoạch, năng suất đạt gần 60 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 758 tấn, đạt hơn 101% kế hoạch giao.

Trọng tâm sản xuất lương thực có hạt của Tà Mung là vụ mùa bởi đây là giai đoạn vào mùa mưa, diện tích ruộng nước, ruộng bậc thang được tận dụng tối đa để trồng lúa, dự kiến diện tích lúa mùa năm nay của xã đạt trên 336ha.

Ở khu vực sườn ngoài của bản Hô Ta, bà con kéo nước về bằng đường ống, dẫn nước từ khe Hô Ta lên các mảnh ruộng bậc thang hai bên đường, có chỗ đường ống dài hơn 100m. Nhìn cảnh bà con kéo đường ống dẫn nước về ruộng giữa trưa nắng mới thấy được sự kiên trì làm lúa nước của người dân nơi đây.

Mặc dù là xã vùng cao, diện tích lúa nước của Tà Mung không nhiều nhưng trong kế hoạch sản xuất lương thực xã cũng đề ra việc sản xuất lúa hàng hóa tập trung với diện tích vụ chiêm xuân đã thực hiện trên 58ha, vụ mùa thực hiện tiếp trên 26ha, nâng tổng diện tích lúa hàng hóa tập trung của xã lên hơn 85ha.

Nông dân Tà Mung tất bật triển khai sản xuất vụ mùa 2024 với niềm tin lớn sẽ được mùa. Ảnh: Hồng Nhung.

Nông dân Tà Mung tất bật triển khai sản xuất vụ mùa 2024 với niềm tin lớn sẽ được mùa. Ảnh: Hồng Nhung.

Theo ông Phùng Tiến Hưng, Chủ tịch UBND xã Tà Mung, bước vào vụ mùa năm nay, cơ quan chuyên môn đã thường xuyên tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các giống lúa đảm bảo năng suất, chất lượng, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương.

Bên cạnh đó, khuyến khích người dân nhanh chóng tranh thủ nước về, gieo cấy tập trung cùng loại giống để thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch; tích cực ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất.

"Ngay khi có mưa xuống, có nước về, địa phương đã chủ động chỉ đạo bà con kịp thời triển khai gieo cấy lúa vụ mùa. Về cơ cấu giống lúa, bà con ở Tà Mung sử dụng một số giống lúa như Nếp 86, Nếp N98, Nếp 97; Nhị ưu 838, Việt Lai 20 và một số giống lúa địa phương”, ông Phùng Tiến Hưng cho biết.

Giống mới làm nên mùa vàng

Chị Sùng Thị Chua, Bí thư Chi bộ bản Hô Ta phấn khởi cho biết: Vụ mùa năm nay bản Hô Ta gieo cấy 54ha, toàn bộ diện tích ruộng đều có nước và được cấy toàn bộ, mưa sớm nên ruộng đủ nước, không bị khô như năm ngoái.

Do đặc thù miền núi nên người dân coi mỗi thửa ruộng thực sự là 'tấc đất, tấc vàng'. Ảnh: Hồng Nhung.

Do đặc thù miền núi nên người dân coi mỗi thửa ruộng thực sự là "tấc đất, tấc vàng". Ảnh: Hồng Nhung.

Khi chúng tôi đến, anh Hảng A Páo đang cày những chân ruộng ngay sát đường lên xã. Anh kể: Vụ hè thu năm 2023, gia đình anh cấy 0,5ha ruộng bậc thang giống lúa Nhị ưu 838, thu được trên 3 tấn thóc, đủ để ăn và chăn nuôi gà vịt, một phần bán cho thương lái. Vụ mùa năm nay gia đình anh cấy giống Nếp 86, Nhị ưu 838. "Vụ mùa năm nay nước về sớm, đều đặn, tôi tin năng suất lúa sẽ cao hơn so với vụ mùa năm ngoái”.

Phía dưới bản Hô Ta là các bản Pá Liềng, bản Khá, bản Lun, đây là các bản thuộc vùng thấp của Tà Mung. Hộ anh Lò Văn Thụi, Đèo Văn Sệnh là những hộ sản xuất giỏi nổi tiếng ở đây. Anh Sệnh chia sẻ: “Vụ chiêm xuân năm nay nhà tôi cấy 4 sào (4.000m2), thu được hơn 3 tấn thóc, thu nhập từ lúa khoảng hơn 30 triệu đồng. Vụ mùa nay gia đình tôi cấy 6 sào với giống Nếp 86, tôi đã gieo 29 cân lúa giống. Tôi chọn giống này vì phù hợp với điều kiện đất ruộng ở đây, cây khỏe và năng suất cao”.

Anh Lò Văn Thụi kể, nhà anh có hơn 2ha ruộng trồng lúa nước, vụ chiêm xuân 2024 anh cấy giống Nếp 86, thu hoạch được hơn 12 tấn thóc. Vụ mùa này anh gieo 70 cân thóc giống, cả Nếp 86 và nếp Tú Lệ, trong đó Nếp 86 được trồng trên phần lớn diện tích.

“Giống Nếp 86 năng suất cao, nhưng giá chỉ khoảng 10.000đ/kg, còn nếp Tú Lệ khó trồng nhưng giá trên 15.000đ/kg”. Thu hoạch từ lúa của gia đình tôi mỗi năm đạt trên 120 triệu đồng", anh Thụi phấn khởi.

Vụ mùa năm nay, nông dân Tà Mung rất tin tưởng sẽ thắng lợi do đầu vụ thời tiết thuận lợi, mưa sớm, nước dồi dào. Ảnh: Hồng Nhung.

Vụ mùa năm nay, nông dân Tà Mung rất tin tưởng sẽ thắng lợi do đầu vụ thời tiết thuận lợi, mưa sớm, nước dồi dào. Ảnh: Hồng Nhung.

Tháng sáu - mùa mưa, mùa nước đổ. Màu nâu, màu vàng đất mới trên những sườn đồi khiến cả Tà Mung như bừng lên sức sống mới. Bà con nông dân tích cực đắp bờ, cày cấy ở những chân ruộng vùng thấp và những chân ruộng bậc thang.

Màu đất mới xen lẫn màu xanh của rừng núi khiến người ta hi vọng về một mùa vàng bội thu trên núi vào tháng chín, tháng mười. Mùa vàng về trên núi cũng là mùa Tết Độc lập của người dân Than Uyên. Dịp 2/9 năm nào Than Uyên cũng đông du khách về vui Tết Độc lập, cảnh quan thiên nhiên và mùa lúa chín Tà Mung cũng sẽ góp phần níu chân du khách ở lại với mảnh đất này.

 

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.