Độc chất Melamine có trong sữa Sanlu khiến hàng nghìn trẻ em bị sạn thận
Tháng 9 năm 2008 hãng sữa Sanlu (thuộc một phần sở hữu của tập đoàn sữa Fonterra của New Zealand) đã thu hồi tất cả sữa bột bán ở tỉnh Gansu thuộc tây bắc Trung Quốc. Nhiều trẻ em uống sữa Sanlu đã phải nhập viện do những rối loạn ở thận, trong đó có 3 trẻ đã được xác nhận là chết do sử dụng sữa bột nhiễm melamine.
>> 12 trẻ nguy kịch vì ngộ độc sữa
>> Chưa phát hiện sữa Sanlu trên thị trường Hà Nội
>> Sữa ''ma'' vẫn lộng hành!
>> Trung Quốc phát hiện thêm 69 hãng sữa độc hại
>> Hãng sữa làm hại 1.255 em bé, sửa sai bằng... xin lỗi?
Bộ Y tế Trung Quốc đã ra thông báo bước đầu khẳng định sữa nhiễm melamine chính là nguyên nhân gây tình trạng sỏi thận và suy thận ở nhiều trẻ em (dẫn theo Thụy Miên, báo Thanh niên số 258, ra ngày 14/9/2008) .
Cũng nên nhớ rằng vào năm 2007 ở Mỹ cũng đã nổ ra một cuộc khủng hoảng về thức ăn cho thú cảnh khi một số chó và mèo bị ốm và chết do suy thận cấp. Nguyên nhân của bệnh được cho là do con vật ăn thức ăn bị dây nhiễm melamine. Tổ chức Thực phẩm và Thuốc của Hoa kỳ (FDA) báo cáo rằng đã phát hiện thấy những hạt melamine trong thức ăn cho thú cảnh, đồng thời người ta cũng tìm thấy melamine trong các hạt sỏi kết tinh ở thận và nước tiểu của những con vật bị ốm hay chết. Sau báo cáo này, toàn bộ thức ăn cho thú cảnh đã bị thu hồi.
Melamine là một chất bột mầu trắng, khối lượng riêng là 1,57; độ hòa tan trong nước không cao (3,1g/1 lit nước ở 20oC). Melamine có công thức là C3H6N6, hàm lượng N chiếm 66% trong phân tử; gấp 1,5 lần lượng nitơ có trong urê.
Melamine có thể đuợc chế tạo từ urê, cứ 6 phân tử urê cho một phân tử melamine:
6(NH2)2CO → C3H6N6 + 6NH3 + 3CO2
Melamine được dùng kết hợp với formaldehyde để sản xuất nhựa melamine (một chất dẻo rất bền với nhiệt) hoặc để sản xuất bọt melamine (một chất trùng hợp dùng để tẩy rửa, làm sạch), làm keo dán và chất cháy chậm. Melamine cũng là thành phần chính của sắc chất vàng 150, một chất mầu trong mực in và trong chất dẻo.
Melamine cũng được dùng để chế tạo phân bón. Dẫn chất melamine của thuốc arsenic dùng để điều trị bệnh tiêm mao trùng (trypanosomiasis), một bệnh khá nguy hiểm ở châu Phi.
Melamine được dùng như một nguồn nitơ phi protein cho bò từ năm 1958, tuy nhiên đến 1978 thì các nghiên cứu khoa học đã kết luận rằng melamine không có thể là một nguồn nitơ phi protein được chấp nhận cho loài nhai lại vì sự thủy phân của nó trong cơ thể bò khá chậm và không hoàn toàn như khô dầu bông hay urê.
Những nghiên cứu trước đây đều cho rằng melamine có tính độc thấp. Dựa trên những khảo sát ở chuột người ta biết được liều LD50 của melamine là trên 3.000 mg/kg thể trọng; liều độc này không nguy hiểm vì muối ăn cũng có LD50 tương tự (liều LD50 là liều làm cho 50% số động vật thí nghiệm bị chết).
Tuy nhiên với những rối loạn về thận gây ra trên chó và mèo khi ăn thức ăn nhiễm melamine xẩy ra ở Hoa Kỳ vào năm 2007 và gây ra trên trẻ nhỏ ở Trung Quốc gần đây khi ăn sữa bột nhiễm melamine đã khiến cho các nhà khoa học phải tiếp tục đánh giá lại độ độc của melamine. Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA, tháng 7/2007) thì có thể có tính độc kết hợp giữa melamine và acid cyanuric và tác động hiệp đồng của hai chất này có thể có liên quan đến suy thận và gây chết cho chó và mèo ở Hoa Kỳ. Cơ chế của tác động hiệp đồng này cần tiếp tục nghiên cứu.
Ở Hoa Kỳ, người ta cũng phát hiện thấy các nguồn lương thực nhập từ nước ngoài như gluten lúa mì, gạo, ngô, đỗ tương hay protein đỗ tương… bị dây lẫn melamine, những nguồn protein này đã được dùng để nuôi lợn và gia cầm.
Bộ Nông nghiệp và tổ chức FDA của Hoa Kỳ cũng đã có những đánh giá về tác hại trên người khi ăn thịt lợn hay thịt gia cầm nuôi bằng thức ăn nhiễm melamine. Cho đến tháng 5 năm 2007 các nghiên cứu thực hiện bởi các nhà khoa học của Tổ chức Thuốc và Thực phẩm (FDA) và một số tổ chức khác của Hoa Kỳ đều đi đến kết luận rằng nguy cơ của thực phẩm dây nhiễm melamine cho sức khỏe người là thấp.
Tuy nhiên, tác hại của melamine trộn vào thức ăn chăn nuôi cần được xem xét ở khía cạnh khác:
Như trên đã nói cứ 100g melamine có 66 g nitơ, tương đương với 412,5 g protein thô (1 g nitơ tương đương với 6,25 g protein thô). Nếu một hỗn hợp thức ăn đã có 150g/kg protein thô (tương đương 15%) được trộn thêm 10g melamine thì lượng protein thô sẽ lên tới 191,25g/kg (tương đương 19,125%). Melamine là một chất bột mầu trắng, ít tan trong nước, khó phát hiện bằng mùi vị và rẻ tiền.
Lượng protein thô tăng lên (tăng 4,125%) từ nguồn nitơ của melamine thực chất không được con vật sử dụng mà thải ra ngoài. Người bán thức ăn thì được hưởng lợi nhưng người chăn nuôi thì thua thiệt.
Việc trộn melamine vào thức ăn hỗn hợp hay vào bột cá để làm tăng giả tạo hàm lượng protein thô lên là một hành vi buôn bán gian lận đã thấy có ở nước ta cần được cảnh báo và phát hiện để xử lý.