| Hotline: 0983.970.780

Tách bạch chức năng trong hoạt động đăng kiểm, cấp giấy phép lái xe

Thứ Năm 08/06/2023 , 12:07 (GMT+7)

Chủ tịch Quốc hội thống nhất với Bộ Giao thông - Vận tải về chủ trương khách quan, minh bạch trong công tác thanh, kiểm tra hai chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn sáng 8/6.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn sáng 8/6.

Không khí nghị trường sáng 8/6 tiếp tục nóng với những vấn đề thuộc Bộ Giao thông - Vận tải quản lý là đăng kiểm, cấp giấy phép lái xe và trạm thu phí BOT.

Tổng kết nhóm vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, tình trạng tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phạm vi rộng, thời gian dài trong hoạt động đăng kiểm chưa được chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời; việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý lái xe sau cấp phép còn nhiều bất cập và yếu kém.

Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia còn chưa đạt yêu cầu, giải ngân đầu tư công rất chậm; các hình thức hợp tác công tư và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; chưa có giải pháp giải quyết căn bản tồn đọng, vướng mắc của một số dự án BOT.

Phiên chất vấn của Bộ Giao thông - Vận tải có 112 đại biểu đăng ký, 20 đại biểu đặt câu hỏi, 17 đại biểu tranh luận. Còn 76 đại biểu đăng ký chất vấn và 2 đại biểu tranh luận nhưng do hết thời gian nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị gửi câu hỏi để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản. 

"Các đại biểu đã bám sát nội dung chất vấn, tích cực đeo bám, tranh luận làm rõ vấn đề. Bộ trưởng Giao thông - Vận tải tuy nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng nắm vững vấn đề, giải trình khá đầy đủ các bất cập, hạn chế; đề xuất được cả giải pháp trước mắt và lâu dài. Ngành giao thông vận tải đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành khối lượng công việc lớn và phức tạp", Chủ tịch Quốc hội nói.

Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Chủ tịch Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải 5 nhóm vấn đề. Trong đó, có việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực như đăng kiểm, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe. Bộ cũng cần có biện pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Nội dung liên quan đến đăng kiểm và sát hạch, cấp giấy phép lái xe được đông đảo đại biểu quan tâm. 

Nội dung liên quan đến đăng kiểm và sát hạch, cấp giấy phép lái xe được đông đảo đại biểu quan tâm. 

Về sát hạch, cấp giấy phép lái xe, trả lời đại biểu Tráng A Dương, đoàn Hà Giang, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, đã nhận diện được tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe tại một số địa phương.

Thời gian tới, Bộ sẽ siết thanh tra, kiểm tra, phân định rõ trách nhiệm của Bộ và Sở trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Hiện nhiệm vụ này đang được phân cấp cho địa phương, còn Bộ chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận nhiệm vụ từ cuối tháng 10/2022. Theo ông, ngay khi nhậm chức, hai nhiệm vụ được giao là thanh tra hệ thống đăng kiểm và thanh tra việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Ông cũng chỉ rõ rằng sai phạm xảy ra là "do công tác thanh tra chưa phát hiện được".

Nhằm tránh vấn đề về giấy phép lái xe trở thành "vết dầu loang" như đăng kiểm, Bộ trưởng Thắng cho biết đã, đang và sẽ tập trung lực lượng làm tốt công tác thanh tra, tránh tình trạng không làm tròn trách nhiệm như thời gian trước.

Công tác thanh tra là nội dung được nhiều đại biểu chất vấn, tranh luận. Đại biểu Lý Văn Huấn, đoàn Thái Nguyên cho biết, đến nay cơ quan điều tra các tỉnh đã khởi tố 68 vụ, trên 600 bị can liên quan đến đăng kiểm viên, còn liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực sát hạch giấy phép lái xe thì đã khởi tố đến hai con số và vi phạm này tiếp tục kéo dài.

Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh, tiếp tục chỉ đạo thanh tra, giám sát 63 tỉnh, thành phố và đã chuyển 6 vụ vi phạm liên quan đến sát hạch giấy phép đến cơ quan điều tra để xem xét.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng là vị tư lệnh ngành cuối cùng tham gia trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng là vị tư lệnh ngành cuối cùng tham gia trả lời chất vấn.

Về đăng kiểm, người đứng đầu Bộ Giao thông - Vận tải chia sẻ, hoạt động này có đặc thù là tương đối khép kín. Thanh tra chỉ kiểm tra trên hồ sơ, nhưng sai phạm lại không nằm trên đó.

Ngoài ra, đăng kiểm có hệ thống công nghệ thông tin để kiểm tra những yếu tố liên quan đến phương tiện. Phần mềm này hiện có tính bảo mật chưa cao nên các trung tâm đăng kiểm có thể can thiệp, làm thay đổi số liệu. Nếu thanh tra với nghiệp vụ bình thường sẽ khó phát hiện.

Các tiêu cực khác, được đại biểu nêu từ cuối chiều 7/6, như nhận tiền, tham nhũng cũng là ở ngoài hồ sơ, nên khó cho công tác thanh tra của Bộ.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn Phú Thọ đặt nghi vấn, phải chăng xã hội hóa đăng kiểm đến mức mất kiểm soát. Ông cũng nêu một tồn tại ngoài thực tế, là hiện nhiều người dân có nhu cầu cải tạo xe 10 chỗ thành xe 5 - 6 chỗ để phù hợp với hoạt động gia đình, không phục vụ kinh doanh, nhưng lại không đủ điều kiện đăng kiểm.

Đại biểu Leo Thị Lịch, đoàn Bắc Giang trăn trở về việc hàng nghìn ô tô hết niên hạn sử dụng phải nộp đăng ký biển số và bị cấm lưu thông. Tuy nhiên, những xe này vẫn được cấp giấy kiểm định và ngang nhiên lưu thông, gây nhiều hiểm họa cho người dân. Điển hình là vụ xe ô tô hết niên hạn đưa đón học sinh, gây tai nạn đau lòng.

Giải đáp các thắc mắc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói nguyên nhân sai phạm của các trung tâm đăng kiểm phần nhiều là do chưa phản ứng kịp với thay đổi của chính sách. Ngoài ra, "câu chuyện tham ô, cấu kết, có trách nhiệm và vấn đề đạo đức của lãnh đạo cấp phòng đến lãnh đạo Cục Đăng kiểm", ông thẳng thắng thừa nhận.

Bộ trưởng nhận định, thời gian tới khi Nghị định 139 sửa đổi đi vào thực tế sẽ góp phần kiểm soát việc mở trung tâm đăng kiểm tại địa phương; đồng thời phân quyền cấp phép mở dịch vụ đăng kiểm cho Sở Giao thông - Vận tải.

Với vấn đề hoán cải xe, Bộ trưởng Thắng khẳng định nhu cầu của người dân là chính đáng. Điều này đã được quy định trong Thông tư 85 của Bộ Giao thông - Vận tải, trong đó giao nhiệm vụ này cho các Sở địa phương. "Nếu Sở không đủ điều kiện thì Cục Đăng kiểm có trách nhiệm thực hiện, trong đó chỉ thực hiện hoán cải với các xe không kinh doanh vận tải", ông bày tỏ.

Nhằm quản lý hiệu quả, chặt chẽ hoạt động đăng điểm cũng như cấp giấy phép lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn, đồng thời xây dựng đề án tách kinh doanh dịch vụ công khỏi công tác quản lý để đảm bảo thanh tra, kiểm tra được khách quan, minh bạch.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.