Trụ sở Tafishco
Theo ông Thành, vợ chồng bà chủ Tafishco Nguyễn Thị Huệ Trinh vắng mặt từ đầu tháng 11/2016, không còn liên lạc được, nên ông “đại diện cho tập thể người lao động của công ty” xây dựng phương án tái cơ cấu. Phương án được gửi đến UBND tỉnh An Giang, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang, Agribank An Giang, BIDV khu vực An Giang - Đồng Tháp và Ngân hàng Tiên Phong chi nhánh An Giang. Thống kê sơ bộ, Tafishco đang nợ các ngân hàng khoảng 750 tỷ đồng, nợ các hộ nuôi cá theo chuỗi liên kết hơn 82 tỷ, nợ các hộ nuôi cá ngoài chuỗi liên kết và các đối tác khác cũng số tiền lớn.
Phương án tái cơ cấu cho biết, Tafishco có nhà máy chế biến sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường chất lượng cao, có bạn hàng và có giấy phép xuất khẩu sang Brazil. Sản lượng cá nguyên liệu để chế biến vừa tự nuôi, vừa mua của hộ nông dân trong và ngoài chuỗi liên kết, đủ đáp ứng nhu cầu phát triển ổn định. Khó khăn nhất hiện nay là thiếu vốn sản xuất kinh doanh nên nhà máy chưa chạy hết công suất, thiếu cả lao động giỏi. Nếu được các ngân hàng khoanh nợ và tiếp tục cho vay vốn hoạt động thì có khả năng trả nợ sau 7 năm.
Trong phương án tái cơ cấu Tafishco, có hai hướng hoạt động được đề xuất: nhận gia công và tiếp tục sản xuất kinh doanh chế biến xuất khẩu. Nếu chỉ nhận gia công, mỗi ngày chế biến 100 tấn nguyên liệu, lợi nhuận thu được trong năm 2017 là 28 tỷ đồng. Lúc này, ngân hàng phải cử người đại diện quản lý, tìm đối tác có năng lực tài chính và xuất khẩu để nhận gia công.
Nếu tiếp tục sản xuất kinh doanh chế biến xuất khẩu, ngân hàng cần khoanh nợ 7 năm và cử người đại diện quản lý, cho vay vốn lưu động hơn 277 tỷ đồng. Khả năng chế biến phi-lê đông lạnh một ngày 85 tấn nguyên liệu (cuối năm 2017 tăng lên 120 tấn), chế biến bột mỡ cá một ngày 100 tấn nguyên liệu. Thêm doanh thu từ các loại phụ phẩm khác, ao nuôi cá 15,8 ha, tổng lợi nhuận của Tafishco năm 2017 hơn 99 tỷ đồng. Trong tổng lãi, khoảng 2/3 nhờ xuất khẩu phi-lê cá tra đông lạnh sang thị trường Mỹ.
Phương án tái cơ cấu đặt kỳ vọng, giữ được nhà máy và dần dần trả hết nợ. Tuy nhiên, xử lý nợ cho các hộ nuôi cá tra theo chuỗi liên kết là bước quan trọng hàng đầu để giúp người dân an tâm, tiếp tục nuôi cá cung cấp cho nhà máy. Phương án nhấn mạnh: “Đề nghị ngân hàng hỗ trợ tiếp tục duy trì nuôi cá (tạo nguồn nguyên liệu ổn định) theo chương trình hỗ trợ hoạt động của chuỗi liên kết cá tra”.
Cuộc họp đầu tiên của tỉnh An Giang bàn việc xử lý nợ, tổ chức sáng 15/2, cũng tập trung thảo luận khoản nợ của Tafishco với hộ nuôi cá theo chuỗi liên kết và giữa hộ nuôi cá theo chuỗi với ngân hàng. Có hai quan điểm, thứ nhất là nợ vay nuôi cá theo chuỗi mà cá đã bán cho Tafishco (nhưng Tafishco còn nợ tiền) thì Tafishco có trách nhiệm trả cho ngân hàng, như thực hiện mấy năm qua.
Đây cũng là quan điểm của quyết định thành lập tổ xử lý nợ Tafishco, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng ký ngày 13/2. Trong đó ghi rõ: “Xử lý khoản cho vay thí điểm đối với dự án chuỗi liên kết dọc cá tra phải theo đúng Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 và các văn bản đặc thù có liên quan”.
Quan điểm thứ hai, nợ vay nuôi cá theo chuỗi, hộ nông dân phải trả cho ngân hàng như các hợp đồng tín dụng độc lập không liên quan chuỗi. Dự kiến, ngày 21/2, tổ xử lý nợ Tafishco của UBND tỉnh An Giang sẽ họp để có quyết định chính thức.