| Hotline: 0983.970.780

Tái canh cà phê kỳ vọng thay đổi cuộc sống người vùng cao

Thứ Sáu 21/10/2022 , 07:22 (GMT+7)

Có lúc những vườn cà phê Arabica tại Hướng Hóa (Quảng Trị) lâm cảnh lụi tàn. Nhưng hiện tại mọi thứ đang trên đà phục hồi, mầm xanh đang hồi sinh.

Empty

Cà phê Arabica là cây trồng chủ lực, cây đặc sản gắn liền với đời sống đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hóa. Ảnh: VD.

Hồi sinh những vườn cà phê Arabica đặc sản

Từ thời Pháp thuộc, cà phê chè (Arabica) được người Pháp tổ chức trồng tại các đồn điền, rải khắp địa bàn huyện Hướng Hóa. Cà phê Arabica Khe Sanh có những thời điểm được xuất khẩu đến những thị trường khó tính trên thế giới, là món hàng được ưa chuộng đặc biệt. Nhưng đó là câu chuyện từ những năm 80 của thế kỷ trước. “Suốt thời gian dài cà phê tụt giá thê thảm. Nhiều vườn cà phê bị bỏ bẵng, cỏ mọc um tùm, cây dại, dây leo chằng chịt. 4 – 5 năm trở lại đây cây cà phê mới cho thấy dấu hiệu phục hồi, qua đó gieo niềm hi vọng lớn lao cho người dân bản địa”, ông Hà Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho hay.

Empty

Chương trình tái canh cà phê đã giúp nhiều vườn cà phê được phục hồi. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng như nhiều người trồng cà phê Arabica tại Hướng Phùng, ông Hồ Văn Phoi tại thôn Bụt Việt không hiểu tại sao có một thời gian năng suất cà phê của gia đình ông lại thấp đến thế. Mãi đến khi được tham gia chương trình tái canh cà phê, mọi thắc mắc mới có lời giải đáp. “Trước đây, năng suất cà phê chỉ khoảng 8 tấn tươi/ha/năm, bán ra chỉ được hơn 60 triệu đồng thôi. Khi tham gia tập huấn mới biết nguyên do đến từ quá trình chăm sóc chưa đúng cách, lượng phân bón không đáp ứng đủ nên cây còi cọc, năng suất thấp”, ông Phoi trải lòng.

Thông qua chính sách Nhà nước, năm 2020 ông Phoi được hỗ trợ tái canh 0,5 ha cà phê Arabica. Ngoài dự tập huấn, nâng cao kỹ thuật canh tác, gia đình ông còn được hỗ trợ 2,5 nghìn cây giống, phân vi sinh và thuốc BVTV. Được cán bộ khuyến nông, ngành nông nghiệp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, bón phân, chăm sóc, phát hiện phòng trừ sâu bệnh nên vườn cà phê tái canh của gia đình ông phát triển tốt.

“Năm nay gia đình mình sẽ thu vụ bói đầu tiên, 0,5 ha ước chừng được 2,5 tấn (5 tấn/ha). Vụ bói mà như vậy thì từ vụ thứ 2 trở đi năng suất sẽ không dưới 7,5 tấn/0,5 ha (15 tấn/ha). Cạnh vườn nhà mình, ông Hồ Văn Yên cũng có 7 sào (3.500 m2) tái canh từ năm 2017, đến nay mỗi năm thu đều đặn 6 tấn quả tươi đấy. Thu hoạch xong, mình sẽ bón phân theo đúng hướng dẫn để đảm bảo cây cà phê phát triển tốt”, ông Phoi vừa đưa khách ra thăm vườn cà phê tái canh vừa phấn khởi nói với chúng tôi.

Động lực cho đồng bào

Xã Hướng Phùng có trên 2,4 nghìn ha cây cà phê Arabica với trên 1,5 nghìn hộ trồng cà phê, trong đó, 40% là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê, toàn xã hiện có trên 900 ha cà phê già cỗi, năng suất kém. Việc tái canh cà phê là nhiệm vụ cấp thiết khi vùng đất này từng cung cấp những hạt cà phê chất lượng nhất ở Quảng Trị.

May thay, nhờ thụ hưởng các chính sách tái canh cà phê, người dân Hướng Phùng hiện đã biết cách lấy ngắn nuôi dài để duy trì cây trồng chủ lực. Đường lối đi kèm chủ trương, mục tiêu của Hướng Phùng là giữ ổn định diện tích cà phê trong khoảng 1,5-1,7 nghìn ha.

“Nhiều hộ trồng cà phê dưới vườn chanh leo, khi chanh leo hết chu kỳ lưu gốc thì phá để cây cà phê phát triển. Lại có hộ trồng cây ăn quả vừa cho thu hoạch,  vừa làm cây che bóng mát để nâng cao chất lượng cho hạt cà phê… Đó là cách lấy ngắn nuôi dài của người dân địa phương. Thời điểm này, có những vườn cà phê đạt ngưỡng 30 tấn/ha, có thời điểm năng suất bình quân từ 15-18 tấn/ha”, ông Hà Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết thêm.

Tại huyện Hướng Hóa, cà phê Arabi ca được trồng chủ yếu tại các xã Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Tân, Hướng Sơn, Tân Hợp, Tân Lập, thị trấn Khe Sanh… Thực hiện chương trình tái canh cà phê, từ năm 2017 đến nay, huyện Hướng Hóa đã trồng mới được 640 ha. Người dân tham gia (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60-70%) chương trình sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ 50% tiền cây giống. UBND huyện Hướng Hóa cũng trích ngân sách hỗ trợ 300 triệu đồng/ năm để các hộ dân mua cây giống. Như vậy, mỗi năm UBND tỉnh Quảng Trị và huyện Hướng Hóa đã hỗ trợ người dân bình quân gần 600 triệu đồng cho chương trình tái canh cà phê.

Empty

Cà phê Arabica hứa hẹn sẽ giúp đời sống đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hóa khởi sắc. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Hồ Quốc Trung, Phó phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa, toàn huyện có trên 4,3 nghìn ha cà phê. Thực tế cho thấy, năng suất ở những vườn tái canh cao hơn 20-50% so với vườn đối chứng. Một số công ty, HTX trên địa bàn huyện đã liên kết trực tiếp với người dân để trồng cà phê Arabica theo hướng hữu cơ và thu mua sản phẩm, xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều sản phẩm cà phê đã đạt được sản phẩm OCOP 3, 4 sao...

Ngoài dự án tái canh cà phê của UBND tỉnh Quảng Trị, người trồng cà phê còn được hưởng các chính sách từ Dự án tái canh cây cà phê tại Hướng Hóa thuộc chương trình Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2022. Đây là dự án được thực hiện giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị theo đơn đặt hàng của Bộ NN-PTNT, thực hiện nối tiếp năm 2020 và 2021 với quy mô 12 ha trong năm 2022 tại xã Tân Liên và thị trấn Khe Sanh.

Cà phê Arabica là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Trị và là cây trồng đặc biệt, gần như chỉ tập trung ở vùng núi Hướng Hóa. Mặc dù trong những năm qua diện tích tái canh của tỉnh Quảng Trị chưa đạt được mục tiêu đề ra và còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tái canh nhưng tỉnh Quảng Trị vẫn quyết tâm duy trì ổn định diện tích cà phê đạt 4,5 – 5 nghìn ha, hàng năm diện tích trồng mới, tái canh đạt 150 – 200 ha.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.